Trang chủHIV/AIDSQUY TRÌNH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN...

QUY TRÌNH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON (kỳ II)

Chương II

Quy trình chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV mẹ- con

 Điều 5. Các can thiệp trong thời gian mang thai

1. Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng HIV

a) Tư vấn trước xét nghiệm

Tư vấn nhóm: áp dụng khi có nhiều phụ nữ đến khám thai

Tư vấn cá nhân: áp dụng khi có ít phụ nữ đến khám thai, cho những phụ nữ mang thai sau khi tư vấn nhóm còn có nhu cầu tư vấn riêng hoặc chưa biết tình trạng HIV trong khi chuyển dạ. Tư vấn khi chuyển dạ nên được tiến hành ngắn gọn.

Tư vấn trước xét nghiệm phải cung cấp đầy đủ các thông tin về HIV, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, lợi ích của xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng nếu mẹ nhiễm; đề nghị tự nguyện xét nghiệm HIV và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (giang mai, héc pét sinh dục v.v…) cùng với các xét nghiệm thường quy khác trong khám thai.

b) Xét nghiệm sàng lọc HIV theo một trong hai hình thức ghi tên hoặc giấu tên tuỳ theo lựa chọn của người phụ nữ.

c) Tiến hành xét nghiệm khẳng định HIV cho người có kết quả sàng lọc HIV (+) tại các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép.

d) Tư vấn sau xét nghiệm cho tất cả phụ nữ khi trả kết quả xét nghiệm, kể cả HIV âm tính, dương tính hoặc chưa xác định theo các quy định hiện hành. Đối với những phụ nữ có kết quả xét nghiệm HIV (+) cần tập trung tư vấn các vấn đề sau

Tư vấn hỗ trợ tâm lý

– Thảo luận cách xử trí với thai nghén, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và các can thiệp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, phương pháp và kế hoạch chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng trẻ;

– Giới thiệu đến các nhóm và các cơ sở hỗ trợ xã hội;

– Thảo luận, khuyến khích thông báo kết quả xét nghiệm cho chồng, tư vấn xét nghiệm HIV cho chồng;

– Việc thông báo kết quả xét nghiệm cho các đối tượng khác ngoài bản thân người phụ nữ phải tuân theo các quy định hiện hành;

2. Đánh giá và xử trí tình trạng thai nghén

a) Xác định tuổi thai và đánh giá tình trạng thai nghén theo quy định;

b) Trường hợp người phụ nữ HIV (+) mong muốn phá thai thì cung cấp dịch vụ phá thai phù hợp với tuổi thai theo các quy định hiện hành;

c) Trường hợp người phụ nữ lựa chọn sinh con thì tiến hành các bước quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9 của Quy trình này.

 d) Giới thiệu đến các dịch vụ chuyên ngành liên quan (lao, da liễu v.v…) để phối hợp hội chẩn, chăm sóc và điều trị nếu có chỉ định. 

Chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Điều 6. Can thiệp bằng thuốc kháng HIV

1. Phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng HIV được phát hiện có thai:

a) Hội chẩn giữa cơ sở sản khoa với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để điều chỉnh (thay đổi hoặc tạm ngừng) phác đồ nếu cần, tư vấn sử dụng thuốc trong ba tháng  đầu của thời kỳ mang thai;

b) Theo dõi điều trị bằng thuốc kháng HIV tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

c) Quản lý thai tại cơ sở sản khoa

 2. Phụ nữ được phát hiện nhiễm HIV khi mang thai:

 a) Giới thiệu đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để đánh giá và theo dõi về lâm sàng, xét nghiệm, tiêu chuẩn điều trị thuốc kháng HIV; giới thiệu đến các nhóm và các cơ sở hỗ trợ xã hội;

b) Nếu phụ nữ mang thai đủ tiêu chuẩn điều trị thuốc kháng HIV thì thực hiện quy trình điều trị thuốc kháng HIV tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đồng thời tiếp tục theo dõi, quản lý thai tại cơ sở sản khoa;

c) Nếu phụ nữ mang thai chưa đủ tiêu chuẩn hoặc chưa thể tiến hành điều trị thuốc kháng HIV thì điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng phác đồ phù hợp với tuổi thai tại thời điểm phát hiện nhiễm HIV theo ‘‘Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS’’. Hàng tuần, tiến hành cấp phát thuốc cùng với tư vấn và đánh giá tuân thủ điều trị cho đến khi sinh con. 

Điều 7.  Chăm sóc trong khi chuyển dạ, sinh đẻ

1. Tiếp nhận, phân loại tình trạng nhiễm HIV và sử dụng thuốc kháng HIV:

a) Phụ nữ đang điều trị bằng thuốc kháng HIV: Tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng HIV trong khi chuyển dạ, sinh đẻ và sau sinh theo chỉ định của bác sĩ điều trị HIV/AIDS trước đó;

b) Phụ nữ đang điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi mang thai: Tiếp tục phác đồ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV trong thời gian chuyển dạ theo quy định hiện hành;

c) Phụ nữ chưa được xét nghiệm HIV:

– Tư vấn ngắn gọn trước xét nghiệm;

– Xét nghiệm sàng lọc HIV, nếu kết quả sàng lọc dương tính thì tư vấn sử dụng phác đồ nevirapine liều duy nhất, đồng thời tư vấn giải thích ý nghĩa của kết quả sàng lọc;

– Xét nghiệm khẳng định sớm. Tư vấn sau xét nghiệm cho tất cả phụ nữ khi trả kết quả xét nghiệm khẳng định, kể cả HIV âm tính, dương tính theo các quy định hiện hành. Giới thiệu người phụ nữ sau sinh đến cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để đánh giá giai đoạn lâm sàng nếu kết quả khẳng định dương tính.

 2. Các can thiệp sản khoa:

 a) Các can thiệp sản khoa đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung như đối với phụ nữ mang thai không nhiễm HIV để đảm bảo một cuộc chuyển dạ và sinh con an toàn;

b) Nhân viên y tế cần tuân thủ các nguyên tắc dự phòng phổ cập, chống nhiễm khuẩn;

c) Hạn chế tối đa các thủ thuật có thể gây tổn thương đường sinh sản người mẹ hoặc tổn thương cho con như cắt tầng sinh môn, giác hút, phooc xép; đặt điện cực vào đầu thai nhi; hạn chế việc bấm ối sớm và hạn chế thăm khám âm đạo.

Điều 8. Các can thiệp ngay sau sinh

 1. Chăm sóc trẻ:

 a) Hút sạch dịch đường mũi, hầu họng ngay sau sinh bằng các loại ống thông mềm, thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương;

 b) lau khô chất dịch của mẹ trên người trẻ bằng khăn mềm, tránh xây xước;

 c) Cho trẻ uống thuốc kháng HIV theo phác đồ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ngừng thuốc nếu mẹ có kết quả khẳng định âm tính.

 2. Tư vấn cho mẹ:

a) Tư vấn hỗ trợ tâm lý;

b) Tư vấn về dinh dưỡng và chăm sóc cá nhân;

c) Tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục;

 d) Tư vấn hỗ trợ sự lựa chọn của người mẹ về cách nuôi dưỡng an toàn và chăm sóc trẻ:

– Lợi ích về dinh dưỡng và miễn dịch cũng như nguy cơ lây truyền HIV của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nguy cơ và lợi ích của việc dùng thức ăn thay thế;

– Nếu người mẹ quyết định nuôi con bằng thức ăn thay thế thì hướng dẫn nuôi con hoàn toàn bằng thức ăn thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh (hướng dẫn cách pha sữa, vệ sinh dụng cụ v.v…);

– Nếu người mẹ quyết định cho con bú thì hướng dẫn cách cho bú và vệ sinh bầu vú, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và ngừng càng sớm càng tốt, muộn nhất là khi trẻ được 6 tháng tuổi. Khi ngừng nuôi con bằng sữa mẹ cần chuyển ngay sang sử dụng thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ.

– Không nuôi con kết hợp sữa mẹ với bất cứ loại thức ăn thay thế hoặc bổ sung nào khác;

đ) Tư vấn, hướng dẫn cho trẻ tiếp tục uống thuốc kháng HIV sau khi xuất viện;

e) Tư vấn về sự cần thiết của tiêm chủng, điều trị dự phòng, nhu cầu theo dõi tăng trưởng của trẻ và xét nghiệm HIV cho trẻ.

 Điều 9.  Chuyển tuyến, chuyển tiếp sau sinh

 1. Phụ nữ nhiễm HIV:

a) Giới thiệu đến cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để:

– Theo dõi quản lý sức khỏe lâu dài nếu chưa điều trị thuốc kháng HIV;

– Theo dõi và tiếp tục điều trị nếu đang điều trị thuốc kháng HIV;

b) Giới thiệu và cung cấp địa chỉ các cơ sở hỗ trợ tâm lý, kinh tế dành cho người nhiễm HIV, các nhóm hỗ trợ xã hội khác.

c) Giới thiệu đến các dịch vụ chuyên ngành liên quan để phối hợp điều trị và chăm sóc tiếp tục nếu có chỉ định.

d) Giới thiệu đến các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nguồn cung cấp biện pháp tránh thai, bao cao su v.v…

 2. Trẻ phơi nhiễm:

Giới thiệu trẻ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nhi khoa để:

a) Điều trị dự phòng cotrimoxazole cho trẻ từ 6 tuần tuổi;

b) Tiếp tục hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ an toàn, chăm sóc trẻ, đồng thời định kỳ theo dõi tăng trưởng;

c) Xác định sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ:

– Tổ chức tiến hành xét nghiệm phát hiện kháng nguyên sớm nếu có điều kiện;

– Xét nghiệm phát hiện kháng thể khi trẻ được 18 tháng tuổi;

d) Tiêm chủng, theo dõi đánh giá tình trạng lâm sàng và miễn dịch cho trẻ, điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị thuốc kháng HIV khi có chỉ định;

đ) Giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Chú ý: chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền mẹ- con là vấn đề vô cùng quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV. hãy gọi đến tổng đài 19006237 để được tư vấn cụ thể.

 

 

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT