SARS-CoV-2 không phân biệt giới tính, tuổi tác và ngay cả bà bầu do sức đề kháng có thể suy giảm tạm thời càng có nguy cơ nhiễm virus.
Thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 có lây sang con không?
Ngoài trẻ em, người già, người mắc nhiều bệnh mạn tính, bệnh nền thì bà bầu cũng là đối tượng dễ tổn thương khi phải đối mặt với COVID – 19. Theo các chuyên gia y tế, không chỉ SARS-CoV-2 mà hầu hết các loại virus gây bệnh cho người đều có khả năng đi qua hàng rào rau thai để truyền từ mẹ sang con, chẳng hạn như virus cúm, virus Rubella,… Vậy SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai có lây sang thai nhi hay không? Về vấn đề này, cho đến hiện nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể. Tuy vậy, khi mang thai, do sức đề kháng suy yếu tạm thời, người mẹ phải đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng và khi mắc bệnh có thể dễ bị nặng hơn, khó điều trị hơn so với người bình thường khác, lý do là một số loại thuốc đặc trị lại chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Vì thế các bà bầu hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ mình và thai nhi với các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là COVID-19.
Bà bầu nên làm gì để đối phó với Covid-19?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian ủ bệnh COVID-19 từ 2-14 ngày. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng: sốt, ho, mệt mỏi, khạc đờm, khó thở, tức ngực, đau đầu và đau họng. Bà bầu nếu mắc COVID-19 cũng không nằm ngoài các triệu chứng điển hình này.
Vì vậy, để phòng bệnh, việc đầu tiên các bà bầu nên làm trong giai đoạn này chính là không nên lo lắng thái quá, giữ tinh thần lạc quan, tươi vui, thoải mái, tuy vậy, không được chủ quan. Thường xuyên tham khảo các thông tin của Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng dịch qua các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, báo giấy, báo mạng…).
Cũng giống như toàn dân, các bà bầu cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng nhiều lần trong ngày với nước sạch; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà (khẩu trang phải che kín miệng, mũi, không đeo nhiều khẩu trang cùng một lúc). Hạn chế tối đa đến khu vực đông người nếu không thật sự cần thiết (chợ, siêu thị, nhà hàng, bến xe, bến tàu, nhà ga…), nếu cần ra khỏi nhà, phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người xung quanh, không cười đùa, trò chuyện, không khạc nhổ bừa bãi ở nơi đông người.
Mỗi lần đi khám thai theo lịch hẹn, cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, không đi lại, giao lưu với nhiều người, đeo khẩu trang, nếu có dung dịch sát khuẩn tay nên thực hiện theo hướng dẫn. Cần tránh xa (hoặc không tiếp xúc) với những người có triệu chứng cảm cúm; nếu không thể không tiếp xúc, cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch sau khi tiếp xúc. Luôn giữ ấm cổ họng, giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống…
Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng, phụ nữ mang thai nên có chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống đủ bữa, tránh thức khuya. Cần bổ sung đầy đủ các loại vitamin trong chế độ ăn và cần uống thêm các viên uống bổ sung theo đơn của bác sĩ. Cần vận động, tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp giúp tăng cường sức khỏe. Có thể đến nơi thoáng mát và có nhiều ánh nắng mặt trời rất tốt cho sức khỏe bà bầu và giúp phòng tránh dịch bệnh tốt hơn.