Trang chủSức khỏe trẻ emChăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách khi hè về

Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách khi hè về

Mùa hè về khoa Nhi ở các bệnh viện và bệnh viện nhi TW luôn trong tình trạng quá tải. Theo khuyến cáo của các Bác sỹ thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân chính gây cho trẻ các bệnh như: viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt không rõ nguyên nhân.

Theo khuyến cáo của các BS, thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân chính gây bệnh cho trẻ.Bên cạnh đó, BS cũng lưu ý các bậc phụ huynh phải đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Bởi nếu trẻ được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thì sức đề kháng của trẻ sẽ tăng lên đáng kể, giảm nguy cơ mắc bệnh tật.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều bậc phụ huynh cho trẻ ở trong phòng điều hoà quá nhiều khiến khi ra ngoài trời trẻ không thích nghi với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ nên dễ bị viêm họng, sốt. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy ở trẻ cũng là vấn đề đáng lo ngại trong mùa hè.


Hầu hết các bà mẹ hiện nay đều vừa nuôi con nhỏ lại vừa phải đi làm nên thường có thói quen nấu 1 lần cho con ăn cả ngày. Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ BV Nhi TW, chính sự “tiện thể” của cha mẹ là một trong những nguyên nhân gây bệnh cho trẻ. Bởi mùa hè nếu thức ăn dù đã nấu chín nhưng không được bảo quản đúng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Mặt khác, việc nấu 1 lần cho trẻ ăn cả ngày đôi khi không đảm bảo đủ lượng sinh dưỡng trong ngày cho trẻ và việc cả ngày phải ăn một loại thức ăn cũng khiến trẻ biếng ăn.
Do vậy, theo khuyến cáo của BS thì các bậc phụ huynh phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của trẻ, đặc biệt là vào mùa hè. Thường xuyên đổi món cho trẻ để được bổ sung đủ chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng.
Tại hội thảo cập nhật kiến thức chăm sóc trẻ vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: 60% trẻ suy dinh dưỡng tới khám tại TT tư vấn dinh dưỡng trong thời gian qua là do cha mẹ thiếu kiến thức trong chăm nuôi trẻ. Theo đó, sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh là sử dụng kiến thức kiểu truyền miệng, thiếu căn cứ khoa học, cho trẻ ăn không đủ chất và lượng, thiếu dầu mỡ trong khẩu phần ăn.
Đồng tình với quan điểm trên, BS Nguyễn Văn Lộc cho biết: Trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu do da mỏng, phản xạ hắt hơi, ho còn yếu, chức năng của đường ruột chưa hoàn chỉnh và khả năng sản xuất ra các kháng thể còn hạn chế nên nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ thường cao hơn người lớn rất nhiều.
Đặc biệt là vào mùa nắng nóng, do tác động của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng có hại phát triển. Chúng không chỉ xâm nhập vào thức ăn, môi trường mà còn xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó chủ yếu là qua mũi họng, qua da, qua đường ruột và qua nước tiểu thông qua tiếp xúc trực tiếp của chân tay, miệng, do bệnh nhân bị viêm họng, viêm phế quản, viêm ruột, nhiễm trùng nước tiểu…
Để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ thì việc quan trọng nhất là tăng khả năng miễn dịch, BS Lộc cho biết. Muốn vậy phải đảm bảo cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Mùa hè, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời sẽ cao hơn nhiệt độ cơ thể rất dễ làm cho trẻ mất nước, mệt mỏi, ăn uống kém.
Do vậy, cần cho trẻ ăn hoa quả quả chứa nhiều vitamin C và các loại thực phẩm giàu chất đạm như sữa mẹ, sữa bò, trứng, thịt… Với trẻ nhỏ, cha mẹ phải lưu ý là chất béo phải luôn chiếm từ 25-30% trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nước cũng rất quan trọng với cơ thể. Nó có vai trò điều hòa thân nhiệt vì vậy cần cho trẻ uống đủ nước để vừa giảm nóng vừa bù vào lượng nước bị mất do mồ hôi tiết ra. Tuy nhiên, không cho trẻ uống nước để trong tủ lạnh, nước đá vì dễ gây viêm họng, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh thân thể sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy, bệnh truyền nhiễm…
Trong trường hợp trẻ đang nằm viện điều trị thì việc bổ sung các chất dinh dưỡng lại càng quan trọng hơn. Hiện có rất nhiều bà mẹ áp dụng chế độ ăn kiêng vì cho rằng con mình đang bị tiêu chảy hay bị 1 bệnh nào đó thì cơ thể không hấp thụ được hết nên cho ăn con kiêng khem.
Quan niệm trên hoàn toàn sai lầm vì chính việc bắt trẻ ăn kiêng khiến cho cơ thể chúng bị thiếu chất dẫn đến sức đề kháng kém lại phải dùng
kháng sinh thì việc lâu khỏi bệnh hoặc suy dinh dưỡng trầm trọng là điều khó tránh khỏi.

Hoặc có bà mẹ thấy con bị bệnh nên ra sức nhồi nhét mà không quan tâm đến khả năng hấp thụ của trẻ. Điều tối kỵ với trẻ là không đưa quá nhiều mỡ vào thức ăn của trẻ, phải cân bằng chất đạm, protein, sắt, chất xơ… và vitamin các loại để trẻ có đủ chất, phát triển toàn diện.
Một số vấn đề các mẹ cần quan tâm:

Chăm sóc da của bé

Sau khi sinh xong, việc chăm sóc trẻ ảnh hưởng không ít đến sự phát triển toàn diện của cháu bé trong tương lai. Chăm sóc da và giữ vệ sinh cho các bé là một việc không đơn giản, đòi hỏi người mẹ phải quan sát hằng ngày để kịp thời nhận ra những bất thường trên da trẻ. Vì da của trẻ rất mong manh, dễ mắc các bệnh như rôm sảy, hăm kẽ, mụn nước, bóng nước, chàm. Nặng hơn, da trẻ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh (cầu khuẩn) gây chốc, nhọt, u mềm lây, thủy đậu…


Các loại bệnh về da của bé. Có những loại bệnh thường gặp về da của bé, tuy nhiên những bệnh này không cần phải quá lo lắng vì chúng thường sẽ từ từ biến mất mà không cần các bà mẹ phải can thiệp gì cả. Ví dụ như trẻ sơ sinh thường có những bớt màu tím, có những u mạch, hạt kê… Khi trẻ lớn hơn một chút, tự động những bớt và u hạt này sẽ “lặn” mất. Hoặc bệnh lác sữa thường gặp ở các bé từ 3 tháng tuổi, lác sữa tuy hay tái đi tái lại nhiều lần nhưng khi trẻ khoảng 2 tuổi thì bệnh đột nhiên biến mất như chưa hề tồn tại làm bận lòng các bà mẹ.
Ngoài ra, rôm sảy là loại bệnh về da rất phổ biến, nhất là ở những nơi nắng nóng như TP.HCM. Bệnh sẽ nặng vào mùa hè oi bức vì trẻ ra mồ hôi nhiều, các tuyến mồ hôi bị chèn ép bít kín lại làm mồ hôi không thoát ra được. Trẻ thường bị rôm sảy ở lưng, gây ngứa ngáy, quấy khóc. Với rôm sảy, các bà mẹ nên tắm cho bé hằng ngày bằng nước sạch, ấm từ 35 – 37 độ C, chỉ được dùng loại xà phòng dành cho em bé (chứa các loại vitamin, các acid amin, các muối khoáng và các nguyên tố vi lượng, đồng thời ngăn ngừa các vi khuẩn gây bệnh, bảo vệ da không bị nhiễm trùng), không dùng xà phòng thường dễ làm khô da bé. Khi mới chào đời, làn da của bé chưa phát triển một cách hoàn chỉnh nên cần phải chọn chế phẩm vừa đạt tác dụng tẩy sạch các chất bẩn trên da, vừa phải phù hợp với sinh lý tự nhiên của da bé và không gây kích ứng da.
Ngoài những loại bệnh về da không mấy lo ngại, thông thường các bé rất dễ bị mụn (neonatal acne), có sẩn màu trắng. Rồi do tăng tiết mồ hôi ở môi trường nóng, ẩm, do sốt, bé bị ban hạt kê (miliaria crystalina). Một bệnh khác về da các bé cũng thường mắc phải là ban kê đỏ (miliaria rubra) do các ống bài tiết mồ hôi bên trong bị bít kín. Bệnh gây ra mụn nước đỏ, cứng ở vùng trán, thân trên, vùng bị hăm gây ngứa từng cơn. Bệnh chốc (impetigo) cũng rất thường gặp, đây là bệnh nhiễm trùng da do liên cầu trùng. Bé cũng dễ bị bệnh nhọt (furuncle) là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức xung quanh do tụ cầu, bệnh này có thể gây sốt, viêm hạch kế cận, nhiễm trùng huyết. Bệnh u mềm lây (molluscum contagiosum) là loại nhiễm trùng do vi-rút, rất dễ lây lan. Ngoài ra còn những bệnh thông thường khác do thiếu vệ sinh như lang ben, ghẻ, có chí trên đầu, hăm kẽ, viêm da do tã lót… cũng hành hạ các bé, làm các bé khó chịu, quấy khóc và dẫn đến bỏ ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách phòng ngừa và điều trị

Trước hết các bà mẹ phải làm cho làn da bé luôn khô ráo và thoáng mát. Nên tắm và lau mặt cho trẻ bằng nước ấm. Cẩn thận pha nước vừa đủ ấm, không dùng nước quá ấm làm hại da trẻ, gây phỏng rộp do da trẻ rất mỏng manh. Dùng khăn lông loại mềm lau cho trẻ. Khi tắm chỉ nên dùng xà phòng dành riêng cho trẻ. Không dùng các loại sữa tắm người lớn, không bôi bất cứ loại nước
thơm, nước hoa nào làm trẻ bị dị ứng da.
Quần áo trẻ phải được giặt kỹ bằng xà phòng ít chất xút, ngâm trong nước xả vải cho mềm. Chất liệu vải nên chọn loại cotton, hút mồ hôi và thoáng hơi. Sau khi phơi quần áo trẻ ở nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, các bà mẹ cũng nên ủi sơ qua để “khử trùng” và cất vào tủ dành riêng cho bé. Trẻ sơ sinh nên quấn bằng tã vải cho thoáng, không mặc tã giấy làm bít hơi. Ngoài quần áo,
chăn màn, khăn lau của trẻ cũng phải được quan tâm giặt giũ cẩn thận, không dùng đồ bị ẩm thấm nước tiểu của trẻ.
Lời khuyên cuối cùng, các bà mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu các bệnh về da ở trẻ trở nên ngày càng khó chịu mà việc giữ vệ sinh không có tác dụng. Không được bôi những loại thuốc kem hay uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Những ngày qua, do thời tiết nắng nóng, ở hai bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 (TP.HCM), nhiều trẻ nhập viện do mắc bệnh da liễu như nhiễm trùng da, ghẻ, hăm kẽ, viêm da do tã lót…
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh Lê, bác sĩ chuyên khoa 2, phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2: bệnh hăm tả thường xuất hiện ở trẻ sơ
sinh, biểu hiện của bệnh là các dát đỏ ở vùng quấn tã như mông, đùi trên, bụng dưới… Da vùng quấn tã có các biểu hiện cấp tính như các dát màu đỏ tươi, bóng, tiết dịch sau đó bong vảy. Bệnh còn có các biểu hiện khác như đỏ da, vảy nến, u hạt lan tỏa, giảm sắc tố, vết trợt… và có thể gây tổn thương vùng sinh dục, viêm hạch bẹn, ở trẻ nam gây viêm nhiễm hệ tiết niệu cấp tính.
Hiện nay, việc dùng tã vải cho bé đã được thay bằng tã giấy vì nhanh và tiện dụng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều loại tã giấy với giá rất rẻ, chưa đến 20.000 đồng/10 miếng, loại tã này giấy rất đen và được lót bên dưới một lớp nilon, không hề tốt cho da của trẻ sơ sinh. Một số loại tã giấy đã được kiểm nghiệm và an toàn như Huggies, Newborn… thì lại bị nạn hàng nhái.
Ngoài ra, bệnh hăm tả còn xuất phát từ việc cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc bé: mặc tã cho bé quá chật, ít thay tã làm ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm; đồng thời tích tụ chất dơ trong kẽ da, tạo điều kiện cho vi trùng và nấm phát triển. Hơn nữa, nồng độ pH của nước tiểu để lâu trong tã dẫn tới nhiễm trùng da, gây kích ứng da, nhiễm trùng tiểu và có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Cũng theo BS. Hạnh Lê: để phòng tránh bệnh ngoài da và hăm tả, các bà mẹ cần chú ý thay tã lót thường xuyên, lau khô vùng bẹn và mông bằng nước ấm sau khi trẻ đại, tiểu tiện, phải dùng vải mềm, thích hợp với cơ thể trẻ và có chức năng thấm hút tốt. Cha mẹ khi thay tã cho con, không nên thấy vùng mông, các kẽ đùi… có màu đỏ mà vội bôi phấn rôm, làm như vậy dễ gây nhiễm trùng da cho trẻ. Trên thị trường có bán một số loại tã có chức năng báo hiệu thời gian dùng tã cho trẻ đã hết như sản phẩm tã giấy của Huggies, có dấu hiệu ngôi sao ở mặt lót dưới, khi nào nước tiểu đầy, ngôi sao đó sẽ mờ dần đi, cần thay mới. Loại tã này giúp cha mẹ không cần mở tả nhiều lần để thăm và tránh được bệnh hăm tả cho trẻ.
Mặt khác, cần cho trẻ uống đủ nước, tập cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây khi trẻ biết ăn, các bà mẹ đang cho trẻ bú cũng cần bổ sung hàng ngày cho mình nhiều
vitamin và khoáng chất để cho trẻ có được đủ chất dinh dưỡng hơn nữa trong sữa mẹ.

TH

Chú ý: trên đây là một số thông tin tham khảo về chăm sóc trẻ sơ sinh ngày hè, hãy gọi đến tổng đài19006237để được tư vấn cụ thể.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT