Gan nhiễm mỡ (GNM) là khi lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm quá 5% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ thường kết hợp với các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… Gan nhiễm mỡ có thể thấy ở bất kỳ những ai có lối sống thiếu vận động và ăn uống bất hợp lý, quá thừa năng lượng. GNM ở hầu hết các trường hợp chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan. Tuy nhiên, 20% GNM có thể diễn tiến đến xơ gan.
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng GNM như suy dinh dưỡng, điều trị giảm cân, sử dụng một số loại thuốc amiodarone, methotrexate, diltiazem, tetracycline, thuốc kháng virut, glucocorticoids, tamoxifen…; Các bệnh đường ruột, nhiễm HIV, viêm gan C. GNM được coi là một căn bệnh xảy ra trên toàn thế giới và gặp ở đa số những người uống quá nhiều rượu và những người béo phì.
Dấu hiệu nhận biết
Hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ bởi vì các xét nghiệm chức năng gan bất thường hoặc gan to hoặc siêu âm gan khi khám sức khỏe định kỳ.
Qua kết quả sinh thiết gan cho thấy có 3 loại GNM:
Gan thoái hóa mỡ đơn thuần: gan bị thâm nhiễm bởi chất mỡ, không kèm theo tình trạng viêm gan.
Viêm gan thoái hóa mỡ do rượu: ngoài tình trạng gan bị thâm nhiễm bởi chất mỡ, kèm theo tình trạng viêm gan, mô gan có thể bị sẹo hoặc bị xơ và tiền sử uống rượu nhiều.
Viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu: kết quả sinh thiết giống loại trên, nhưng không có tiền sử uống rượu (hoặc uống rượu không đáng kể).
Việc điều trị GNM phụ thuộc vào nguyên nhân của nó và nói chung, điều trị GNM sẽ phục hồi nếu được thực hiện ở giai đoạn sớm.
Chế độ ăn cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ
Ngoài việc dùng một số thuốc bảo vệ gan thì chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh sẽ đóng một vai trò quan trọng đặc biệt giúp phòng ngừa và điều trị GNM.
Trong dinh dưỡng điều trị, việc đầu tiên người bệnh cần phải thực hiện là:
Kiểm soát lượng carbohydrate (đường bột) ăn vào hàng ngày: nên tránh các loại thực phẩm, đồ uống chứa đường tinh chế, các loại bột ngũ cốc tinh chế. Sự lựa chọn tốt hơn là các loại ngũ cốc giàu chất xơ, các loại đậu, rau quả các loại.
Kiểm soát lượng chất béo ăn vào hàng ngày: loại bỏ hoàn toàn chất béo bão hòa (các loại mỡ động vật, trừ mỡ cá biển), sử dụng chất béo không bão hòa là các loại dầu thực vật như dầu ôliu, đậu lạc, dầu hướng dương…
Sử dụng các chất chống ôxy hóa để đóng góp cho sức khỏe của tế bào gan: đó là các loại trái cây và rau củ với nhiều màu sắc phong phú.
Mỗi một người trưởng thành bị GNM kèm theo thừa cân béo phì thì mức tiêu thụ năng lượng trong một ngày chỉ nên từ 1.300 – 1.400 Kcal.
Cụ thể: lượng thịt, cá hàng ngày khoảng 150 – 200gr; lượng tinh bột: 300gr; dầu thực vật: 20 – 30gr.
Kiêng rượu, bia, thuốc lá.
Ngoài ra, nên kết hợp với tập thể dục đều đặn vừa sức tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Tập ít nhất 5 ngày trong tuần.
Làm sao để phòng ngừa Gan nhiễm mỡ?
Để tránh bị GNM, trước tiên, chúng ta cần có chế độ ăn hợp lý: ăn đa dạng, ăn chừng mực, ăn thực phẩm gần với thiên nhiên nhất; Vận động thể lực đều đặn, sống năng động nhằm duy trì cân nặng lý tưởng (nên biết chỉ số BMI của bản thân và BMI lý tưởng phù hợp để tự theo dõi tình trạng dư cân của bản thân); Hạn chế tối đa rượu bia; Cần tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh những thuốc gây độc cho gan; Kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu định kỳ mỗi 6 tháng (hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi cá nhân).
Tóm lại: bệnh nhân GNM nên trao đổi với bác sĩ dinh dưỡng trước khi bắt đầu bất kỳ loại chế độ ăn uống mới hoặc chương trình tập luyện. Chú ý năng lượng cá nhân và chế độ ăn uống phụ thuộc vào tuổi tác, chiều cao, cân nặng hiện tại, mức độ hoạt động, giai đoạn của bệnh GNM và sự hiện diện của các điều kiện sức khỏe khác như mắc các bệnh khác như: tiểu đường, cholesterol cao…
S&T
Lưu ý: Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh gan nhiễm mỡ, hãy gọi cho chúng tôi theo số điện thoại 19006237 để nhận được sự tư vấn cụ thể.