Hiện nay, chưa có một giải pháp điều trị đặc hiệu các bệnh do virus nói chung và bệnh Covid-19 nói riêng, mà việc điều trị hoàn toàn theo triệu chứng của bệnh.
Vì vậy dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị, là giải pháp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể, giải pháp này giúp công tác phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng và miễn dịch phòng bệnh COVID – 19 như:
Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản… đậu, đỗ…). Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần. Tăng cường ăn vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Ăn đủ về năng lượng, các chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể, phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày.
Một chế độ ăn đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng như: Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-65% (tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20-25% và 15-20% là từ chất đạm.
Rau xanh và quả chín: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên ăn rau quả từ 400-600g/ngày/người trưởng thành. Rau quả là nguồn cung cấp vitamin – khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch gồm: vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E và chất khoáng như sắt, kẽm, selen,… Sử dụng các loại thực phẩm có kháng sinh tự nhiên và tác dụng phòng ngừa virus như hành, tỏi, sả, lá mơ, tía tô, kinh giới, hương nhu, gừng, bạc hà, rau thơm, rau húng…Có thể dùng từ 2-3 nhánh tỏi sống trong bữa ăn hoặc dùng khi chế biến thức ăn.
Vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch:
– Vitamin A: Có vai trò rõ rệt cả với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn ở trẻ em mà nguyên nhân do thiếu vitamin A rất cao. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng biện pháp bổ sung vitamin A có thể làm giảm 23% tử vong ở trẻ em. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng – miễn dịch tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Thiếu vitamin A các biểu mô quá sản, sừng hóa, các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi. Vitamin A có nhiều trong gấc, rau ngót rau dền cơm, gan gà, gan lợn, gan bò…
– Vitamin E: Vitamin E làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn, làm chậm tiến triển bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer), bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị o xy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào. Vitamin E bảo vệ các chất béo trong não khỏi các gốc tự do, đặc biệt là các chất béo omega-3 DHA và EPA, trong đó tập trung ở tế bào thần kinh. Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên: đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.
– Vitamin C: Vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhay cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu ăn đủ vitamin C, các glubulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lymphô bào và giúp tạo thành các bổ thể. Hơn 90% lượng vitamin C có trong khẩu phần ăn được cung cấp từ các loại trái cây và rau củ. Các thực phẩm giàu vitamin C: rau ngót, rau mùi tàu, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, hành hoa; trong các loại quả như bưởi, đủ đủ, quýt, cam, chanh,…
– Vitamin D: Là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.
– Vitamin nhóm B: Trong các vitamin nhóm B, vai trò các folat và pyridoxin đáng chú ý hơn cả. Thiếu folat làm chậm sự tổng hợp của các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Tương tự như thiếu sắt, miễn dịch dịch thể ít bị ảnh hưởng hơn miễn dịch qua trung gian tế bào. Trên thực tế ở trẻ em, nhất là phụ nữ có thai, thiếu folat thường đi kèm thiếu sắt là hai yếu tố gây thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu pyridoxin (vitamin B6) làm chậm các chức năng miễm dịch, cả dịch thể và trung gian tế bào. Các vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan.
Vai trò của sắt, kẽm, selen:
– Sắt: Sắt cần thiết cho tổng hợp AND, nghĩa là nó cần thiết cho quá trình phân bào. Ngoài ra sắt còn tham gia vào nhiều enzym can thiệp vào quá trình phân giải bên trong tế bào. Thiếu sắt, nhiễm khuẩn tăng. Sắt gây ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,..
– Kẽm: Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp làm vết thương mau lành và giúp duy trì vị giác và khướu giác. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể. Khi thiếu kẽm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng. Trẻ thường có biểu hiện biếng ăn chậm lớn, chậm phát triển chiều cao. Kẽm có nhiều trong thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu,..
– Selen: Selen đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, bao gồm sự phát triển và hoạt động của bạch cầu. Thiếu hụt selenium gây ra ức chế chức năng miễn dịch, ngược lại nếu bổ sung selenium sẽ tăng cường và/hoặc phục hồi khả năng miễn dịch. Thiếu selenium còn ức chế khả năng đề kháng chống nhiễm trùng, hậu quả của suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức. Ngoài ra, selen còn có vai trò trong phục hồi cấu trúc di truyền, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc một số kim loại nặng.
Lựa chọn và chế biến thực phẩm: Thực phẩm lựa chọn phải tươi sống, không ăn những loại gia cầm và gia súc bị chết do nhiễm bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi; không ăn khi thực phẩm chưa chín như: ăn tái, ăn giỏi, tiết canh, trứng ốp la, trứng sống…Thực hiện 10 “lời khuyên vàng” trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh dao thớt và rửa tay bằng xà phòng trước, trong, sau khi chế biến thực phẩm. Các thức ăn cần nấu chín kỹ, chế biến dạng lỏng, hay mềm, dễ tiêu hóa và theo sở thích của từng người.
Uống đủ nước theo nhu cầu từ 2,0-2,5 lít nước/người. Có thể dùng nước chanh, nước cam, nước sả, nước gừng…tùy theo cơ thể mỗi người. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, vệ sinh đường hô hấp trên thông thoáng, sạch sẽ bằng nước súc miệng, hoặc nước muối sinh lý. Không tập trung đông người khi không cần thiết, đặc biệt những điểm du lịch, lễ hội vì dễ tiếp súc nguồn nguồn lây nhiễm. Khi hắt hơi, sổ mũi, kho cần che miệng bằng tay hoặc dùng khăn giấy sau đó vứt vào sọt rác, đồng thời rửa và làm khô tay. Thường xuyên đeo khẩu trang đúng kỹ thuật khi ra ngoài, đến chỗ đông người, đi tàu xe, tiếp xúc với người mắc bệnh. Nhà cửa gọn gàng, thoáng mát, sạch sẽ, đặc biệt có ánh nắng chiếu vào có tác dụng tiêu diệt virus.
Tóm lại, chúng ta thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ, cân đối và hợp lý. Tăng cường sử dụng rau xanh, hoa quả và các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thịt gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, không ăn thực phẩm chưa chín. Uống đủ nước theo nhu cầu, giữ vệ sinh cá nhân và nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Cần đeo khẩu trang đúng kỹ thuật và chủng loại khi ra ngoài, đi tàu xe, đến chỗ đông người…