Ong là loài côn trùng sống theo đàn và sẽ tấn công người khi bị đe doạ. Thông thường ong đốt hiếm khi gây ra các phản ứng nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng là đau chói, ngứa và sưng nề tại chỗ, có thể tự hết sau một vài ngày. Tuy nhiên, nếu người bệnh từng bị dị ứng với nọc ong, từng bị ong đốt nhiều lần hoặc bị nhiều vết đốt cùng một thời điểm thì cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Đặc điểm về loài ong cần biết
Nọc ong là một hợp chất có tính acid, bao gồm các enzym ly giải tế bào, các peptid và phospholipase A2. Các chất này gây tổn thương viêm, dị ứng và đau.
Khi bị kích, động ong thường tấn công theo đàn. Càng nhiều vết đốt càng nguy hiểm, vết đốt càng gần vùng đầu mặt cổ càng nguy hiểm vì tình trạng sưng nề có thể chèn vào đường thở gây ngạt.
Ong mật có ngòi chứa nọc hình răng cưa nên khi đốt chúng mắc luôn vào da để lại ngòi độc tại vết đốt/chích. Nếu lấy ngòi độc không cẩn thận sẽ bóp thêm chất độc vào sâu vết đốt.
Nguy hiểm và độc tính cao nhất là ong đất. Một tổ ong đất vài con có thể đốt chết một con trâu lớn.
Ngộ độc khi bị ong đốt là biểu hiện toàn thân: nọc ong vào cơ thể gây độc, phá vỡ các tế bào, tiêu cơ cấp tính làm tắc ống thận. Các cơ quan bị tổn thương cuối cùng suy đa phủ tạng. Càng nhiều vết ong đốt nguy cơ nguy hiểm càng cao.
Có trường hợp chỉ một nốt đốt cũng bị tiêu cơ vân cấp hoặc sốc phản vệ.
Cách sơ cứu khi bị ong đốt tại nhà
Khi bị ong đốt cần di chuyển đến khu vực an toàn để tránh bị đốt nhiều hơn.
- Loại bỏ ngòi độc: Trường hợp trẻ không may bị ong đốt, cha mẹ cần lấy vòi ong (nếu có) bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra,
- Rửa vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh.
- Chườm lạnh trên vùng da bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 20 phút. Lặp lại nếu tiếp tục đau.
- Nâng vùng tay hoặc chân có vết đốt lên cao hơn tim, sẽ giảm sưng nề và đau.
- Bôi thuốc kháng histamin nếu vết đốt ngứa.
- Luôn chú ý với các triệu chứng dị ứng.
Cần đến bệnh viện nếu có một trong các dấu hiệu sau:
- Có nhiều vết đốt.
- Có vết đốt vùng đầu mặt cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh.
- Có dấu hiệu toàn thân: Sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu.
- Có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt: Mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.
Nếu không may bị ong vò vẽ bay quanh người hãy thật bình tĩnh, hít thở thật sâu, thở đều, không chạy, không đập ong. Kéo áo che mặt kín đầu, dùng tay bảo vệ mặt và tìm cách thoát khỏi khu vực có ong.
Không xoa bóp vết đốt, hạn chế gãi, nếu không tình trạng sưng nề sẽ tiến triển nhanh hơn.
Sau khi ong đốt nên uống nhiều nước để loại thải độc tố. Tuyệt đối không dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược) hay vôi bôi lên vết đốt.
Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
Để phòng tránh ong đốt:
- Đối với trẻ nhỏ nên có người giám hộ đi cùng.
- Quanh khu vực nhà ở có tổ ong cần nhờ người có kinh nghiệm phá dỡ.
- Hướng dẫn trẻ không được chọc, ném, phá tổ ong.
- Các gia đình khi đi dã ngoại không nên mặc các loại quần áo sặc sỡ, in hình bông hoa và tránh dùng các loại đồ ăn, nước uống có vị ngọt có thể lôi kéo ong đến.