Trang chủTư vấn sức khỏeNhững câu hỏi thường gặp về bệnh viêm gan B

Những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm gan B

Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B tại Việt Nam trong dân số khá cao (>15%). Tuy nhiên không phải ai bị nhiễm virus viêm gan B đều cần phải được điều trị mà cần phải phân biệt họ có phải là người lành mang virus hay là người đang bị viên gan virus B mạn tính.Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm gan B.

Hình ảnh viêm gan dẫn đến xơ gan
Hình ảnh viêm gan dẫn đến xơ gan

Tôi đi thử máu có kết quả dương tính HBsAg, vậy là có bị gì không?

HBsAg là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Một người thử máu thấy HBsAg dương tính tức là người đó đang bị nhiễm virus viêm gan B

Như vậy là có bị nguy hiểm không? có cần phải điều trị hay không?

Đa số người bị nhiễm virút viêm gan B thì sẽ có được đáp ứng miễn dịch bảo vệ, tức là sẽ tạo được kháng thể chống HBsAg (gọi là anti-HBsAg) và tiêu diệt được virus viêm gan B. Người đó khi thử máu sẽ dương tính anti-HBsAg. Tuy nhiên có một số người hệ miễn dịch lại không thể tạo ra được kháng thể bảo vệ này nên thử máu lúc nào cũng dương tính với HBsAg. Trong cơ thể của người đó có một sự đấu tranh qua lại giữa hệ miễn dịch và virus. Nếu hệ miễn dịch cân bằng được hay ưu thế hơn thì sẽ kiềm hãm không cho virus nhân bản được thành các virus hoàn chỉnh do vậy mà sẽ không có hay sẽ có rất ít virus hoàn chỉnh vào trong máu. Những trường hợp này được gọi là người lành mang virus, nếu thử máu sẽ thấy HBsAg dương tính nhưng dấu hiệu cho thấy có virus hoàn chỉnh là HBV-DNA, tức là acid nhân của virus, thường âm tính hay dương tính với số lượng (số copies) rất thấp (<105/ml). Nhưng nếu hệ miễn dịch không kiềm hãm được mà để virus thắng thế thì chúng sẽ nhân bản được nhiều trong tế bào gan tạo ra được nhiều virus hoàn chỉnh vào máu của bệnh nhân và lúc này thử máu sẽ thấy HBsAg dương tính đồng thời có virus hoàn chỉnh hiện diện trong máu với số lượng cao phát hiện thông qua xét nghiệm HBV-DNA cho kết quả dương tính và số lượng vượt trên 105 copies/ml. Trong trường hợp này cần phải xác định gan người bệnh có bị tổn hại không, tức là người đó có bị viêm gan mạn tính không? Nếu xác định là bị viêm gan mạn tính thì phải được điều trị đặc hiệu. Do vậy, nếu một người bị HBsAg dương tính, chúng ta cần phải cần phải thử máu xem HBV-DNA có bị dương tính không và số lượng bao nhiêu? Nếu HBV-DNA dương tính với số lượng quá 105/ml thì phải tiếp tục xem men gan (là thử nghiệm ALT hay SGPT) của họ có cao không? Nếu cao vượt ngưỡng 2 lần bình thường (ALT bình thường là 19 IU ở nữ và 33 IU ở nam) thì được coi là viêm gan mạn tính và phải điều trị. Nếu men gan bình thường thì cần phải chắc chắn là tế bào gan có bị thương tổn không thông qua xét nghiệm về hình thái tế bào gan như sinh thiết gan hay fibroscan. Nếu kết quả cho thấy có thương tổn thì họ cũng phải được xem là đang bị viêm gan mạn tính và phải cần điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân dù men gan bình thường.

Như vậy là nếu bị HBsAg dương tính thì cần phải làm xét nghiệm HBV-DNA. Vậy thì xét nghiệm HBV-DNA là gì? Làm sao thực hiện được?

Virus viêm gan B có phần lõi của nó là DNA tức là acid nhân chứa đựng các thông tin di truyền của virus. Virus viêm gan B một khi nhân bản hoàn chỉnh thì sẽ tạo được một virus hoàn chỉnh tức là bên trong phần vỏ của nó (đó là kháng nguyên vỏ hay kháng nguyên bề mặt HBsAg) có chứa được phần lõi HBV-DNA. Xét nghiệm HBV-DNA tức là xét nghiệm tìm xem trong máu của bệnh nhân có mang virus hoàn chỉnh hay không. Đây là xét nghiệm sinh học phân tử, thông thường được thực hiện bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật nhân bản DNA trong ống nghiệm qua các chu kỳ nhiệt độ. Trong xét nghiệm này, máu của bệnh nhân sau khi lấy sẽ được tách huyết thanh hay huyết tương và sau đó phòng thí nghiệm sẽ tách chiết DNA của virus trong các mẫu huyết tương và huyết thanh này để đưa vào một ống nghiệm rồi nhân bản các DNA này trong ống nghiệm thành hàng tỷ bản sao để phát hiện.  Nhờ nhân bản lên từ một bản gốc  thành hàng tỷ bản sao rồi mới phát hiện nên xét nghiệm này có độ nhạy cảm cực kỳ cao đủ sức để phát hiện DNA của virus có trong mẫu thử dù với số lượng rất thấp. Ngoài ra, ngày hôm nay với xét nghiệm PCR người ta còn có thể đếm được số lượng bản gốc DNA ban đầu có trong mẫu thử là bao nhiêu dựa vào kỹ thuật PCR định lượng, được gọi là qPCR hay real-time PCR. Về mặt nguyên tắc qPCR cũng giống như PCR nhưng có thêm một tính năng nữa là có thể đếm được có bao nhiêu bản gốc DNA trước khi được nhân bản nhờ một hệ thống quang học có khả năng phát hiện được phản ứng xãy ra trong ống nghiệm trong khi nhân bản xãy ra.

Tôi biết được là hiện nay có nhiều nơi làm xét nghiệm phát hiện và định lượng HBV-DNA nhưng kết quả có khi lại khác nhau dù thử trên cùng một bệnh nhân!! Do vậy làm thế nào để tin tưởng được một kết quả xét nghiệm HBV-DNA vì đây là một xét nghiệm mà chi phí bệnh nhân phải trả cũng không phải là ít?

Đúng là như vậy. Xét nghiệm HBV-DNA là xét nghiệm dựa trên kỹ thuật PCR là một kỹ thuật hoàn toàn mở nên người làm xét nghiệm có thể tự pha thuốc thử để làm xét nghiệm mà không phải bị lệ thuộc và các kit xét nghiệm mua từ các hãng nước ngoài rất đắt tiền. Tuy nhiên vì là hệ thống mở nên muốn kết quả xét nghiệm được chính xác thì người làm xét nghiệm phải thực hiện đủ các chứng để kiểm soát không cho các sơ sót xãy ra trong quá trình làm xét nghiệm và các chứng này phải hiển thị trên kết quả xét nghiệm. Với một xét nghiệm phát hiện HBV-DNA, kết quả phải hiển thị: (1) một chứng dương để chứng minh khâu khuếch đại trong quá trình xét nghiệm đủ nhạy cảm, (2) một chứng âm để chứng minh quá trình thao tác xét nghiệm không bị ngoại nhiễm gây ra kết quả dương tính giả, (3) một chứng nội tại trong chứng âm để chứng minh khâu tách chiết DNA từ mẫu thử đạt độ nhạy, (4) và đồng thời mẫu âm tính phải có chúng nội tại để chứng minh âm tính là thật sự âm tính chứ không phải là âm tính giả.  Đối với xét nghiệm định lượng HBV-DNA thì trong kết quả phải hiển thị được đường biểu diển chuẩn để chứng minh thao tác định lượng đạt chuẩn thông qua hệ số tương quan (R) của các mẫu chuẩn phải đạt trên 0.990 và hiệu quả phản ứng (E) phải đạt 90-105%  và đồng thời chứng minh kết quả định lượng là được tính toán từ kết quả của các mẫu chuẩn được chạy song hành cùng với mẫu thử chứ không phải là được tính toán từ một công thức có sẵn. Ngoài ra, nếu muốn kết luận một kết quả âm tính thì trong kết quả định lượng phải hiển thị được mẫu đó dương tính được với chứng nội tại để đảm bảo âm tính này là âm tính thật sự chứ không phải âm tính giả vì phản ứng khuếch đại bị ức chế.

Nếu tôi bị xác định là viêm gan virus B mạn tính thì có nhất thiết phải điều trị không? Nếu không điều trị thì có bị sao không?

Một người đã bị xác định là bị viêm gan virus B mạn tính nếu không được điều trị đặc hiệu thì virus sẽ không bị khống chế mà sẽ liên tục nhân bản trong tế bào gan và sẽ tàn phá tế bào gan với hậu quả sẽ dẫn đến xơ gan và từ thương tổn xơ gan, bệnh nhân có thể bị đi dần đến tình trạng xơ gan mất bù rồi chết, hay từ xơ gan có thể bị dẫn đến ung thư gan. Cũng có trường hợp bệnh nhân bị ung thư gan mà không cần thiết phải bị qua giai đoạn xơ gan, đây chính là những trường hợp bệnh nhân tình cờ qua khám sức khoẻ thấy bị khối u trong gan (qua siêu âm chẩn đoán) rồi sau đó bị xác định là ung thư gan, xét nghiệm máu cho thấy HBV-DNA dương tính với số copies cao (>105). Chính vì vậy mà nếu đã bị chẩn đoán là bị viêm gan B mạn tính (tiêu chuẩn chẩn đoán là HBV-DNA trên 105 copies/ml, ALT cao gấp 2 lần bình thường hay xét nghiệm sinh thiết hoặc fibroscan thấy tổ chức gan bị tổn thương) thì nhất thiết phải được điều trị đặc hiệu để kiềm chế không cho virus nhân bản để gây tổn thương gan. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu không được điều trị để khống chế số lượng virus hoàn chỉnh trong máu bệnh nhân luôn dưới ngưỡng phát hiện thì nguy cơ xơ gan hay ung thư gan ở những người này sẽ rất cao.

Vậy thì làm thế nào để có thể biết tôi được điều trị có hiệu quả? và tôi cần phải được điều trị trong bao lâu?

Sau khi bắt đầu điều trị đặc hiệu khoảng 3 tháng, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm lại máu của bệnh nhân để đếm số lượng virus viêm gan B (xét nghiệm định lượng HBV-DNA) có trong máu là bao nhiêu. Nếu lượng HBV-DNA trong máu giảm hơn trước khi điều trị trên 100 lần thì có nghĩa là điều trị có hiệu quả, và xét nghiệm này phải được làm liên tục cứ mỗi 3 tháng một lần cho đến khi xét nghiệm định lượng HBV-DNA cho kết quả dưới ngưỡng phát hiện. Kể từ bây giờ trở đi thì bác sĩ chỉ cần cho xét nghiệm phát hiện HBV-DNA mà không cần phải định lượng nữa và cũng cứ mỗi 3 tháng 1 lần để theo dõi xem có tái phát không. Thời gian điều trị đặc hiệu có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm vì cho đến nay các nhà y học chỉ đạt đến thành công là khống chế được virus không cho nhân bản chứ rất hiếm khi loại trừ được virus vì chúng tồn tại trong tế bào gan ở dạng cccDNA (covalently closed circular DNA) không bị tác động bởi thuốc kháng virus. Một điều chắc chắn là nếu virus viêm gan B trong bệnh nhân ngay từ trước khi điều trị hay trong quá trình điều trị mà DNA của chúng bị đột biến ở vùng gen tiền lõi (precore mutation), và đặt biệt là khi có đột biến ở vùng khởi động (promoter mutation), thì nguy cơ bệnh nhân sẽ bị xơ gan và/hay ung thư gan rất cao, nên trên những bệnh nhân này, bác sĩ phải điều trị đặc hiệu cho họ suốt đời mà không được phép ngưng điều trị.

 TH

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT