Lao là bệnh di vi khuẩn. Vi khuẩn lao do Robert Koch phát hiện (1882), vì vậy còn được gọi là Bacilie de Koch (viết tắt là BK). Vi khuẩn lao có khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài, ở điều kiện tự nhiên, vi khuẩn có thể tồn tại 3 – 4 tháng. Vi khuẩn lao là loại vi khuẩn hiếu khí, sinh sản chậm, trong điều kiện bình thường, trung bình 20 – 24 giờ/1lần, nhưng có khi hàng tháng, thậm chí tồn tại ở tổn thương rất lâu, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng có thể tái triển lại. Vi khuẩn lao có khả năng kháng thuốc.
1. Phân biệt các loại lao
- Lao phổi (thể bệnh gặp nhiều nhất trong bệnh học lao, chiếm khoảng 80% tổng số bệnh lao)
- Lao ngoài phổi (lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao hạch ngoại biên, lao xương khớp, lao sinh dục tiết niệu…)
2. Bệnh lao là bệnh lây
Tất cả các bệnh nhân lao đều có thể là nguồn lây, nhưng mức độ lây rất khác nhau. Đối với các thể lao ngoài phổi (lao màng não, màng bụng, hạch, xương khớp…) được gọi là các thể lao “kín”, nghĩa là vi khuẩn ít khả năng nhiễm vào môi trường bên ngoài. Lao phổi là thể bệnh dễ đưa vi khuẩn ra môi trường bên ngoài (lượng không khí lưu thông trong một chu kỳ hô hấp trung bình là 500ml), vì vậy lao phổi là nguồn lây quan trọng nhất. Bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn trong đờm phát hiện được bằng phương pháp soi trực tiếp là nguồn lây nguy hiểm nhất (còn gọi là nguồn lây chính). Bệnh lao ở trẻ em không phải là nguồn lây quan trọng vì có tới 95% bệnh lao ở trẻ em không tìm thấy vi khuẩn trong các bệnh phẩm.
3. Xét nghiệm chẩn đoán lao
3.1. Lao phổi
- Khi soi kính trực tiếp có vi khuẩn ở trong đờm (thể điển hình)
- Chẩn đoán xác định trong các tình huống cụ thể sau đây:
- Có tối thiểu 2 tiêu bản AFB (+) từ 2 mẫu đờm khác nhau.
- Một tiêu bản đờm AFB (+) và có hình ảnh tổn thương nghi lao trên X quang phổi.
- Một tiêu bản đờm AFB (+) và nuôi cấy có vi khuẩn lao.
- Khi soi kính trực tiếp không có vi khuẩn ở trong đờm
Khi có điều kiện cần làm thêm nuôi cấy (môi trường Loeweinstein – Jensen) hoặc các kỹ thuật chẩn đoán khi có ít vi khuẩn lao trong bệnh phẩm (PCR, ELISA, BACTEC…).
Dựa vào lâm sàng, đặc điểm của tổn thương trên X quang phổi, các xét nghiệm và không đáp ứng với điều trị kháng sinh, đáp ứng với điều trị thuốc lao để chẩn đoán cho từng trường hợp.
3.2. Lao ngoài phổi
Tràn dịch màng phổi màng bụng do lao
Trong đa số các trường hợp cần chú ý các đặc điểm về lâm sàng: bệnh nhân có tràn dịch màng phổi, màng bụng kèm thêm biểu hiện có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc mạn tính. Đặc biệt là xuất hiện ở những người đang có sẵn các điều kiện huận lợi: đang mắc lao tiên phát ở các bộ phận khác, có tiếp xúc với nguồn lây lao… Xét nghiệm dịch màng phổi với những tính chất hay gặp: màu vàng chanh, dịch tiết Albumin tăng cao, Rivalta (+), có nhiều tế bào lympho, phản ứng Mantoux dương tính mạnh… Thường là các yếu tố cùng với lâm sàng quyết định chẩn đoán. Các yếu tố có giá trị khẳng định chẩn đoán cao: tìm kháng thể kháng lao bằng kỹ thuật ELISA, tìm vi khuẩn lao bằng kỹ thuật PCR trong dịch màng phổi, soi màng phổi và sinh thiết màng phổi, chụp cắt lớp vi tính… thực tế được áp dụng và thường được ưu tiên chỉ định cho các trường hợp khó.
Lao sinh dục tiết niệu
- Yếu tố quyết định chẩn đoán là tìm thấy AFB trong nước tiểu. Cần phải xét nghiệm tìm AFB trực tiếp và nuôi cấy nhiều lần vì AFB trong nước tiểu ít và chỉ bài tiết từng đợt. ở những bệnh nhân đái đục, đái mủ chưa tìm thấy BK hoặc chỉ tìm thấy tạp khuẩn, chưa cho phép loại trừ lao.
- X quang là yếu tố quan trọng đặc biệt là chụp UIV hệ tiết niệu cho thấy tổn thương hẹp, giãn hoặc nham nhở vùng đài thận, bể thận. Những hình ảnh này có giá trị chẩn đoán xác định khi chưa tìm thấy AFB.
- Soi bàng quang: Cũng có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán nhưng tổn thương thường xuất hiện ở giai đoạn muộn.
- Để chẩn đoán lao sinh dục: cần phối hợp tìm tổn thương lao đặc hiệu qua sinh thiết mào tinh hoàn; hay niêm mạc tử cung để tìm tổn thương lao đặc hiệu. Có thể chụp tử cung, vòi trứng để chẩn đoán lao sinh dục nữ.
Lao hạch ngoại biên
Yếu tố chẩn đoán quyết định là tìm thấy vi khuẩn lao trong bệnh phẩm chọc hút hạch hoặc mảnh sinh thiết hạch. Hoặc các tổn thương đặc hiệu trong chẩn đoán tế bào học hoặc mô bệnh học.
Trường hợp không có điều kiện chẩn đoán tế bào học hoặc mô bệnh học, thì cần kết hợp các yếu tố khác như: phản ứng Mantoux, X quang phổi, cùng các yếu tố thuận lợi như: có tiếp xúc với nguồn lây, trẻ chưa được tiêm phòng lao bằng vaccin BCG, đang bị lao ở một bộ phận khác trong cơ thể.
Bệnh lao là một trong những căn bệnh nguy hiểm, dễ dàng lây lan. Vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh bạn nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, phát hiện bệnh kịp thời.
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.