Với phụ nữ mang thai, các hoóc môn tuyến giáp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, nhất là não bộ của trẻ. Khi mẹ bầu mắc các bệnh lí về tuyến giáp cần hết sức thận trọng trong việc dùng thuốc điều trị,tránh những ảnh hưởng bất lợi tới mẹ và thai.
Phân loại bệnh tuyến giáp có thể gặp ở mẹ bầu
Dựa vào những rối loạn chức năng và cấu trúc tuyến giáp,có thể chia các bệnh lí tuyến giáp thành
–Bướu giáp đơn thuần : Không có rối loạn chức năng,trong đó gồm bướu giáp nhân, bướu giáp đa nhân và bướu giáp lan tỏa
–Bướu giáp có rối loạn chức năng:
+Bướu giáp cường chức năng, hay gặp nhất là bệnh Basedow
+Bướu giáp nhược chức năng, hay gặp là bướu cổ đần độn, một số trường hợp có thể gặp trong thể viêm tuyến giáp
–Bệnh viêm tuyến giáp ,hay gặp nhất là bệnh viêm tuyến giáp tự miễn(bệnh Hashimoto), bệnh viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain, viêm tuyến giáp Riedel, viêm tuyến giáp cấp tính. Có một số ít trường hợp viêm tuyến giáp đi kèm với rối loạn chức năng giáp.
Điều trị bệnh lí tuyến giáp với mẹ mang thai
Mục tiêu của việc điều trị là khôi phục lượng hormon giáp bình thường trong máu mẹ và xử trí những tổn thương tại tuyến giáp.
-Đối với bướu cổ đơn thuần , bướu giáp nhân, bướu giáp đa nhân hoặc các u tuyến giáp lành tính thì không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Tuy nhiên các phẫu thuật này chủ yếu tiến hành trước khi mẹ mang thai.
-Với những trường hợp mẹ mắc viêm tuyến giáp, cần được theo dõi và điều trị ổn định trước khi mang thai. Đặc biệt với những mẹ có viêm tuyến giáp xuất hiện suy giáp.
-Thông thường việc điều trị bệnh lí tuyến giáp đối với phụ nữ mang thai chủ yếu là điều trị trong trường hợp xuất hiện cường hoặc nhược giáp, hoặc người bệnh ung thư tuyến giáp phải cắt bỏ tuyến giáp hoàn toàn và đang điều trị hormon tuyến giáp thay thế.
Điều trị suy giáp bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp (như levothyroxin). Cứ mỗi 6 – 8 tuần phải kiểm tra chức năng tuyến giáp một lần (bằng cách xét nghiệm nồng độ chất FT4 và TSH). Nếu có thay đổi liều thuốc thì sau 4 tuần phải kiểm tra lại chức năng tuyến giáp. Sau khi kiểm tra cần điều chỉnh thuốc để nồng độ FT4 và TSH trở lại mức cân bằng. Ngay sau khi sinh, mẹ bầu nên quay lại liều dùng thuốc như trước khi có thai.
Nếu chỉ bị cường giáp nhẹ thì chỉ cần theo dõi chặt chẽ mà không cần dùng thuốc. Với những trường hợp cường giáp thoáng qua như người có bướu nhân độc tuyến giáp,người có nồng độ hCg cao cũng không ảnh hưởng gì nghiêm trọng cho bà mẹ và thai nhi nên không cần lo lắng.
Trường hợp bị bệnh nặng hơn thì phải điều trị, nếu dùng thuốc không đúng loại, không đúng liều thì thuốc thấm qua máu thai, làm cho thai bị suy giáp. Thuốc dùng đúng là PTU (ít qua nhau thai) và chỉ dùng với liều thấp nhất có hiệu lực. Việc điều trị này nhất thiết phải có thầy thuốc chuyên khoa theo dõi. Không điều trị bằng iod phóng xạ, vì iod phóng xạ có thể vào thai, phá hủy tuyến giáp của thai gây suy giáp cho trẻ vĩnh viễn.
Trường hợp bất đắc dĩ cần phải bỏ thai thì cũng phải điều trị cường giáp cho đến khi bệnh tạm ổn mới bỏ thai. Nếu bỏ thai đột ngột, có thể bị cơn cường giáp cấp (bão giáp), dễ nguy hiểm tính mạng.
Có thể dùng thuốc chẹn beta để hạn chế hội chứng run tay, đánh trống ngực. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc phụ trợ này khi thật cần thiết và ở mức hạn chế, vì thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai (trẻ sinh ra bị nhẹ cân).