Sản dịch và tiết sữa thời kì sau đẻ là hai dấu hiệu được quan tâm và chú ý nhất, sau khi người phụ nữ đã “vượt cạn” thành công. Thông qua sản dịch có thể phán đoán sơ bộ những nhiễm khuẩn hậu sản, tình trạng bệnh lí của cơ quan sinh dục dựa vào mùi,màu sắc và tính chất của sản dịch. Còn sự tiết sữa sau đẻ lại đóng vai trò trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, việc tiết sữa nhiều hay ít, màu sắc củ sữa cũng như mùi vị sữa cũng có thể phán đoán về tình trạng sức khỏe chung cho mẹ. Do đó, bài viết hôm nay sẽ chú tâm về hai dấu hiệu cơ bản này.
Sản dịch thời kì hậu sản.
Sản dịch là dịch tiết được tạo nên bởi máu cục và máu loãng chảy từ niêm mạc tử cung, nhất là vùng rau bám, các mảnh ngoại sản mạc, các sản bào, các tế bào biểu mô ở cổ tử cung và âm đạo bị thoái hoá bong ra và chảy ra ngoài trong những ngày đầu sau khi sinh nở.
Thường trong 3 ngày đầu sau sinh,sản dịch sẽ có màu đỏ sẫm,chứa toàn máu loãng và máu cục nhỏ.Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, sản dịch loãng hơn, chỉ còn là một chất nhầy lẫn ít máu nên có màu lờ lờ máu cá. Từ ngày thứ 9 trở đi, sản dịch chỉ còn là một dịch trong.
Trong 10 ngày đầu, trung bình sản dịch có thể ra tới 1500g, đặc biệt ngày thứ nhất và ngày thứ hai ra nhiều, có thể lên đến 1000g. Các ngày sau sản dịch ít dần, sau 2 tuần sản dịch sẽ hết hẳn. Trên lâm sàng, 3 tuần sau đẻ ở một số sản phụ có thể ra một ít máu, đó là hiện tượng kinh non do niêm mạc tử cung phục hồi sớm.
Tuy nhiên mẹ cần chú ý, nếu sau 2 tuần vẫn còn tình trạng ra máu nhiều,kéo dài ngày và kèm mùi hôi,cơ thể sốt 38 – 39 độ, bụng dưới căng tức, đau tràn thì mẹ cần đi khám ngay,vì rất dễ có khả năng bị bế sản dịch. Sản dịch khi ứ đọng lâu ngày trong buồng tử cung,không được can thiệp có thể dẫn đến viêm nhiễm,những viêm nhiễm này có khả năng lan sâu gây nên nhiễm trùng tử cung toàn bộ,viêm phúc mạc ,nhiễm trùng huyết….
Sản dịch thường mùi tanh nồng, bên trong sản dịch không bao giờ có mủ,không lẫn các chất tiết màu sắc khác thường.Do đó, nếu như âm đạo, âm hộ bị viêm nhiễm, sản dịch mất tính chất vô khuẩn và có thể lẫn các vi khuẩn gây bệnh,gây nên mùi hôi và màu sắc bất thường.
Do vậy, sau khi sinh, mẹ cần chú ý tốt tới chế độ vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh vùng kín , ăn uống đầy đủ chất,tập thể dục,đi lại nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể lực mạnh hay những chấn động tâm lí. Mẹ cũng cần theo dõi các dấu hiệu của sản dịch như màu sắc, số lượng ra dịch, số ngày ra dịch để phát hiện những bất thường,đi khám và điều trị kịp thời.
Sự tiết sữa thời kì hậu sản.
Mẹ đẻ mổ sẽ tiết sữa muộn hơn so với mẹ lựa chọn đẻ thường. Người sinh con rạ sẽ tiết sữa sớm hơn so với người con so (Sau đẻ 2-3 ngày đối với con rạ, 3-4 ngày đối với con so).
Khi xuống sữa, sản phụ có thể khó chịu, sốt nhẹ , mạch hơi nhanh, dưới tác dụng của Prolactin, hai vú căng tức, rắn chắc,và tiết sữa.
Sữa non được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ, có màu vàng chanh, chứa nhiều muối khoáng và Protein (globulin và kháng thể), ít đường và mỡ. Sữa non phù hợp với trẻ sơ sinh trong những ngày đầu. Về sau sữa tiết ra sẽ đặc hơn, ngọt hơn, đó là sữa mẹ bình thường.
Nếu mẹ có các dấu hiệu như vú sưng,nóng,đỏ,đau, cơ thể sốt cao,kéo dài, sữa bị ứ đọng không ra ngoài được thì cần chú ý vì có thể là tình trạng viêm tắc ống dẫn sữa, viêm vú,áp xe vú… Bên cạnh đó, nếu phát hiện sữa có mùi khó chịu, sữa màu sắc lạ,bất thường,mẹ cũng cần phải đi thăm khám. Việc sữa mẹ có vấn đề rất dễ khiến trẻ bỏ bú, dẫn đến suy dinh dưỡng,chậm tăng cân hay chậm phát triển trí não,thể chất. Do đó, mẹ không nên chủ quan,cần tiến hành kiểm tra càng sớm càng tốt.
Mẹ trước và sau khi cho con bú cũng nên vệ sinh sạch sẽ đầu vú bằng nước ấm, con bú không hết,cần vắt bỏ hết bầu sữa,tránh sữa ứ đọng gây nên viêm tắc cho mẹ.
Chúc các mẹ luôn khỏe mạnh.