Máu được cấu tạo bởi một số loại tế bào khác nhau hay còn gọi là thành phần hữu hình và huyết tương. Các thành phần hữu hình gồm: Hồng cầu (chiếm 96%), Bạch cầu (chiếm khoảng 3%), Tiểu cầu (chiếm 1%). Còn huyết tương là dung dịch chứa đến 96% nước, 4% là các protein huyết tương và rất nhiều chất khác. Mỗi thành phần của máu chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới. Lượng máu trong cơ thể tương đối hằng định nhờ quá trình điều hoà sinh máu (trung bình là 77 ml/kg cân nặng đối với nam và 66 ml/kg cân nặng đối với nữ). Một người lớn khỏe mạnh có khoảng 3,8 đến 5,6 lít máu. Vì vậy, các nghiên cứu về huyết học cho thấy, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. Trái lại, lượng máu được “tồn trữ” trong gan, lách không được lưu thông, nhưng khi hiến máu, cơ thể sẽ được “làm mới” lại bằng lượng máu tương ứng do tuỷ xương sản sinh ra. Trên thực tế, đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến gần 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt.
Hiện nay nhu cầu về máu tại các bệnh viện để cứu sống người dân là vô cùng cấp thiết. Mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu vì: Bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm hoạ, xuất huyết tiêu hoá; Do bị các bệnh gây thiếu máu, chảy máu: ung thư máu, suy tuỷ xương, máu khó đông…; Các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu: phẫu thuật tim mạch, ghép tạng… Theo đó, mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Nhưng nếu chỉ cần một bịch máu (khoảng 200ml) đã có thể cứu một mạng người.
Vì vậy, để vừa trực tiếp tham gia cứu sống người bệnh, vừa đảm bảo được sức khoẻ, các nhà chuyên môn đưa ra lời khuyên đối với người tham gia hiến máu: Cần ăn sáng đầy đủ trước khi hiến máu, ví dụ uống cốc nước cam và ăn một bát phở, không nên dùng các chất kích thích trước khi hiến máu như: Rượu, cà phê, chè …vì chất cafein làm cơ thể mất nước. Ngay sau khi hiến máu, nên: Chỉ dời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế. Nếu cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn nên nằm nghỉ 10 – 15 phút; Uống nhiều nước sau khi hiến máu; Để miếng băng dính sau ít nhất 4-6 giờ mới bỏ đi. Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, không uống rượu, bia và làm việc gắng sức (leo núi, tập tạ …).