Trang chủUncategorizedTìm hiểu về bệnh kén khí ở phổi.

Tìm hiểu về bệnh kén khí ở phổi.

Có rất nhiều trường hợp sau khi tiến hành kiểm tra sức khỏe và được chẩn đoán là “Kén khí ở phổi”,thường rất băn khoăn và lo lắng,không biết bệnh này có nguy hiểm gì tới tính mạng hay không? Bài viết ngày hôm nay sẽ cùng người bệnh tìm hiểu về bệnh lí này,để  có thể cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất, giải đáp hết những suy nghĩ và lo lắng.

Bệnh kén khí ở phổi là bệnh gì?Nguyên nhân gây bệnh ra sao?

Kén khí ở phổi là sự hiện diện bên trong phổi có một hoặc nhiều vùng không có nhu mô phổi, chỉ có những vỏ xơ mỏng bao quanh không khí tồn tại.

 Kén có thể một hoặc nhiều kén,nằm cả ở một bên hoặc cả hai bên phổi. Vị trí thường rất đa dạng, có thể trong nhu mô phổi, cạnh cột sống, gần tim, gần cơ hoành. Kích thước kén khí có đường kính từ vài cm tới 10 cm.

Đây là một bệnh lí bẩm sinh: Vào khoảng từ ngày thứ 26 đến tuần thứ 16 của thai kỳ,sự phát triển và hoàn thiện của cây khí phế quản có bất thường,nụ khí quản hoặc phế quản tách ra một nang riêng rẽ, hình thành túi kén.

Tuy nhiên,cần phân biệt bệnh kén phổi thứ phát sau giãn phế quản lao phổi hoặc áp xe phổi…

Triệu chứng của bệnh là gì?

Bệnh kén khí ở phổi có thể tồn tại nhiều năm mà không hề gây nên triệu chứng gì cho người bệnh, do đó người bệnh thường phát hiện chủ yếu thông qua việc chụp chiếu ở phổi. Hình ảnh kén khí trên phim X quang là một vùng sáng tròn, đều đặn được bao quanh bởi một đường viền cản quang mỏng, kích thước thay đổi từ 2-3 cm đến hàng chục cm. Kén khí lớn có thể nhầm với hình ảnh của tràn khí khu trú. Những kén nhỏ hoặc trung bình có thể nhầm với giãn phế quản dạng kén và những hang tồn tại sau lao phổi hoặc áp xe phổi. Những trường hợp này rất cần chụp phế quản hoặc cắt lớp để xác định.

Khi kích thước của kén to, có thể chèn ép vào các cơ quan lân cận: Đè vào khí quản, phế quản gây khó thở, đôi khi gây xẹp phổi. Thùy phổi xẹp dễ nhiễm khuẩn. Kén khí đè vào thực quản gây triệu chứng khó nuốt.

Trường hợp kén bị nhiễm khuẩn, người bệnh có thể xuất hiện sốt cao,nổi hạch,ho ra máu,khạc đờm lẫn mủ,có mùi hôi…,có thể vỡ kén gây tràn khí,hoặc tràn khí kết hợp tràn dịch màng phổi..

Điều trị bệnh như thế nào?

Bệnh kén khí ở phổi nếu như không có viêm nhiễm,kích thước kén nhỏ, không có sự chèn ép vào các tổ chức cơ quan xung quanh thì không cần phải điều trị,chỉ cần tiến hành theo dõi,kiểm tra thường xuyên,phát hiện bất thường.

Nếu có nhiễm khuẩn,cần sử dụng kháng sinh,chọc hút,bơm rửa đến khi dịch ở áp-xe trong và hết nhiễm khuẩn. Thường một thời gian sau, kén khí lại bị nhiễm khuẩn tái phát,nên cần kiểm tra định kì.

Phẫu thuật cắt bỏ kén nếu kén lớn hoặc có ho ra máu, tràn khí tái phát nhiều lần.Nếu kén nhiễm khuẩn,cần điều trị trước và phẫu thuật sau. Phẫu thuật được coi là phương pháp điều trị triệt để bệnh nhất,áp dụng cả cho kén khí có sự chèn ép xung quanh.

Bệnh lí này không quá nguy hiểm cho người bệnh,tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, cần thăm khám bác sĩ nếu thấy những dấu hiệu bất thường.  

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT