Trong trường hợp bệnh do virus gây ra thì thuốc kháng sinh không có tác dụng, mà cần phải sử dụng thuốc kháng virus như acyclovir. Vậy acyclovir là thuốc gì và có tác dụng như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Acyclovir là thuốc gì?
Acyclovir là một loại thuốc kháng virus bằng cách làm giảm sản xuất ADN của virus, nó có tác dụng làm chậm sự phát triển và lây lan của virus, giúp cho cơ thể chống lại nhiễm trùng. Những người nhiễm virus thường là những người có miễn dịch suy giảm, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.
2. Acyclovir có tác dụng gì?
Thuốc Acyclovir được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do một số loại virus họ herpes gây ra.
- Viêm loét quanh miệng hoặc mụn rộp sinh dục do virus herpes simplex
- Bệnh thủy đậu và zona do virus varicella zoster gây ra
Acyclovir có tác dụng trong đợt bùng phát cũng như tái phát của bệnh herpes.
- Thuốc làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của những đợt bùng phát.
- Thuốc giúp cho các vết loét lành nhanh hơn, giữ cho các vết loét mới không lan rộng ra và làm giảm đau, giảm ngứa. Thuốc cũng có thể giúp giảm đau sau khi các vết loét đã lành.
Hình ảnh zona thần kinh
3. Thuốc Acyclovir có những dạng dường dùng nào?
Acyclovir có nhiều dạng bào chế, tùy theo bệnh lý và mức độ nặng mà có những chỉ định khác nhau:
- Dạng viên nén, viên nang:
Dùng cho những người bị nhiễm herpes ở da và niêm mạc. Ngoài ra, Acyclovir dạng viên nén còn ngăn ngừa tái nhiễm herpes simplex trên người có miễn dịch bình thường, người bị mắc bệnh zona.
- Dạng bột pha tiêm:
Dùng trong những trường hợp nhiễm herpes nặng như: viêm màng não do herpes, trên người suy giảm miễn dịch.
- Dạng thuốc mỡ:
Dùng để bôi khi nhiễm herpes ngoài da như herpes sinh dục, herpes miệng, zona thần kinh nhằm làm giảm các triệu chứng đau rát và ngứa, làm tổn thương chóng lành.
Dạng thuốc mỡ tra mắt được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm giác mạc do herpes simplex gây ra.
4. Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng acyclovir được không?
Có thể cân nhắc nếu cần thiết. Mặc dù không có chống chỉ định tuyết đối nhưng cũng cần thận trọng vì thuốc qua được rau thai và sữa mẹ.
5. Tác dụng phụ của thuốc là gì?
Tùy theo đường dùng thuốc mà bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ khác nhau.
- Ðường uống: Dùng ngắn hạn, có thể gặp buồn nôn, nôn. Dùng dài hạn
(1 năm) có thể gặp buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, ban, nhức đầu
- Ðường tiêm truyền tĩnh mạch: Thường gặp nhất là viêm tĩnh mạch ở vị trí tiêm. Ít gặp là các phản ứng thần kinh hoặc tâm thần (ngủ lịm, run, lẫn, ảo giác, cơn động kinh), kết tủa thuốc ở ống thận dẫn đến suy thận cấp, tăng nhất thời urê và creatinin, enzym gan trong huyết thanh, ban da, buồn nôn.
- Kem bôi: Có khi gặp cảm giác nóng bỏng hoặc nhói ở vị trí bôi kèm theo ban đỏ nhẹ khi khô.
- Thuốc mỡ bôi mắt: Một số ít bệnh nhân thấy nhói nhẹ ngay khi bôi. Viêm giác mạc chấm, viêm mi mắt, viêm kết mạc nhưng sẽ khỏi không để lại di chứng.