Bệnh lao nếu điều trị không triệt để, kéo dài dễ dẫn tới nhứng di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh, cũng như gia tăng tình trạng lây nhiễm cộng đồng, vì vậy khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ.
1. Nguyên nhân sinh bệnh và cách lây nhiễm lao
Nguyên nhân chính là do trực khuẩn Koch (do nhà vi trùng học người Ðức Robert Koch phát hiện năm 1882 và gọi tắt là BK). Ðây là một loại trực khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Trực khuẩn lao có thể sống vài tuần trong không khí và nước, nhưng khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao lại tồn tại đến 2-3 tháng.
Ðường lây chủ yếu là qua đường hít thở (trực khuẩn có trong không khí do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi); Khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh; Do thức ăn, nước uống; Do ruồi mang trực khuẩn đến; Có trường hợp do uống sữa không đun sôi của bò bị lao. Một bệnh nhân lao phổi mỗi ngày có thể ho khạc ra 1 – 7 nghìn triệu trực khuẩn lao. Khi vào cơ thể, BK khu trú ở nhu mô phổi là chính, 85-90% lao phát triển ở phổi, còn lại có thể gây lao màng não, xương khớp, hạch, thận, ruột, da. Do đó nói đến lao, người ta nghĩ ngay đến lao phổi. Người mang BK trong cơ thể, y học gọi là nhiễm lao, nếu hệ miễn dịch tốt có thể vẫn khỏe mạnh. Nhưng đến một lúc nào đó, do hệ miễn dịch suy giảm như mắc một bệnh khác (cảm cúm, tiểu đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS…) hoặc uống những thuốc ức chế miễn dịch như corticoid thì nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh.
2. Làm thế nào để phát hiện lao phổi?
Trước hết là căn cứ vào những dấu hiệu thay đổi của cơ thể như:
– Ho khúc khắc kéo dài, có khi khạc ra đờm hoặc trong đờm lẫn máu.
– Cảm giác mỏi mệt toàn thân, chán ăn, sụt cân trong những tháng đầu.
– Cứ về chiều lại hơi bị sốt, theo dõi thân nhiệt thấy sáng và chiều cách nhau khoảng nửa độ, ví dụ sáng 370C, chiều 37,30C – 37,50C kéo dài nhiều ngày.
– Có trường hợp cảm thấy khó thở, tức ngực, có khi ho ra máu.
Lời khuyên quan trọng đối với mọi người là nếu thấy ho khạc kéo dài trên ba tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đờm tại bệnh viện.
Khi nghi ngờ bị bệnh lao, bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm để xác định như: soi đờm tìm BK, chiếu hoặc chụp X-quang phổi, làm các xét nghiệm chức năng hô hấp, xét nghiệm máu… Ngoài ra còn có những phương pháp khác để khẳng định rõ hơn như chụp X-quang cắt lớp phổi, nuôi cấy đờm tìm BK và xác định mức độ kháng thuốc.
Xét nghiệm đờm tìm BK là tiêu chuẩn quan trọng để điều trị sớm, tránh được lây lan sang những người chung quanh.
3. Biến chứng lao phổi
– Ho ra máu có thể dai dẳng kéo dài cả tháng (trung bình từ 7-10 ngày), bệnh nhân có thể đột ngột ộc ra hàng trăm, hàng nghìn ml máu trong mươi phút, đưa đến tử vong tức khắc nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ho ra máu nguy hiểm vì nó gây ra mất máu cấp, lượng máu đó có thể rất nhiều, nếu ho ra máu không cầm được, bệnh nhân có thể tử vong ngay tức khắc.
Cũng có khi ho ra máu không nhiều, nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm vì lượng máu đó tắc nghẽn trong các phế quản, khí quản và các phế quản nhỏ làm cho bệnh nhân nghẹt thở như bị chết đuối, bị thắt cổ.
Ở người suy kiệt, có thai hoặc đang mắc một bệnh nào đó: suy tim, viêm gan, suy thận…, thì dù lượng máu mất đi do ho ra máu không nhiều, cũng làm bệnh trạng nặng lên nhiều, đẩy bệnh nhân đến bờ vực nguy hiểm.
Người bệnh khi bị ho ra máu thường hốt hoảng, lo sợ và càng hốt hoảng lo sợ lại càng ra máu nhiều tạo nên một vòng luẩn quẩn rất nguy hại cho bệnh nhân.
– Tràn khí màng phổi xảy ra khi màng phổi bị rách, không khí từ các phế nang bị rách hay từ bên ngoài tràn vào ép xẹp phổi.
Tràn khí màng phổi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó một nguyên nhân có thể gặp là lao phổi. Tổn thương lao ở phổi nhuyễn hóa, ăn mòn, phá hủy phổi – màng phổi gây loét thủng phế nang, phế quản, màng phổi, hoặc tạo nên các bóng dãn phế nang, khi các bóng này vỡ sẽ gây tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi ép phổi xẹp lại gây ra khó thở cấp, gây rối loạn hô hấp.
Rối loạn này không chỉ do phần phổi bị xẹp mà còn do phần phổi lành phía bên đối diện cũng giảm hoạt động, vì bị áp lực dương tính bên phía tràn khí đẩy và khuynh hướng tự co lại của phổi lành, kéo trung thất sang phía đó. Ngoài ra, do đau nên bệnh nhân không dám thở mạnh và tình trạng sốc khi bị tràn khí cũng làm giảm hoạt động hô hấp.
Tràn khí màng phổi còn ảnh hưởng đến tuần hoàn, cản trở máu về tim. Nếu sau tràn khí lại có tràn dịch phản ứng, tràn máu màng phổi do màng phổi khi thủng, rách, đứt một mao mạch nào đó của màng phổi hoặc gây biến chứng tràn mủ màng phổi ở cặn màng phổi thì những biến loạn trên hô hấp, tuần hoàn càng nặng nề hơn.
Tràn khí màng phổi có nhiều loại, nhưng đáng lo ngại nhất là tràn khí màng phổi trung thất, vì trong loại tràn khí này các cơ quan quan trọng như các động mạch, tĩnh mạch phổi, quai động mạch chủ, các dây thần kinh trong khu vực trung thất, tim,… bị khí trực tiếp đè ép.
Tràn khí màng phổi cần được giải quyết kịp thời, nhưng có thể gây tử vong nếu là tràn khí trung thất hoặc làm các cơ quan trung thất bị kéo đẩy hoặc nếu xảy ra ở người suy yếu, suy kiệt, có tổn thương phổi nặng.
4. Các phác đồ điều trị lao
Chương trình phòng chống lao Việt Nam qui định 5 thuốc chống lao thiết yếu là : Isonizid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S) và Ethambutol (E). Gồm các giai đoạn điều trị : giai đoạn tấn công 2-3 tháng đầu phối hợp ít nhất 3 thuốc, và giai đoạn duy trì kéo dài 4-6 tháng tiếp theo.
-Phác đồ điều trị bệnh nhân lao mới: 2SRHZ/ 6HE.
Nghĩa là: Trong 2 tháng đầu bệnh nhân được dùng thuốc hàng ngày với 4 loại thuốc lao là streptomycin, isoniazid, rifampicin, pyrazinamid. Đến 6 tháng tiếp theo bệnh nhân được dùng 2 loại thuốc isoniazid và ethambutol hàng ngày.
-Phác đồ điều trị của lao thất bại,tái phát: 2 SRHZE/ 1RHZE/ 5H3R3E3.
Nghĩa là: Bệnh nhân được sử dụng 5 loại thuốc lao S, R, H, Z, E hàng ngày trong 2 tháng đầu. Tháng thứ 3 dùng 4 loại thuốc lao R, H, Z, E hàng ngày. Đến 5 tháng tiếp theo bệnh nhân được dùng thuốc 3 lần trong 1 tuần với 3 loại thuốc lao R, H, E. Tổng thời gian điều trị là 8 tháng.
-Phác đồ điều trị lao trẻ em: 2RHZ/4RH
Nghĩa là: Dùng 3 loại thuốc lao R, H, Z hàng ngày trong 2 tháng đầu; 4 tháng tiếp theo dùng 2 loại thuốc lao R, H hàng ngày. Đối với những thể lao nặng như: lao kê, lao xương khớp, lao màng não, có thể bổ sung streptomycin trong 2 tháng tấn công.
Nguyên tắc cơ bản khi điều trị bệnh lao
Điều trị bệnh lao nhằm mục đích: khỏi bệnh,giảm tỷ lệ tử vong,giảm tỷ lệ kháng thuốc cũng như giảm sự lây truyền trong cộng đồng. Khi điều trị,luôn tuân thủ theo nguyên tắc “đúng-đủ-đều”:
-Phối hợp sử dụng đủ các thuốc chống lao:
Người bệnh đôi khi thấy đơn chỉ định của bác sĩ có quá nhiều loại thuốc điều trị,thường tự ý bỏ thuốc.Điều này rất nguy hiểm.
Sự phát triển của vi khuẩn lao khác nhau tùy từng loại tổn thương, vi khuẩn tồn tại ở trong hay ngoài tế bào dẫn đến khả năng bị tiêu diệt của vi khuẩn với thuốc cũng không giống nhau.Một số thuốc chống lao có tác dụng nhất định trên vi khuẩn,kìm hãm hoặc diệt vi khuẩn. Vì vậy để điều trị đạt hiệu quả nhanh và diệt hết vi khuẩn,không tạo hiện tượng kháng thuốc cần phải phối hợp thuốc.
-Phải dùng thuốc đúng liều:
Các thuốc chống lao có một nồng độ tác dụng nhất định, dùng liều thấp sẽ không đạt hiệu quả cao,trong khi dùng liều cao dễ gây tai biến. Do đó,người bệnh khi điều trị thuốc cần điều trị đúng liều, không tự ý tăng giảm liều lượng thuốc.
-Dùng thuốc đều thời điểm,điều trị đủ thời gian:
Điều trị lao phổi phải tuân thủ đủ thời gian điều trị ,trong đó giai đoạn tấn công 2-3 tháng đầu phối hợp ít nhất 3 thuốc, và giai đoạn duy trì kéo dài 4-6 tháng tiếp theo.
Các thuốc chống lao phải tiêm và uống cùng một lúc và cố định giờ trong ngày, thuốc phải uống xa bữa ăn (trước hoặc sau) để cơ thể hấp thu thuốc tối đa và đạt được đỉnh cao nồng độ thuốc trong huyết thanh. Điều trị lao phải “đều đặn liên tục” hàng ngày hay 3 lần/tuần theo từng giai đoạn tấn công hay duy trì.Nếu tự ý ngưng thuốc,bỏ trị nửa chừng hay điều trị không đều ,điều trị không đủ số hay lượng thuốc không đủ sẽ gây nên lao kháng thuốc.
Bên cạnh đó, khi điều trị bệnh lao, người bệnh cũng nên có chế độ kiêng khem đúng mực, tuyệt đối không hút thuốc,rượu bia hay các chất kích thích,đồng thời cần tránh khạc nhổ đờm bừa bãi để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị cũng như lây lan cho cộng đồng.
5. Phòng bệnh
– Ðến nay vẫn có nhiều người sợ bị lây bệnh lao khi phải tiếp xúc, chăm sóc người bệnh hoặc trong gia đình có người bị lao. Suy nghĩ đó không đúng vì chắc chắn chúng ta có thể phòng và ngăn chặn được việc lây và mắc bệnh.
– Ngày nay cho trẻ tiêm BCG là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng tránh bệnh lao. BCG là tên một loại vaccin phòng lao do hai nhà vi trùng học người Pháp là Can-mét và Gê-rin tìm ra, có hiệu quả trên 90% khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu và tiêm nhắc lại khi đến 15 tuổi.
– Trong chương trình chống lao của nước ta, tiêm BCG được lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng phòng 6 bệnh hay lây cho gần 100% trẻ em dưới 5 tuổi.Việc phòng chống bệnh lao lây lan là nhiệm vụ của bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân và toàn xã hội. Với người bệnh: không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất, khi bệnh đang phát triển cần được ngủ riêng giường, dùng bát đũa, cốc chén riêng và phải luộc sôi sau khi dùng; Áo quần, chăn màn hàng tuần phải được luộc sôi sau khi giặt; Khi nói chuyện có thể đeo khẩu trang; Kiên trì điều trị lao đúng thời gian và hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn.
– Người bệnh phải khạc nhổ đờm vào ống nhổ riêng, sau đó đem ngâm trong nước vôi, nước crezin 4% hoặc nước clorua vôi 2% rồi mới đổ vào cầu tiêu hoặc chôn xuống đất; Người chăm sóc hoặc tiếp xúc với bệnh nhân cần nhắc nhở và giúp đỡ họ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lao.
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.
Bs cho e hỏi khi xét nghiệm đàm nhưng không có dấu hiệu của bệnh lao .( vậy e có thể mắc bệnh lao không ạ)
Chào em, cám ơn em đã gửi câu hỏi về tổng đài!
Để chấn đoán xác định một trường hợp có bị bệnh lao hay không cần phải làm các xét nghiệm đờm ngoài ra có thể đánh giá dựa trên các tổn thương nghi Lao ở phổi bằng chụp phim Xquang. Nếu em làm xét nghiệm đờm âm tính với VK lao thì hiện tại em không bị lao phổi. Còn các loại lao ngoài phổi thì tùy vào triệu chứng và vị trí mà cần làm các xét nghiệm khẳng định cụ thể khác nhau.
Có thắc mắc em có thể gọi lại lên tổng đài 19006237 để được tư vấn trực tiếp!
Chúc em sức khỏe!
Chào bác sĩ.bác sĩ cho e hỏi.khoảng 2năm trước e có bị đau ở khuỷu tay và e có đi khám ở Bv chấn thương chỉnh hình,Bv 115,Bv chợ rẫy ,trung tâm sét nghiệm hoà hảo…nhưng e chỉ nhận được kết quả là viêm khớp,rồi Mua thuốc về uống nhưng không hết đau.Mới đây e có vào Bv Sài gòn ito Phẫu thuật sinh thiết thì mới biết là lao xương.rồi bác sĩ bảo là e nên qua Bv phạm Ngọc thạch để điều trị.rồi e có qua Bv phạm Ngọc thạch khám và bác sĩ giới thiệu về địa phương nhận thuốc uống .e có về địa phương nhận thuốc uống được 3ngày thì trên lưng e lại đau rất nhiều .e có vào Bv 115 chụp mri Cột sống ngực và khuỷu tay.bác sĩ bảo là khuỷu tay tạo áp xe và cột sống ngực có tổn thương và chuyển lên khoa ngoại thần kinh khám và bá sĩ không có can thiệp phẫu thuật .và bảo e nên sang Bv phạm Ngọc thạch.qua Bv phạm Ngọc thạch bác sĩ cũng chỉ kê đơn và bảo tiếp tục về uống thuốc ở địa phương .nay e đã uống thuốc lao được hơn 2tháng nhưng tình trạng lưng và khuỷu tay e đau rất nhiều .mới đây khoảng 10 ngày e có tái khám lại ở Bv phạm Ngọc thạch nhưng bác sĩ vẫn bảo về địa phương nhận thuốc uống .nhưng bây giờ Lưng e đau rất nhiều ,nằm xuống ngồi dậy rất khó khăn ,mỗi lần hắt hơi là rất đau,hít thở ,đi lại cũng rất đau.xin hỏi bác sĩ như vậy là e bị làm sao và nên phải làm gì.e xin chân thành cảm ơn
Chào Nguyễn Hữu An,
Cám ơn em đã gửi câu hỏi về cho tổng đài!
Cũng như kết quả đc các bác sỹ đánh giá em bị lao xương
Trường hợp này của em có thể là do trực khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể , nhiễm khuẩn lao qua máu vào xương và nó khư trú ở xương xốp nơi có nhiều tủy bào và tế bào
Vi khuẩn lao có thể tấn công tới tất cả các xương khớp. Các xương khớp xốp, càng lớn và chịu sức nặng càng nhiều thì nguy cơ mắc lao càng cao, thậm chí chúng có thể tấn công và phá hủy bộ khung nâng đỡ cơ thể. Đích ngắm đầu tiên của vi khuẩn lao khi tấn công vào xương khớp chính là các khớp, nhất là khớp háng, khớp gối và cột sống. Tổn thương thường khu trú ở một vị trí, rất ít khi ở nhiều vị trí. Trong đó lao cột sống chiếm 60-70%, lao khớp háng chiếm 15-20%, lao khớp gối chiếm 10-15%, lao khớp cổ chân 5-10%, lao khớp bàn chân 5%.
Và điều trị lao xương cũng cần điều trị kéo dài và kiên trì. Hiện tại em vẫn thấy đau ở các vị trí cột sống và khuỷu tay thì đó là do triệu chứng của bệnh.
Khi em điều trị thuốc nên lưu ý các vấn đề về tác dụng phụ của thuốc như:
+ PAS (Acid Paraamino Salysilic): có độc tính gây rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn.
+ Steptomycin: rất nhạy cảm với dây thần kinh VIII. Nếu xuất hiện chóng mặt, ù tai, thính lwucj giảm phải ngừng thuốc.
+ INH: có ưu điểm thâm nhập được vào tế bào có trực khuẩn lao, có thể gây nhiễm độc biểu hiện: sốt, nổi mẩn, hạ huyết áp, buồn ngủ gấy thiếu vitamin B1 (trong điều trị cần bổ xung thêm vitamin B1).
+ Ethabutol: Có tác dụng ức chế và diệt trực khuẩn Kock gây phản ứng viêm dây thần kinh sau nhãn cầu, rối loạn màu sắc, nhìn đôi, không dùng cho trẻ em, người suy thận mãn, người nghiện rượu.
+ Rifapicin: là thuốc bán tổng hợp, ức chế men tổng hợp ARN của vi khuẩn, có tác dụng với trực khuẩn Kock và các tụ cầu khuẩn, tập trung cao trong ổ bã đậu, tác dụng nhanh chống lao và bội nhiễm.
Biến chứng: có thể gây thiếu máu, giảm tiểu cầu, ảnh hưởng chức năng gan. Nên khi dùng phải kiểm tra chức năng gan trước và trong, sau đợt điều trị.
Để giảm đau em nên hạn chế vận động nặng, nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh chơi thể thao hoặc tập các môn thể dục nặng, có tính chất đối kháng.
Nếu triệu chứng đau tăng lên em nên đi tái khám thường xuyên.
Chúc em mau khỏe!
Có thắc mắc em có thể gọi điện trực tiếp đến tổng đài 19006237 để được tư vấn trực tiếp!