Sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp nhất là các tỉnh phía Nam và miền Trung nước ta. Tại các quốc gia lân cận, dịch bệnh SHX cũng có những diễn biến tương tự. Trong các biện pháp phòng SXH thì vệ sinh môi trường đóng vai trò rất quan trọng.
1. Yếu tố thuận lợi làm gia tăng bệnh sốt xuất huyết Dengue
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra cho nên được gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Tác nhân gây bệnh SXHD là virus nhưng sự lây lan bệnh từ người bệnh sang người lành lại do muỗi Aedes. Trong các loại muỗi Aedes thì có 2 loại truyền bệnh SXHD, đó là Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes abopictus. Hai loài muỗi làm lây truyền bệnh SXHD có liên quan mật thiết với môi trường sinh sống của con người. Do điều kiện sống cho nên một số người dân (nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long) thường dùng các loại chum, vại, lu, thùng phuy để đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt, do không thau rửa thường xuyên hoặc không có biện pháp che chắn muỗi vào đẻ trứng cho nên số lượng muỗi gia tăng. Sự thay đổi bất thường của khí hậu, thời tiết, hiện tượng El Ni-nô, La Ni-na, mưa nhiều, nóng, ẩm làm tác động gia tăng các quần thể muỗi (vectơ truyền bệnh) là một trong các nguyên nhân chính làm gia tăng bệnh SXHD. Vì vậy, chừng nào mọi người dân nhận thức được đầy đủ vai trò gây bệnh, tác hại của muỗi, ảnh hưởng của môi trường sống cũng như hiểu biết được các biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất, đồng thời mọi người dân tự giác, tích cực tham gia vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi để phòng chống bệnh SXHD thì hiệu quả mới đạt đến mức cao nhất (giảm tỷ lệ mắc bệnh và không có người tử vong vì SXHD).
2. Vệ sinh môi trường tốt giúp ngăn chặn bệnh SXH
Môi trường có mối liên quan mật thiết với sự phát triển của lăng quăng và muỗi mà vùng nào, địa phương nào có mặt chúng càng nhiều thì nguy cơ bệnh SXH càng gia tăng. Để làm tốt vệ sinh môi trường thì toàn dân, toàn quân, mọi ngành, mọi cấp ở trong vùng tại các thôn, bản, xóm, cụm dân cư, phường, xã, quận, huyện phải cùng lúc tham gia thật tích cực vệ sinh môi trường mà trong đó chú trọng ngăn ngừa lăng quăng và muỗi phát triển. Đối với ngành y tế tỉnh thành, quận huyện, xã phường cần phải tham mưu thật tốt, thật cụ thể cho chính quyền địa phương để làm sao đưa được vào trong chương trình hành động hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng của cấp lãnh đạo. Theo đó ngành y tế địa phương cần tham mưu cho chính quyền về các biện pháp cụ thể trong từng giai đoạn của vệ sinh môi trường thì mới có hiệu quả cao. Cần có buổi phát động toàn dân tham gia vệ sinh môi trường thật rầm rộ, hoành tráng bao gồm các ngành, các cấp, các đoàn thể, học sinh các trường cơ sở, cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn, đặc biệt cần có người lãnh đạo địa phương đứng ra chủ trì. Công việc này hết sức quan trọng vì việc phòng chống bệnh dịch là công việc của toàn dân và mọi người dân trong cùng địa bàn tham gia không thể chỉ có riêng ngành y tế. Vừa qua, tại Hội nghị tăng cường công tác chống bệnh SXH khu vực phía Nam diễn ra tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh việc tăng cường công tác lãnh đạo điều hành của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị địa phương trong hoạt động phòng chống dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh thường quy theo hướng dẫn của y tế và tăng cường các biện pháp chế tài trong việc xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường bởi vì vệ sinh môi trường không chỉ để phòng bệnh SXH mà còn phòng nhiều bệnh khác đang luôn đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành y tế địa phương cũng phải có kế hoạch, chương trình tuyên truyền cho mọi người dân biết về tác hại của bệnh SXH, vai trò truyền bệnh của muỗi cũng như điều kiện sinh tồn và trưởng thành của lăng quăng. Một trong những biện pháp tạo hiệu quả cao trong công tác này chính là đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm giúp bà con, nhất là người dân các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận với các thông tin, kiến thức về phòng chống dịch SXH. Trên cơ sở đó, cần tuyên truyền vệ sinh môi trường cùng với vệ sinh hoàn cảnh của từng gia đình để làm cho điều kiện sinh sống của lăng quăng và muỗi không còn cơ hội để phát triển, đặc biệt là trong công việc ủng hộ cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi tận nơi, tận gốc. Bởi vì việc phun thuốc diệt muỗi muốn đạt hiệu quả cao thì phải phun khắp trên cùng một địa bàn, tận các ngóc ngách của các nhà, lối đi, ngõ xóm để không còn một nơi nào không có thuốc thì muỗi hết chỗ trú ẩn. Việc diệt lăng quăng cũng không kém phần quan trọng với việc phải tuyên truyền cho dân cách phát hiện và hướng dẫn cho dân các biện pháp tiêu diệt chúng mới có hiệu quả, đây là công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến từng gia đình.
Chú ý: Khi bạn có thắc mắc về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng bệnh sốt xuất huyết hãy gọi cho chúng tôi theo số máy 19006237 để được tư vấn chi tiết.