Trang chủSỨC KHỎE TỔNG QUÁTCác vị thuốc từ lá sen

Các vị thuốc từ lá sen

Từ lâu đời nay cây sen đã được sử dụng trong dân gian với rât nhiều tác dụng khác nhau. Tất cả các bộ phận của cây sen như lá sen, đài sen, tua sen, ngó sen….đều được sử dụng với nhiều mục đích chữa bệnh.

Các vị thuốc từ lá sen
                                 Các vị thuốc từ lá sen

Tác dụng dược lý của lá sen

–  Theo Đông y truyền thống, lá sen có vị đắng chát (khổ sáp) tính bình. Vào 3 kinh tâm, can và tỳ. Có tác dụng thanh thử, lợi thấp, thăng phát thanh dương và chỉ huyết (cầm máu). Chủ trị thử thấp tiết tả (tiêu chảy do nóng ẩm mùa hè), huyễn vận (chóng mặt hoa mắt), phù thũng, thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), băng lậu, tiện huyết, sản hậu huyết vận (choáng váng sau khi sinh)…

–   Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên trong những tháng hè như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy… Còn lá sen khô, hoặc đã thiêu tồn tính, dùng để chữa các chứng xuất huyết.

–   Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng giảm béo và chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm. Do đó, trên lâm sàng hiện nay, lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị béo phì, phòng trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật. Theo các chuyên gia, những người cao tuổi cơ thể đã suy yếu, động mạch não đã bị xơ cứng, hoặc từng bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, nên thường xuyên sử dụng lá sen.

Những cách cụ thể dùng lá sen phòng bệnh

*  Thanh thử trừ thấp, chống xuất huyết: Kinh nghiệm thực tế của Đông y truyền thống cho thấy, nhờ tác dụng thanh nhiệt giải thử (thanh trừ hỏa nhiệt trong mùa hạ) và sinh tân (tăng thể dịch) chỉ khát (chống khát) lá sen được dùng trong những tháng hè, để phòng ngừa và chữa trị các chứng bệnh do nắng nóng gây nên. Cụ thể, có thể dùng lá sen theo những cách sau:

–  Cháo lá sen (hà diệp chúc): dùng lá sen tươi 1 tàu, gạo tẻ 50g. Gạo vo sạch, nấu cháo theo cách thông thường. Lá sen rửa sạch, khi cháo sắp chín lấy lá sen úp lên trên mặt cháo; tiếp tục nấu nhỏ lửa một lúc, đến khi thấy cháo có màu lục nhạt là được. Chia ra ăn trong ngày, có thể cho thêm chút đường trắng.

–  Tác dụng: loại cháo này có tác dụng thanh thử lợi thấp, thăng dương kiện tỳ. Chủ trị “thử khí khốn tỳ” (nóng ẩm mùa hạ gây tổn thương chức năng tiêu hóa); “Dương khí bất thăng” dẫn tới tình trạng vùng thượng vị đầy tức kém ăn, người mệt mỏi, chân tay bải hoải.

*   Thanh lạc ẩm: lá sen tươi 6g (dùng phần rìa lá; kim ngân hoa 6g, tây qua thúy y (vỏ xanh dưa hấu) 6g, ty qua bì (vỏ trái mướp) 6g, búp tre tươi 6g. Cho vào nồi, đổ ngập nước, sắc còn 2 bát; chia 2 lần uống trong ngày.

Tác dụng: giải thử (trừ nóng mùa hè), thanh phế (mát phổi). Dùng trong trường hợp sau khi bị cảm nắng đã chữa khỏi, nhưng vẫn còn đau đầu, ho khan, mắt hoa nhìn không rõ.

*  Hà diệp hồng táo thang: dùng lá sen tươi 20g (cắt nhỏ), hồng táo (táo tàu) 5 trái, sắc lấy uống, chia ra uống từng ít một như uống trà.

–  Tác dụng: thanh thử, ích khí, thoái nhiệt. Dùng chữa trẻ nhỏ và người cao tuổi sốt nóng nhẹ dai dẳng trong ngày hè.

*  Song hà tiên: lá sen 7 tàu (bỏ phần rìa và chóp), ngó sen 7 cái. Hai thứ giã nát, thêm nước và mật ong lượng thích hợp, sắc lấy nước; chia ra 2 – 3 lần uống trong ngày, uống ấm (nếu nguội cần hâm lại).

–  Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết; dùng chữa thổ huyết do xuất huyết ở đường tiêu hóa trên, tiêu phân đen.

*  Giảm béo, phòng trị bệnh tim mạch: Trà lá sen (độc vị lá sen): dùng lá sen khô 10g (tươi 30g), xé nhỏ, nấu nước uống thay trà trong ngày, liên tục 2 – 3 tháng. Có tác dụng hạ mỡ máu và chống béo phì rõ ràng.

–  Trà táo mèo lá sen (sơn tra hà diệp trà): sơn tra (hoặc táo mèo) 15g (đã thái   lát, phơi khô), hà diệp (lá sen) 10g khô (hay 20g tươi), thái nhỏ. Hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày.

–  Tác dụng: sơn tra có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, chống tích trệ, hạ cholesterol máu và tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; còn có tác dụng bảo vệ gan. Lá sen phối hợp với sơn tra thành loại trà có hương vị đặc biệt, có tác dụng phòng bệnh tim mạch, điều hòa chuyển hóa mỡ và giảm béo rõ ràng. Đồng thời còn có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, chống đầy bụng, giúp ăn ngon miệng trong những ngày nắng nóng.

–  Cháo lá sen: lá sen 2 tàu, rửa sạch, sắc lấy nước, cho 50 – 100g gạo, thêm chút đường phèn, nấu cháo ăn. Tác dụng: lợi thủy tiêu mỡ, giảm thiểu sự ngưng tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn máu, sử dụng thường xuyên có khả năng phòng ngừa tăng huyết áp và tai biến mạch máu não. Rất thích hợp với người cao tuổi.

Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT