Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và vi khuẩn Hib đều là những căn bệnh nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao, đồng thời biến chứng để lại cũng rất nặng nề. Cách duy nhất để bảo vệ bé cưng khỏi những căn bệnh này là tiêm phòng. Chỉ với 1 mũi vắc-xin 5 trong 1, mẹ có thể bảo vệ bé cưng an toàn khỏi 5 trong số 6 căn bệnh nguy hiểm trên.
1. So sánh 2 loại vắc-xin 5 trong 1
Vắc-xin 5 trong 1 ở Việt Nam hiện nay có 2 loại: Vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim. Không chỉ khác nhau về tên gọi, 2 loại vắc-xin 5 trong 1 này cũng khác biệt về giá cũng như mục đích phòng bệnh.
– Tác dụng phòng bệnh
Vắc-xin Quinvaxem cho bé có tác dụng ngăn ngừa 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, vi khuẩn Hib. Những bé tiêm phòng Quinvaxem sẽ được uống thêm vắc-xin ngừa bại liệt.
Vắc-xin Pentaxim, bé cưng sẽ được bảo vệ khỏi 5 căn bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, nhiễm trùng hô hấp và vi khuẩn Hib. Không có tác dụng phòng viêm gan B nên những bé tiêm Pentaxim sẽ phải tiêm thêm vắc-xin ngừa viêm gan B.
– Thành phần vắc-xin
Cùng có tác dụng phòng ngừa ho gà, nhưng vắc-xin Quinvaxem sử dụng kháng nguyên là những tế bào vi khuẩn ho gà đã bất hoạt nên sẽ kích thích hệ miễn dịch tốt hơn. Còn vắc-xin Pentaxim chỉ có 2 kháng nguyên đặc trưng của vi khuẩn ho gà.
– Mức độ an toàn
Quinvaxem nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí dành cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng 3 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Pentaxim là vắc-xin tiêm dịch vụ.
Pentaxim cũng theo lịch tiêm chủng 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng trước khi bé được 1 tuổi. Mũi chích thứ 4 nên chích sau khi bé được 1 tuổi, vào khoảng 13 tháng, trễ nhất là khi trẻ 24 tháng.
2. Tiêm phòng lẫn lộn 2 loại vắc-xin có gây nguy hiểm?
Nghiên cứu công bố năm 2005 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh CDC (Mỹ) cho thấy, việc tiêm lẫn lộn 2 loại vắc-xin có thành phần tế bào vi khuẩn ho gà toàn phần và ho gà vô bào không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ngược lại còn bảo vệ bé khỏi bệnh ho gà tốt hơn. Đặc biệt, so với những trường hợp tiêm lẫn lộn khác, những trường hợp tiêm phòng cho bé 3 mũi toàn bào và 1 mũi vô bào có tác dụng hiệu quả hơn hẳn.
3. Trẻ tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 bị sốt có nguy hiểm?
Không chỉ vắc-xin 5 trong 1, tất cả các loại vắc-xin hiện nay đều hoạt động theo phương pháp: Đưa kháng nguyên vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch hoạt động tạo ra kháng thể chống lại các bệnh do những vi khuẩn đó gây nên.
Quá trình tạo thành kháng thể có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn. Chẳng hạn: Đau, sưng tấy tại vị trí tiêm phòng, sốt… Trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ có thể bị sốc phản vệ sau khi tiêm phòng: phát ban, nổi mẫn ngứa… Chính vì vậy, mẹ không cần quá lo khi trẻ bị sốt sau tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1. Khoảng 10% trẻ sau tiêm phòng đều gặp phải tình trạng này.
Lưu ý dành cho mẹ: Có thành phần toàn tế bào nên những bé tiêm phòng Quinvaxem sẽ có khả năng gặp phải tác dụng phụ như sốt, đau, sưng tấy… cao hơn so với các bé tiêm dịch vụ vắc-xin Pentaxim. Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch của Quinvaxem cao hơn so với vắc-xin có thành phần vô bào.