Viêm mô tế bào là tình trạng viêm khu trú hoặc lan tỏa do nhiễm khuẩn cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính tổ chức liên kết của da. Nếu không điều trị tích cực thì bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng da và mô mềm dưới da do vi khuẩn. Viêm mô tế bào có biểu hiện đặc trưng là một vùng da bị viêm quầng (erysipelas) trở nên sưng, nóng, đỏ và đau, giới hạn không rõ, có tính chất lan tỏa.
Nguyên nhân gây bệnh thường do liên cầu nhóm A. Tụ cầu vàng có thể gây viêm mô bào đơn thuần hay kết hợp với liên cầu. Một số vi khuẩn khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh như S. pneumoniae, H. influenzae. Những vi khuẩn này thường xâm nhập qua da vào máu qua các tổn thương trên da như vết cắt, vết côn trùng cắn, hay vết phẫu thuật.
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh viêm da này như:
– Suy giảm miễn dịch do corticoid, bệnh tự miễn
– Mắc một số bệnh về da gây rách và tổn thương da như eczema, côn trùng cắn và nấm bàn chân
– Sử dụng một số thuốc tiêm tĩnh mạch
– Mắc bệnh đái tháo đường, béo phì
– Mang thai
– Suy tĩnh mạch mạn tính
– Đã có tiền sử mắc chứng viêm mô tế bào
2. Triệu chứng bệnh
– Vị trí hay gặp: Viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân.
– Các triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện đột ngột:
+ Một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau, giới hạn không rõ có tính chất lan tỏa. Giữa tổn thương có thể có bọng nước, xuất huyết, rộp da.
+ Triệu chứng toàn thân: sốt, mệt mỏi, nổi hạch tại gần nơi tổn thương.
+ Trường hợp nặng có thể có hoại tử, áp xe dưới da, viêm cơ, cân cơ, nhiễm khuẩn huyết nhất là ở những người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tiểu đường hoặc trẻ em.
3. Biến chứng bệnh viêm mô tế bào
Đôi khi, viêm mô tế bào có thể lây lan toàn cơ thể, xâm nhập vào các hạch bạch huyết và máu. Trong một số ít trường hợp, nó có thể đi vào các mô sâu hơn. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Nhiễm khuẩn huyết
- Nhiễm trùng tại xương
- Viêm mạch bạch huyết
- Hoại tử mô
3. Điều trị viêm mô tế bào
– Cần chỉ định kháng sinh sớm đối với bệnh da liễu này, đúng và đủ liều. Loại kháng sinh, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng tùy vào loại vi khuẩn và mức độ bệnh
+ Kháng sinh đường uống có thể dùng đối với những trường hợp nhẹ.
+ Kháng sinh bằng đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch đối với các trường hợp nặng nhất là nghi ngờ có nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp, viêm cân cơ.
– Có thể dùng giảm đau chống viêm như paracetamol, chống viêm không steroid, corticoid
– Trường hợp có viêm tắc tĩnh mạch, cần kết hợp với thuốc chống đông.
– Cần tích cực nâng cao thể trạng, cân bằng nước, điện giải…
4. Phòng bệnh viêm mô tế bào
– Khi da có vết thương hở cần: làm sạch vết thương, bôi thuốc mỡ chứa kháng sinh đều đặn và theo dõi
– Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mô tế bào nên lưu ý:
+ Giữ ẩm cho da để phòng ngừa nứt nẻ
+ Điều trị khỏi dứt điểm những nhiễm trùng nông trên da như bệnh nấm da chân
+ Đeo các thiết bị bảo vệ khi làm việc và chơi thể thao
+ Kiểm tra chân tay hàng ngày để phát hiện sớm những chấn thương và nhiễm trùng
Nếu không được điều trị, bệnh da liễu này sẽ lây lan sang các vùng khác của cơ thể và gây nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, hãy đi khám ngay trong trường hợp bạn xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm mô tế bào.
Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.