Cây côi xay là vị thuốc nam quen thuộc với người dân Việt Nam, với khả năng phát triển mạnh và dễ sống nên là cây thuốc khá phổ biến
Cây cối xay còn được nhân dân ta gọi với một số tên khác như là cây dằng xay, kim hoa thảo, quýnh ma, ma bản thảo, ma mãnh thảo hay nhĩ hương thảo, co tó tép (Thái), phao tôn (Tày)…Tên khoa học của cây cối xay là Abutilon indicum (L.) Sweet, thuộc họ bông (Malvaceae).
Cây cối xay là một loại cây nhỏ, sống dai, thường mọc thành bụi, cao từ 1 – 1,5m, thân cây có lông mềm hình sao. Lá cây cối xay có hình tim, cuống dài, mép khía răng, mọc so le nhau.
Hoa cối xay có màu vàng, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá, cuống gấp khúc, quả của cây trông giống như cái cối xay, có lông nên có tên gọi như vậy. Hạt quả cối xay có hình thận, nhẵn, màu đen nhạt.
Bộ phận được dùng làm thuốc là toàn cây cối xay, thường được thu hái vào mùa hè thu, sau đó đem phơi hay sấy khô, có thể tán thành bột để dùng dần.
Cây cối xay có chứa các flavonoid (gossypetin, gossypin, cyanidin – 3 – rutinoside), hợp chất phenol, acid hữu cơ, acid amin, đường. Lá cây cối xay chứa nhiều chất nhầy và asparagine.
Hạt của cây cối xay chứa raffinose 1,6% và dầu nửa khô 4,21% trong đó chủ yếu là glycerid của các acid linoleic, palmitic, oleic, stearic. Rễ cây cối xay có chứa dầu béo, β- sitosterol, β-amyrin và một alcaloid chưa xác định.
Theo đông y, cối xay có vị ngọt, tính mát có tác dụng chính như sau
- Tác dụng điều trị ù tai, tai điếc : Cây cối xay đúng theo tên gọi, có khả năng cải thiện thính lực trong các trường hợp ù tai âm trầm. Đối với các trường hợp ù tai âm cao cũng có thể dùng được nhưng hiệu quả không cao bằng ù tai âm trầm.
- Tác dụng điều trị phù thũng
- Tác dụng điều trị chứng Tiểu ra màu máu do thấp nhiệt
- Điều trị chứng tiểu buốt, tiểu rắt
- Tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa xương khớp: 5g lá cối xay khô + 5g rễ cây xấu hổ + 3g rễ cỏ xước + 3g rễ gấc + 3g lá lốt, sắc nước uống thay trà hàng ngày. Dùng trong 1 tháng các triệu chứng đau nhức do viêm xương khớp gây ra sẽ được cải thiện.
- Tác dụng điều trị bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: 200g cây cối xay khô, cho 4 bát nước (loại bát con ăn cơm) sắc đặc lấy 1 bát. Uống hết phần nước sau ăn, ngày uống 1 lần. Phần bã đun lên với nước để ngâm hậu môn. Lúc nước ngâm còn nóng thì xông hậu môn, lúc ấm thì ngâm độ 10 phút rồi rửa hậu môn. Việc xông và ngâm hậu môn nên thực hiện 3-4lần/ngày.
- Tác dụng mát gan, thanh nhiệt, giải độc
- Tác dụng điều trị mụn nhọt, vàng da
- Chữa sỏi thận : Cây cối xay chữa sỏi thận nhờ vào tác dụng lợi tiểu làm tăng số lượng nước tiểu. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng cho sỏi thận kích thước nhỏ, chưa có gây ra các biến chứng như tiểu máu, nhiễm trùng đường tiểu, viêm thận…
Không những vậy lá cây cối xay còn dùng ngoài da giã đắp mụn nhọt hay không may bị va đập hay chấn thương để lại những vết thương bị bầm tím dùng lá đắp cũng giảm đau rõ
Với những vết thương hở không lưu ý vệ sinh và không tự ý đắp lá. Mặc dù cây cối xay có nhiều lợi ích với sức khỏe tuy nhiên trước khi sử dụng cây cối xay để chữa bệnh bạn vẫn nên tham vấn ý kiến của các bác sỹ y học cổ truyền. Không nên tự ý sử dụng tại nhà. Mỗi bệnh sẽ có nhiều thể bệnh, thêm vào đó bạn có thể mắc nhiều bệnh cùng lúc. Do đó cần sự hướng dẫn từ các chuyên gia để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn do dược liệu gây ra