Đại cương
Comedogenesis (sự bít tắt lỗ chân lông) và acnegenesis (sự hình thành mụn) là những quá trình riêng biệt, tuy nhiên chúng thường có mối liên hệ với nhau và xảy ra theo thứ tự tương ứng. Đặc trưng cho sự hình thành mụn là hiện tượng viêm biểu mô nang lông gây nên các nốt mụn mủ (pustule) và mụn sần (papule). Comedogenenis được mô tả là một phản ứng nang lông không viêm biểu hiện bằng sự tăng sừng hóa dày đặc của nang lông và thường xảy ra trước khi hình thành mụn. Vì nguyên nhân dẫn đến các tổn thương này rất đa dạng và khác nhau ở từng cá thể, việc phân loại nguyên nhân gây mụn cụ thể tương đối khó khăn. Dù vậy, ba yếu tố chính đã được xác định. Các yếu tố nguy cơ chính trong sự hình thành mụn hoạt động một cách độc lập và thông qua trung gian các ảnh hưởng quan trọng như di truyền và hoạt động nội tiết tố.
Nang lông là vị trí hình thành mụn
Hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn
Bã nhờn được tổng hợp một cách liên tục bởi các tuyến bã nhờn và đươc đưa lên bề mặt da thông qua các lỗ chân lông. Sự tiết lipid của các tuyến này được kiểm soát thông qua các nội tiết tố. Tuyến bã nhờn tồn tại ở khắp các vùng cơ thể, tuy nhiên mật độ cao nhất và kích thước lớn nhất là ở các vùng mặt, lưng, ngực và vai. Các tuyến này hoạt động mạnh hơn trong giai đoạn dậy thì vì sự gia tăng hàm lượng các androgen, đặc biệt là testosterone. Sự mất cân bằng giữa hoạt động sản xuất bã nhờn và khả năng bài tiết sẽ dẫn đến tắt nghẽn bã nhờn trong nang lông và theo sau đó là quá trình viêm.
Các hormone tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến bã nhờn cho đến giai đoạn trưởng thành. Ở nam giới, sự tiết lipid được điều hòa bởi hoạt động của testosterone. Ở nữ giới, sự gia tăng nhanh chóng hormone LH sau khi rụng trứng thúc đẩy hoạt động của tuyến bã nhờn. Việc này sau đó sẽ kích thích hoặc làm trầm trọng hơn sự bùng phát của mụn thường từ 2 – 7 ngày trước kinh nguyệt. Phụ nữ ở trạng thái androgen quá mức (chẳng hạn như trong trường hợp bệnh lý buồng trứng đa nang) cũng thường gặp phải tình trạng mụn.
Ý kiến cho rằng bã nhờn đóng một vai trò then chốt trong sự hình thành mụn được củng cố bởi một vài thực tế bao gồm khả năng gây bít tắt của nó, các dữ liệu cho thấy bã nhờn gây nên tình trạng viêm sau khi được tiêm vào da cũng như mức độ sản xuất bã nhờn cao ở những trường hợp mụn nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo rằng những bệnh nhân mụn có các tuyến bã nhờn lớn hơn so với mức trung bình trong dân số nói chung. Hơn nữa, các loại thuốc ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn (chẳng hạn như kháng androgen, estrogen, retinoid đường uống) là các lựa chọn điều trị không thể thiếu trong việc kiểm soát mụn hiệu quả.
Tài liệu cho thấy không có sự khác biệt rõ rệt về thành phần của bã nhờn ở những bệnh nhân mụn khi so với nhóm chứng cùng độ tuổi. Dù vậy, Strauss và Thiboutot đã ghi nhận rằng có một mối tương quan nghịch giữa sự tiết bã nhờn và nồng độ acid linoleic trong bã nhờn của những bệnh nhân mụn. Hoạt động tiết bã nhờn càng mạnh thì nồng độ acid linoleic càng thấp. Downing và cộng sự cho rằng các nồng độ thấp hơn của acid linoleic (tương ứng với tỷ lệ tiết bã nhờn cao ở những bệnh nhân mụn) dẫn đến sự thiếu cục bộ các acid béo thiết yếu của biểu mô nang lông. Sự thiếu hụt này sau đó sẽ góp phần làm suy giảm chức năng hàng ràng biểu bì cũng như đẩy mạnh sự cường sừng hóa nang lông, từ đó làm trầm trọng hơn tình trạng mụn.
Các biến đổi trong quá trình sừng hóa nang lông
Ở phần dưới của nang lông (follicular infundibulum), quá trình sừng hóa bình thường diễn ra tương tự như ở bề mặt da. Sự sừng hóa của các tế bào keratinocyte cũng như sự bong tróc vào nang lông đánh dấu bước khởi đầu của quá trình hình thành mụn. Ở các bệnh nhân mụn, các tế bào sừng có xu hướng dính vào nhau do các điện tích trái dấu, hoạt động của transglutaminase và tính bám dính của bã nhờn. Các mảng sừng này gây bít tắt lỗ chân lông, tạo thành mụn đầu đen nếu lỗ chân lông mở hoặc mụn đầu trắng nếu lỗ chân lông đóng (hình 2). Lỗ chân lông bít tắt là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dành cho vi khuẩn, vì vậy khuẩn Propionibacterium acnes đổ dồn về vùng này. Hệ thống miễn dịch nhận ra sự hiện diện của vi khuẩn, từ đó tạo đáp ứng miễn dịch dẫn đến tình trạng viêm và các “vết mụn” điển hình. Dù vậy, hầu hết các quá trình viêm đều có khả năng là do các chất trung gian gây viêm được phóng thích khi vi khuẩn tiêu hóa bã nhờn.
Mụn đầu đen và mụn đầu trắng
Ảnh hưởng của vi khuẩn
P. acnes được xem là nguyên nhân gây mụn vì nó thường hiện hiện ở những thanh thiếu niên gặp phải tình trạng mụn và không xuất hiện ở những trường hợp bình thường. Tuy nhiên, P. acnes vẫn thường được tìm thấy trong hệ vi sinh vật vùng mặt ở người trưởng thành dù có hay không có mụn. Vì vậy, vai trò chính xác của vi khuẩn vẫn chưa rõ ràng. Sự tích tụ bã nhờn do hoạt động tiết lipid quá mức và tình trạng cường sừng hóa ở phễu nang lông được biết dẫn đến sự gia tăng lượng vi khuẩn P. acnes ở xung quanh nang lông. Sự hiện diện của vi khuẩn có vẻ không phải là một nguyên nhân trực tiếp gây bùng phát mụn. Khả năng cao hơn là sự viêm trong tình trạng mụn được gây ra bởi các acid béo tự do vốn là kết quả từ sự phân hủy các triglyceride trong bã nhờn do các lipase của vi khuẩn. Các enzyme ngoại bào, các protease và hyaluronidase cũng có thể đóng một vai trò nhất định trong quá trình viêm.
Vai trò của các Toll-like receptor (TLR) là một chủ đề luôn được quan tâm liên quan đến sinh bệnh học của mụn. Theo Heymann, các protein xuyên màng này khi được kích hoạt bởi các ligand sẽ điều hòa sự biểu lộ của nhiều gen đáp ứng miễn dịch. Một số bằng chứng cho thấy rằng thông qua một vài sản phẩm bài tiết gây viêm, P.acnes có thể gây biểu lộ các TLR, từ đó gây nên tình trạng viêm