Viêm não Nhật Bản B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus, bệnh thường gây tổn thương ở não và để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Do đó, việc phòng ngừa viêm não Nhật Bản B là vô cùng cần thiết. Vậy cách phòng tránh viêm não Nhật Bản B là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
- Những đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản B?
Bệnh viêm não Nhật Bản B là bệnh do một loại vi rút thuộc họ Togaviridae ở trong nhóm B của các Flavivirus gây ra.
Virus viêm não Nhật Bản B xâm nhập vào cơ thể con người qua vết đốt của muỗi truyền bệnh. Nguồn chứa mầm bệnh trong tự nhiên chủ yếu là các loài chim lội nước và hầu hết gia súc như trâu, bò, dê, cừu, chó, lợn đều có thể là ổ chứa mầm bệnh, trong đó lợn là vật chủ quan trọng nhất có khả năng làm lan rộng virus và dễ truyền bệnh cho người nhất.
Bệnh Viêm não Nhật Bản B có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Nhưng trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh và có những biến chứng nguy hiểm nhất.
2. Cách phòng tránh viêm não Nhật Bản B là gì?
Cách phòng tránh viêm não Nhật Bản B bao gồm:
-Biện pháp tối ưu nhất để phòng tránh viêm não Nhật Bản B chính là tiêm vắc xin cho trẻ.
Hiện nay có 2 loại vắc xin phòng bệnh là JEVAX (Việt Nam) và IMOJEV (Pháp).Trong đó:
+Vắc xin JEVAX là vắc xin bất hoạt chứa virus đã bất hoạt tinh khiết, chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên như sau:
- Mũi 1: tiêm mũi cho trẻ > 12 tháng tuổi
- Mũi 2: tiêm cách mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
- Mũi 3: tiêm cách mũi 2 là 1 năm
Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần đến khi trẻ trên 15 tuổi.
Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin viêm não Nhật Bản B tăng dần sau mỗi mũi tiêm: sau mũi 1 chưa có hiệu quả phòng bệnh, sau mũi 2 hiệu quả đến 80%, sau tiêm đủ 3 mũi hiệu quả đạt 90% -95%. Vì vậy nên cho trẻ tiêm đủ 3 mũi sau đó nhắc lại miễn dịch theo lịch.
+Vắc xin IMOJEV ( của Pháp) là loại vắc xin sống giảm động lực loại mới, chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 đến 18 tuổi.
- Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên.
- Mũi 2 : Sau khi tiêm mũi 1 là 1 năm.
- Người tròn 18 tuổi trở lên: tiêm 1 mũi duy nhất.
+Trường hợp trẻ đã tiêm vắc xin Jevax trước đó, muốn chuyển đổi sang tiêm Imojev:
- Nếu đã tiêm 1 mũi Jevax: tiêm 2 mũi Imojev, trong đó mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax đã tiêm tối thiểu 2 tuần.
- Nếu đã tiêm 2 mũi Jevax: tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 1 năm.
- Nếu đã tiêm 3 mũi Jevax: tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 3 năm.
-Cùng với tiêm vắc xin thì diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt cũng chính là một biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa viêm não Nhật Bản B hiệu quả, bởi vì muỗi Culex chính là trung gian truyền bệnh.
+ Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ ,mảnh sành… để hạn chế muỗi có chỗ sinh sản và phát triển.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy.
- Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà.
+ Phòng chống muỗi đốt bằng cách:
- Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn kể cả ban ngày và ban đêm.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.