Dư luận đang rất hoang mang, lo lắng khi nhiều trường hợp phụ nữ đến các trung tâm thẩm mỹ để làm đẹp đã chết tức tưởi. Những thủ thuật phẫu thuật nếu không được chú trọng là nguyên nhân chính dẫn đến việc bệnh nhân tử vong khi đi làm đẹp. Đây là điềù không phải ai cũng biết.
Gây tê, gây mê
Vào 11 giờ ngày 4/1/2013, anh Trần Tuấn Anh (sinh năm 1976, trú tại Hải Phòng) đưa chị gái Trần Thị Thu Hương (SN 1971) đến thẩm mỹ viện Linh Nhung tại 255 Xã Đàn (Phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) để xoá sẹo môi trên.
Đến 17h cùng ngày, chị Hương được bác sỹ là chủ thẩm mỹ viện cùng 2 nhân viên đưa lên tầng 4 để thử phản ứng gây tê, sau đó chị Hương có biểu hiện sốc phản vệ.
Ngay sau đó chị Hương đã được thẩm mỹ viện đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai, đến 2 giờ ngày 5/1 chị Hương đã tử vong.
PGS.TS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó đặc biệt nhất vẫn là thủ thuật gây tê và gây mê.
“Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai thủ thuật được quan tâm nhiều nhất đó chính là thủ thuật gây tê và gây mê. Thường thì gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê thì phải làm ở bệnh viện có đội ngũ bác sĩ có tay nghề và có trang thiết bị đầy đủ.
Tuy nhiên, trong quá trình gây tê, nếu không thử thuốc trước sẽ dẫn đến tình trạng sốc phản vệ. Mặc dù sốc phản vệ ít khi xảy ra nhưng khi bệnh nhân nào gặp phải mà không được hồi sức cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ cao. Bởi sốc phản vệ do cơ địa dị ứng sẽ dẫn đến trụy tim mạch, nên rất nguy hiểm”, PGS. TS Nguyễn Huy Thọ cho biết.
“Tuy nhiên, nguy hiểm nhất vẫn là quá trình gây mê. Bởi trong quá trình gây mê, sử dụng thuốc làm người bệnh ở trong trạng thái đặc biệt, không đau nhưng có thể ảnh hưởng đến cơ hô hấp, bệnh nhân không biết gì dễ dẫn đến tử vong. Bởi vậy, khi gây mê nên đặt trong khí quản”, PGS. TS Nguyễn Huy Thọ lưu ý.
“Ngay sau quá trình gây mê, phải chú ý đến thủ thuật hồi tỉnh và hồi sức. Hồi tỉnh sẽ làm cho bệnh nhân dần tỉnh lại sau một quá trình dài mê man. Khi bệnh nhân hồi tỉnh sẽ được chuyển xuống hồi sức để theo dõi, có thể nửa ngày hoặc một ngày. Do dư lượng của thuốc mê, bệnh nhân có thể ngủ trở lại, thiếu ô xi sẽ ảnh hưởng đến tim mạch. Dù là bệnh viện mà làm hồi tỉnh, hồi sức không tốt, bệnh nhân thiếu ô xi cũng đều rất nguy hiểm”.
“Vì thế, trong quá trình làm phẫu thuật trách nhiệm của người gây mê là rất lớn, xem xét những thông số: mạch, huyết áp, nhịp thở, lượng ô xi trong máu… Nếu làm không tốt, sẽ dẫn đến hôn mê sâu, bệnh nhân không phục hồi do thiếu ô xi não”, PGS. TS Nguyễn Huy Thọ cho biết.
Không cầm được máu
Không chỉ có quá trình gây mê và gây tê, theo PGS.TS Nguyễn Huy Thọ, nguy hiểm nhất đối với bệnh nhân khi phẫu thuật thẩm mỹ là do phẫu thuật gây chảy máu nhiều, không cầm được máu.
“Phẫu thuật thủ thuật gây chảy máu nhiều, phải tính đến lượng máu nhiều để bổ sung. Có những trường hợp mổ kín, lượng máu mất mà nhân viên phẫu thuật không để ý dẫn đến nguy cơ tử vong. Ngay cả quá trình thẩm mỹ nâng ngực, nếu quá trình cầm máu không tốt, tràn máu vào khoang phế mạc, ép phổi không nở ra, trong khi phẫu thuật viên không biết, bác sĩ gây mê không để ý nồng độ ô xi tụt xuống, khi đó sẽ khó cứu được bệnh nhân”.
“Những lúc như thế, bác sĩ có kinh nghiệm, ê kip thực hiện sẽ hội ý với nhau, hiểu ý nhau, bác sĩ gây mê tăng áp lực phổi lên, bác sĩ phẫu thuật sẽ cầm máu lại động mạch bị đứt mới có thể cứu được bệnh nhân”, PGS. TS Thọ đưa ra lời khuyên.
PGS.TS Nguyễn Huy Thọ cũng cảnh báo: “Nếu những phòng thẩm mỹ viện tư không đủ bác sĩ có kinh nghiệm, không có trang thiết bị cần thiết, thì khi bệnh nhân gặp biến chứng sẽ rất khó nhận biết và chữa trị kịp thời. Đặc biệt khi phòng hồi sức cấp cứu ở xa, khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu thì không thể cứu được”.
Giấu bệnh khi đi thẩm mỹ
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thọ, trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, dù có chủ ý đến gây tê, gây mê nhưng bác sĩ không chú ý khám thể trạng bệnh nhân, trong khi bệnh nhân giấu bệnh cũng là một điều cực kỳ nguy hiểm dẫn đến chết người.
“Nhiều khi bệnh nhân mang những bệnh lý tim mạch, huyêt áp cao, nhiều khi tiêm thuốc tê vào dễ bị sốc phản vệ. Ở bệnh viện 108 trước đây, khi làm phẫu thuật chúng tôi phát hiện trường hợp máu không đông nên loại ngay. Sau đó, bệnh nhân chủ quan đến phòng mạch, các bác sĩ chủ quan không kiểm tra, khi phẫu thuật rất nguy hiểm. Khi phẫu thuật xong đi cấp cứu, cả 7 ngày với bao nhiêu y bác sĩ, mới cứu được bệnh nhân này”, PGS. TS Nguyễn Huy Thọ cho biêt.
“Rất cần sự phối hợp của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ. Khi bệnh nhân đến phải nói đến việc đang bị bệnh gì để bác sĩ có thể lựa nên làm hay không. Khi bệnh nhân giấu mà nhiều phòng mạch thiếu trang thiết bị xét nghiệm thể trạng nên vẫn phẫu thuật sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong”, PGS.TS Thọ kiến nghị.
TH
Chào bác sĩ em có vần đề muốn thăm khao mong bác sĩ sẽ trả lời em .em bị hiv nhưng muốn pttm là nâng mmũi em muốn hỏi người ta có cần xét nghiệm hiv trước khi làm và nếu xét nghiệm người ta biết mình bị có làm cho mình không em xin cam on