Thời điểm khi trẻ bước sang tháng thứ 6, là thời điểm bạn nên bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm.Lúc này nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng cao, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ.Lập thực đơn cho trẻ ăn dặm là điều bạn nên nghĩ đến.
Phụ huynh nên bắt đầu bằng việc pha một thìa bột ăn liền (bột dạng ngọt) với nửa chén nước ấm (khoảng 100 ml). Khuấy đều cho bột tan, tập cho trẻ ăn từng ít một. Khi bé há miệng để nuốt thức ăn là dấu hiệu chịu ăn. Lúc này người lớn bắt đầu nghĩ đến chuyện tăng dần khối lượng và độ đậm đặc của thức ăn, tức từ loãng sệt sang đặc dần.
Nên cho trẻ ăn mỗi loại thức ăn từ 5 đến 7 ngày để bé quen dần, đồng thời giúp mẹ phát hiện sớm tình trạng dị ứng thức ăn của con nếu có. Khi có dị ứng, phụ huynh nên ghi lại rõ ràng tên thực phẩm để tránh ở lần sau và thông báo với bác sĩ nếu cần thiết.
Cơ thể trẻ cần rất nhiều dưỡng chất dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển. Bữa ăn cung cấp dinh dưỡng nên cần có đủ 4 nhóm thực phẩm từ tinh bột, đạm, rau củ trái cây và chất béo.
Bé tròn 6 tháng tuổi ăn dặm thì thức ăn chính vẫn là sữa mẹ, nên cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu và chỉ ăn một bữa bột cùng một ít nước trái cây. Có thể gợi ý xếp thời gian ăn mỗi ngày của bé như sau: 6h bú mẹ – 8h ăn bột – 10h bú mẹ – 11h bú lần nữa – 14h uống nước trái cây hoặc ăn trái cây dạng mềm – 16h và 18h là hai lần bú cuối.
Thức ăn nào an toàn cho bé?
– Thịt: lựa chọn các loại thịt ít mỡ hay bỏ bớt mỡ. Từ tháng 6 – 8 nên cho bé ăn thịt gà, cá. Sau 8 tháng bé ăn được tất cả các loại thịt, khoảng 1 muỗng canh mỗi bữa.
– Bột đường: Là các loại bột gạo, bột ngũ cốc.
– Rau củ: Cho bé ăn tất cả các loại rau, khi bé mới bắt đầu tập ăn dặm nên tránh các loại rau củ có thể làm bé bị đầy bụng khó tiêu như các loại rau giàu nitrate (như rau diếp, củ cải đường, bắp cải, cần tây…), tháng thứ 9 – 10 bé có thể ăn các loại rau này nhưng hạn chế ăn chỉ ăn 1 – 2 lần/tuần.
– Dầu mỡ: Nên cho bé ăn các loại dầu thực vật, hạn chế ăn mỡ động vật.
– Trái cây: Bé có thể ăn tất cả các loại trái cây, nên bắt đầu bằng nước ép trái cây tươi pha loãng, rồi đến nước ép trái cây tươi nguyên chất, nước ép cả bã và bé có thể ăn trái cây cắt miếng nhỏ.
Thực đơn sẽ thay đổi khi bé từ 8 đến 9 tháng tuổi. Lúc này, trẻ đã quen dần với vài thìa bột pha loãng, phụ huynh nên tăng dần bữa ăn từ nửa chén đến một chén, từ 1 đến 2 bữa trong ngày. Nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, giúp bé dễ dàng tiếp nhận các loại thức ăn và mùi vị khác nhau để khi lớn con có thói quen ăn uống đa dạng chứ không kén chọn.
Thức ăn của trẻ sẽ được chuyển dần từ mịn sang thô dần. Sau khi nấu chín có thể dùng rây để tán nhuyễn thức ăn. Các bữa ăn của trẻ được xen kẽ bằng các cữ bú mẹ. Năng lượng cung cấp cho trẻ khoảng 750-900 Kcal mỗi ngày.
Thời gian cho ăn dặm gợi ý: 6h bú mẹ – 8h bú tiếp – 10h ăn bột sữa hoặc đủ 4 nhóm thực phẩm – 12h bú mẹ – 14h ăn trái cây chín – 15h ăn bột đủ 4 nhóm thực phẩm – 18h và 20h bú mẹ.
Theo các bác sĩ Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu giúp trẻ có đủ dưỡng chất và phòng các bệnh nhiễm trùng. Thời gian cho bú trong một giờ đầu sau sinh và kéo dài đến 18 hoặc 24 tháng.
TH
Khi có thắc mắc về các vấn đề sức khỏe trẻ em, hãy gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia.