“Bệnh lao đang trở thành gánh nặng thực sự cho xã hội và ngày càng trẻ hóa”
(PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ- Giám đốc BV Phổi T.Ư)
Theo thống kê, hiện có 100.000 bệnh nhân đang trở thành nguồn lây nhiễm cho bất kể ai. “Lao ngoài cộng đồng đang trở thành nỗi lo khi việc phòng ngừa rất khó kiểm soát” – TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm chương trình phòng chống lao quốc gia, cho biết. Đó cũng là lý do số người mắc lao mới ở VN không ngừng tăng.
“Hai năm trước VN nằm ở vị trí thứ 13 trong 22 nước có bệnh lao cao nhất toàn cầu nhưng nay tăng lên một bậc – TS Sỹ cho biết – Việt Nam cũng là trong trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên thế giới”.
Đáng ngại là tỷ lệ lao phổi tăng ở nhóm tuổi trẻ và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, từ 15-24 tuổi. Lý giải về điều này, TS Sỹ cho rằng một phần do tác động của xã hội, một phần do liên quan lối sống hoặc nhiễm HIV của một bộ phận thanh thiếu niên: Theo nghiên cứu từ chương trình phòng chống lao quốc gia, tỷ lệ nhiễm lao cao ở các tỉnh phía Nam, trong khi người mắc bệnh cùng lúc giữa lao và HIV cũng tăng ở khu vực này, đặc biệt là TPHCM.
Nguyên nhân khác khiến bệnh lao ngày càng lan rộng là do thiếu hụt nhân lực y tế. Tỷ lệ bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chống lao chỉ 1,58/100.000 dân trong khi tỷ lệ chung là 12 bác sĩ/100.000 dân. “Họ sợ lây nhiễm, trong khi thu nhập lại quá thấp”, ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, hiện nay một lượng lớn bệnh nhân lao tìm đến dịch vụ khám ban đầu ở cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện ngoài hệ thống phòng chống lao, trong khi nhiều trường hợp, người mắc bệnh lại tự chữa bằng thuốc trôi nổi ngoài thị trường nên không kiểm soát được.
Thêm 6.000 bệnh nhân lao kháng thuốc mỗi năm
Đặc biệt, theo TS Phạm Quang Tuệ, Chương trình phòng chống lao quốc gia, số bệnh nhân lao đa kháng thuốc đã xuất hiện tại VN, khoảng 6.000 người mỗi năm. Trong khi tỷ lệ điều trị thành công ở những bệnh nhân này chỉ 70%. “Năm 1997 bệnh nhân lao đa kháng thuốc chiếm 2,3% trong số những người mắc bệnh lao, nhưng nay đã lên gần 3%” – TS Tuệ cho biết.
Nếu không được quản lý tốt sẽ là nguồn lây dai dẳng trong cộng đồng. Trong khi bệnh nhân lao tại các khu vực đặc biệt như trại giam, tỷ lệ mắc cao gấp 5-6 lần khiến cho lao phổi đa kháng thuốc chưa được kiểm soát.
TS Đinh Ngọc Sỹ, cho biết cứ 3 người mắc bệnh lao ở Việt Nam thì 1 bị kháng thuốc và chi phí điều trị cho trường hợp này cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo về sự xuất hiện một loại bệnh lao siêu kháng thuốc. Tuy Việt Nam chưa xuất hiện trường hợp nào diện này nhưng nguy cơ xâm nhập các loại lao siêu kháng thuốc chỉ là thời gian.
Ngay tại TPHCM, trong gần 20.000 ca mắc lao, có khoảng 32,5% số bệnh nhân lao bị kháng thuốc, trong đó những người kháng nhiều loại thuốc chiếm tỉ lệ cao. TPHCM là địa phương có tỉ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất. Theo điều tra của tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ kháng thuốc lao ở TPHCM cao gấp 3 lần so với Mỹ, 5 lần so với Anh và gấp 4 lần tỉ lệ trung bình của thế giới.
Theo ông Sỹ việc kiểm soát lao và lao đa kháng thuốc ở VN vẫn còn nan giải, do tình trạng bán thuốc chống lao tràn lan, tại cơ sở y tế tư nhân không kiểm soát được việc điều trị. Trong khi đó, ở các khu vực đặc biệt như vùng sâu, vùng xa, nhân lực y tế thiếu, việc theo dõi bệnh nhân và bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ chống lao hạn chế… khiến cho tình trạng lây lan tăng.
S&T