Trang chủGóc hỏi đáp các bệnhNhững điều cần lưu ý về bệnh cúm

Những điều cần lưu ý về bệnh cúm

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, do virut cúm A, B,C gây nên. Cúm thường gây ra các vụ dịch lớn khó ngăn chặn , gây tác hại lớn cho nhân loại về số người mắc bệnh lẫn tỷ lệ tử vong.

Bệnh cúm
                                        Bệnh cúm

1.  Mầm bệnh

– Là virut cúm thuộc họ Orthomyxoviridae. Có 3 loại virut cúm A, B, C. Virut dễ bị diệt ở nhiệt độ thông thường , chịu đựng tốt ở nhiệt độ thấp. Virut cúm có 3 loại kháng nguyên:

  • Kháng nguyên S : là kháng nguyên hòa tan
  • Kháng nguyên H : là kháng nguyên ngăn ngưng kết hồng cầu, giúp cho virut dễ bám vào tế bào .
  • Kháng nguyên N là kháng nguyên có tính chất men  giúp virut chui được vào trong tế bào.

– Cứ 10- 15 năm lại có một vụ đại dịch sảy ra. Xen kẽ giữa những vụ đại dịch hàng năm có những vụ dịch nhỏ. Người ta nhận thấy rằng chỉ có virut cúm A là nguyên nhân gây ra các vụ đại dịch , còn virut cúm B gây các dịch trong khu vực  và virut cúm C thường gây các vụ dịch nhỏ tản phát . Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng  virut cúm A có khả năng thay đổi kháng nguyên H ( H1, H2, H3…) và N ( N1, N2…), tạo ra những túp  virut mới nên virut cúm A là nguyên nhân gây ra các vụ đại dịch cúm.

– Khi cơ thể bị cúm sẽ tạo ra các kháng thể chống lại virut ở các mức độ khác nhau. Virut thay đổi kháng nguyên để tồn tại

–  Có sự lai ghép giữa virut cúm A ở người với virut cúm A ở động vật. Sự lai ghép này được tái tổ hợp nhiều lần , đã tạo ra các virut cúm mới , có công thức kháng nguyên khác với công thức kháng nguyên của virut cúm A ban đầu.

2. Đường lây truyền

Virut cúm lây trực tiếp từ người sang người bằng đường hô hấp, qua các hạt nước bọt nhỏ li ti mang rất nhiều virut. Ngày nay các phương tiện hiện đại làm cho dịch cúm không những lan nhanh trong phạm vi địa phương mà còn trong phạm vi toàn cầu.

3. Những biểu hiện của bệnh cúm

3.1. Cúm thông thường

*  Thời kì nung bệnh

Từ 2 – 4 ngày ( ngắn nhất trong 24h ) . Trong thời kì nung bệnh thường không có triệu chứng

*  Thời  khởi phát

Thường đột ngột, sốt cao 39 – 40oC , rét run, nhức đầu , choáng váng, buồn nôn, nôn, đau mỏi toàn thân . Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi , không muốn làm việc.

*  Thời kì toàn phát

Nổi bật là ba hội chứng sau:

–   Hội chứng nhiễm khuẩn – nhiễm độc :  Sốt cao liên tục 39 – 40oC , kéo dài 4- 7 ngày , có khi sốt đến ngày  thứ 3 nhiệt độ đã xuống bình thường . Sốt trong bệnh cúm thường là sốt cao ngắn ngày , nhiệt độ xuống nhanh . Một số bệnh nhân sốt kiểu “ V cúm ” ( đang sốt cao nhiệt độ tụt xuống, sau đó lại tăng lên )

Bệnh nhân  mệt nhiều  ăn ngủ kém, môi khô lưỡi bẩn. Mạch nhanh , huyết áp dao động, nước tiểu vàng đôi khi có Albumin.

–  Hội chứng hô hấp: Tùy theo mức độ bệnh mà có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Các triệu chứng chính thường gặp :

  • Viêm long đườg hô hấp :  sổ mũi, hắt hơi, rát họng, ho khan. Mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
  • Viêm thanh hầu  và khí quản làm cho bệnh nhân ho khan và khàn tiếng.
  • Virut cúm còn có khả năng gây tổn thương ở phổi như viêm phế quản cấp, viêm phổi, làm cho bệnh nhân ho khạc đờm, đau tức ngực , khó thở.

Khám phổi thấy ran ngáy , ran rít, hoặc một số ran ẩm nhỏ hạt.

Chụp XQ  phổi  thường không phản ánh được dấu hiệu lâm sàng ở phổi.

–  Hội chứng cơ năng : cơ bản là dấu hiệu đau , nhức đầu liên tục, thi thoảng dội lên từng cơn. Đau nhiều vùng thái dương , vùng trán , kèm theo hoa mắt chóng mặt , ù tai.

Đau mỏi toàn thân nhất là cơ bắp và khớp , đau dọc sống lung, ngang cột sống . Hội chứng đau làm tăng thêm sự mệt mỏi.

Bệnh cúm
                                            Bệnh cúm

3.2. Các thể lâm sàng của cúm

3.2.1. Cúm nhẹ

Không sốt , hoặc sốt nhẹ , nổi bật là triệu chứng viêm long đường hô hấp – ho khan, đau mỏi toàn thân nhẹ . Hirst dương tính. Thể này thường gặp rải rác trong các vụ dịch.

3.2.2. Cúm có bệnh cảnh riêng biệt

  • Cúm thể thần kinh : các dấu hiệu thường gặp : sốt cao, nhức đầu nhiều. Dấu hiệu hô hấp thường mờ nhạt , hay có viêm dây thần kinh, có dấu hiệu màng não ( +) nhưng dịch não tủy bình thường . Thể này hay gặp ở trẻ em nhỏ tuổi.
  • Cúm thể tiêu hóa : bệnh nhân thường có đau bụng, buồn nôn và nôn, đi lỏng nhiều lần, đôi khi đau ở hố chậu phải dễ nhầm với viêm ruột thừa.
  • Cúm thể ngoài da : đi đôi với sốt thường phát ban dạng tinh hồng nhiệt hoặc dạng sởi. Các thể này cần xét nghiệm sinh  vật và huyết thanh chẩn đoán mới xác định được.

3.2.3. Cúm nặng và biến chứng

* Thể cúm ác tính

Ngoài các triệu chứng thông thường của bệnh cúm, tiếp theo là hội chứng ác tính sảy ra rất nhanh. Bệnh nhân lo lắng , vật vã, mê sảng, có thể có co giật. Dam xám xịt , mắt thâm quầng, môi tím tái và một số các triệu chứng khác :

  • Mạch nhanh, huyết áp tụt.
  • Xuất huyết dưới da.
  • Khó thở, ho có đờm bọt màu hồng, Nhưng khám phổi có khi không thấy gì thật rõ rệt.

Bệnh nhân thường tử vong sau 1- 3 ngày trong tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Mổ tử thi là hình ảnh của viêm phổi khối.

*  Cúm có bội nhiễm :

–  Bội nhiễm phần nhiều hay gặp do vi khuẩn streptococcus , Pneumococcus, trực khuẩn Pfeiffer … Bộ máy hô hấp là nơi hay bị bội nhiễm , sau đó mới đến các cơ quan khác.

Ngoài những hội chứng chính trong bệnh cúm, thường kèm theo bội nhiễm vi khuẩn làm cho bệnh cảnh lâm sàng của cúm nặng lên rất nhiều.

  • Bội nhiễm ở tai mũi hong thường gặp như viêm họng , viêm niêm mạc miệng, áp-xe ở hầu họng , viêm tuyến mang tai, viêm xoang, ở trẻ em hay gặp viêm tai giữa , viêm thanh quản có giả mạc làm trẻ khó thở, tím tái.
  • Bội nhiễm ở phổi , màng phổi, hay gặp là phế quản phế viêm, sốt tăng lên, ho, tức ngực , khó thở, khám phổi có ran rit, ran ngáy, hoặc ran ẩm.  Điều trị kháng sinh khỏi sau 1-2 tuần.

Viêm phổi – phế quản  thường gặp ở các ngày 4- 6 của bệnh. Sốt cao 39-40 độ tình trạng toàn thân nặng lên , khó thở với tất cả các triệu chứng của viêm phổi . Đây là một biến chứng nặng , tỷ lệ tử vong còn cao 25-30 %.

*  Các biến chứng màng phổi hay gặp

  • Tràn dịch màng phổi.
  • Tràn dịch – mủ ( khi có nhiễm khuẩn kèm theo) : đột ngột sốt tăng 39-40 độ, đau tức ngực, khó thở.

*  Các biến chứng khác :

  • Viêm màng não mủ : thường thứ phát sau viêm  tai xương chũm , hoặc từ các ổ bội nhiễm khác , vi khuẩn vào máu và màng não. Bệnh nhân  sốt cao, nhức đầu, nôn, kèm theo triệu chứng kích thích màng não. Đây là biến chứng rất nặng tỷ lệ tử vong còn cao.
  • Viêm cơ tim , viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim, viêm xoang, viêm tai, viêm thanh quản…

4. Chẩn đoán

4.1. Lâm sàng

  • Bệnh khởi phát đột ngột. Sốt cao 39-40 độ, ngắn ngày, nhức đầu, đau mỏi toàn thân.
  • Hội chứng hô hấp nổi bật : viêm long đường hô hấp, dễ gây biến chứng ở phổi.

4.2. Dịch tễ

Bệnh thường sảy ra vào mùa đông xuân, cùng lúc có nhiều người nhiễm,.

4.3. Xét nghiệm

Để chẩn đoán nguyên nhân cần dựa vào xét nghiệm đặc hiệu :

  •  Phản ứng Hirst : là phản ứng huyết thanh dựa trên nguyên lý kĩ thuật ức chế ngưng kết hồng cầu , tỷ lệ dương tính rất cao. Cần lấy máu hai lần, cách nhau 7- 10 ngày . Lần đầu tiên lấy máu càng sớm càng tốt. Kết quả dương tính khi hiệu giá kháng thể đạt 1/1280 hoặc biến động kháng thể lần 2 tăng gấp 4 lần trở lên.
  • Phản ứng kết hợp bổ thể
  • Chẩn đoán miễn dịch huỳnh quang

Là một trong những nghiêm pháp chẩn đoán sớm cho kết quả chin xác. Tỷ lệ ( +) 60 – 70 % , sau 3- 4h.

  • Phân lập virut

Có giá trị chẩn đoán quyết định. Lấy dịch mũi họng, cấy lên tổ chức phôi gà . Phương pháp này ít có giá trị tròn thực tiễn lâm sàng vì kết quả chậm, chi phí tốn kém và phức tạp.

Bệnh cúm
                                           Bệnh cúm

5. Điều trị và dự phòng

5.1. Điều trị

– Điều trị chung : Cách ly, nghỉ ngơi tại giường cho tới khi hết sốt, đề phòng các biến chứng. Ăn lỏng đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, tăng cường các loại sinh tố.

– Thuốc : an thần : senduxen, Andixin…cho thuốc giảm ho long đờm : Sirocodein, Tecpincodein…

–  Áp dụng các biện pháp dân gian : xông , ăn cháo hành, tía tô, ngâm chân – tay bằng nước ấm, nhỏ mũi bằng nước tỏi, vệ sinh răng miệng thật tốt.

–  Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn

–  Điều trị nguyên nhân :

  • Gammaglobulin chống cúm ( lấy từ huyết thanh người cho máu ) cho kết quả tốt.

Thể nặng dùng 3- 6 ml tiêm bắp thịt 1 lần.

Trẻ em có thể tiêm 1- 3ml tiêm bắp thịt

Có thể tiêm nhắc lại 1 liều như trên.

  • Huyết thanh khô chống cúm của Nga, dạng bột phun vào mũi, 1-2 lần .
  • Interferon : để bảo vệ các tế bào chưa bị phá hủy
  • Thuốc kháng virut : Amatadin ( chống virut cúm A ) cho 200mg  trong 3-5 ngày hoặc Rimantadin hoặc Ribavirin.

5.2. Dự phòng

Phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân , hạn chế lây lan.

Hiện nay người ta dùng vacxin để phòng bệnh. Có 2 loại vacxin  : vacxin sống giảm độc lực và vacxin chết. Tiêm nội bì 0,1ml hai lần cách nhau 14 ngày.

Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT