Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh do dị ứng ở mắt và hay tái phát. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, khi lượng phấn hoa di chuyển nhiều hơn trong không khí bay vào mắt người có cơ địa dị ứng sẽ gây ra những triệu chứng trên nên được gọi là viêm kết mạc mùa xuân.
Đối tượng dễ mắc bệnh
Bệnh thường gặp ở người bệnh có cơ địa dị ứng phấn hoa, các loại bụi, lông thú vật, côn trùng, hoặc gió, ánh nắng và mỗi khi thay đổi thời tiết. Tuỳ thuộc vào từng cơ địa mà mỗi người chịu sự tác động của các dị ứng nguyên khác nhau. Vào mùa xuân, lượng phấn hoa khuếch tán nhiều trong không khí là yếu tố thuận lợi làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhất là những người sống ở vùng rừng núi, nơi có khí hậu ẩm ướt, thảm thực vật phong phú, người trồng hoa, nuôi ong mật,…
Viêm kết mạc mùa xuân có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy ở trẻ em và người trẻ và thường tái phát theo mùa.
Đặc điểm của bệnh
Bệnh nhân bị đỏ cả hai mắt, ngứa, cảm giác như bị phỏng, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, có ghèn rây, lúc nào cũng muốn lấy tay dụi mắt nhưng càng dụi càng ngứa. Bệnh hay tái phát theo mùa.
Khám nghiệm:
Khi lộn mi thấy ở mi mắt có những nốt (nhú gai) màu đỏ lớn, đường kính trên 1 mm nằm sát nhau, có hình dáng như được lát một lớp sỏi, nhú gai có mạch máu ở đỉnh, hoặc thấy những nốt có màu trắng như sữa ở gần tròng đen.
Cách chữa trị?
Bệnh nhân được nhỏ các loại thuốc chống dị ứng. Thuốc chống dị ứng có rất nhiều loại nên chỉ bác sĩ mới có thể quyết định nên dùng thuốc nào. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Hơn nữa đây là một bệnh hay tái phát nên cần cẩn thận, vì nếu cứ sử dụng mãi một loại thuốc sẽ gây những tác dụng phụ ở mắt. Đã có rất nhiều người bị ngứa mắt tự ra tiệm thuốc tây mua Cortisone nhỏ, thấy hết ngứa nên từ đó thường xuyên dùng Cortisone dẫn đến bị cườm nước – bệnh này còn nặng hơn ngứa mắt. Hoặc có người dùng mãi một toa thuốc nên bị nhiễm độc ở mắt.
Trong lúc chờ đợi khám bác sĩ có thể:
– Đắp gạc lạnh hay nước đá cho bớt ngứa.
– Nhỏ các thuốc rửa mắt hay nước mắt nhân tạo cho trôi hết các phấn hoa hay bụi bặm bám vào mắt.
– Tránh dụi mắt, nhất là ở trẻ em.
– Vì là bệnh tái phát thường xuyên nên bệnh nhân cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Cũng không nên lấy toa thuốc cũ dùng lại vì mỗi thời điểm có thể phải dùng loại thuốc khác nhau.
– Nếu thường xuyên dùng thuốc vẫn không hết, đôi khi phải thay đổi môi trường, chẳng hạn như chuyển đến vùng lạnh sống một thời gian.
– Trường hợp bệnh nặng đã có biến chứng vào giác mạc, cần phải điều trị lâu dài và đúng cách dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.
S&T
Lưu ý: Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề sức khỏe hãy gọi cho chúng tôi theo số điện thoại 19006237 để nhận được sự tư vấn cần thiết.