Khi có kinh nguyệt, lượng máu ra tồn đọng thấm hút trên băng vệ sinh là môi trường rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập, đông thời cổ tử cung cũng hé mở dễ khiến các tác nhân vào sâu bên trong gây bệnh. Do đó, việc vệ sinh trong những ngày ra kinh rất quan trọng.
Khi có kinh nguyệt cần vệ sinh đúng cách:
-Lựa chọn đồ dùng thấm hút phù hợp
Trong chu kì kinh nguyệt, những ngày đầu và ngày cuối chu kì,lượng máu kinh sẽ ra ít hơn so với những ngày giữa chu kì. Do đó,các chị em có thể tự lựa chọn các loại băng vệ sinh phù hợp theo từng ngày ra kinh, những ngày đầu hoặc cuối chu kì có thể lựa chọn loại băng hằng ngày. Khi đi ngủ vào ban đêm, tư thế nằm có thể khiến máu kinh rơi rớt ra ngoài,do đó chị em nên dùng băng vệ sinh chuyên dụng vào ban đêm, giúp thấm hút và chống tràn hiệu quả.
Bên cạnh đó, có rất nhiều hãng sản xuất băng vệ sinh, nhưng tùy cơ thể mỗi người lại phù hợp với một hãng sản xuất, do đó nếu sử dụng thấy hăm da, ngứa ngáy hoặc khó chịu cần tiến hành đổi sang một loại của hãng sản xuất khác. Hạn chế dùng loại bằng vệ sinh có mùi hương,do mùi hương ở băng vệ sinh chủ yếu từ hóa chất,dễ gây dị ứng.
Ngoài ra, có thể sử dụng băng vệ sinh bằng vải hoặc khăn xô mềm xếp gọn thay cho băng vệ sinh công nghiệp, tuy nhiên cần lưu ý về khả năng thấm hút. Nhiều chị em lựa chọn tampon thay cho băng vệ sinh, cũng cần chú ý vệ sinh tampon và kích thước tampon hợp lí.
-Thay băng vệ sinh định kì trong ngày.
Lượng máu kinh trong từng ngày ở mỗi người có sự khác nhau,khiến nhiều người quan niệm khi nào băng vệ sinh đầy tràn thì thay. Tuy nhiên để đảm bảo sạch sẽ, nên định kì thay băng 2-4 tiếng mỗi lần, kể cả máu kinh có ra nhiều hay ít. Do khi đóng băng vệ sinh hoặc các vật thấm hút trong khoảng thời gian lâu, mồ hôi tiết ra, độ ẩm tăng lên, kèm theo sự bí bách cũng dễ khiến vi khuẩn sinh sôi phát triển.
-Rửa bằng nước và thấm khô tại mỗi lần thay băng ít nhất 3 lần/ngày.
Rửa cả vùng âm hộ và tầng sinh môn bằng nước sạch, chị em có thể rửa bằng xà phòng,tốt nhất là bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Cần chú ý là nên rửa dưới vòi nước, hoặc rửa bằng gáo dội,không được rửa bằng cách ngâm vào chậu. Rửa âm hộ,tầng sinh môn trước khi rửa tới bẹn,đùi,và hậu môn,mông, thông thường nên rửa từ trước ra sau. Tuyệt đối không được thụt âm đạo, chỉ cần rửa ngoài là được.
Sau khi rửa sạch sẽ, cần tiến hành thấm khô bằng khăn xô mềm trước khi đóng băng vệ sinh trở lại.Việc rửa và thấm khô cũng có thể được áp dụng sau khi chị em có đi tiểu tiện hoặc đại tiện, còn nếu không có điều kiện để rửa, chị em cũng cần thấm khô sạch sẽ nước tiểu hoặc lau chùi kĩ càng để tránh tồn đọng vi khuẩn.
-Tắm rửa toàn thân hằng ngày.
Nhiều người mê tín kiêng cữ tắm rửa khi có kinh nguyệt, điều này rất sai lầm. Ngoài ra nhiều chị em cũng có thói quen ngâm mình trong bồn tắm,như vậy là không tốt,vì dễ gây nhiễm khuẩn ngược dòng. Việc tắm rửa toàn thân trong ngày có kinh cần tiến hành như những ngày bình thường , tắm dưới vòi,hoặc dội nước. Ngoài ra việc tắm bằng nước ấm có thể giúp cho chị em giảm đau hoặc giảm các dấu hiệu mỏi mệt, chuột rút trong ngày kinh nguyệt.
-Mặc quần áo khô thoáng,giặt là thường xuyên.
Nhiều người trong ngày ra kinh, nghĩ rằng chỉ cần thay băng là đủ, còn quần lót có thể mặc lại, thậm chí nhiều chị em còn mặc quần lót ẩm ướt,không được phơi khô cẩn thận.
Đây đều là những việc cần tuyệt đối tránh, vì việc mặc lại quần áo như vậy, dù không tiếp xúc trực tiếp với âm hộ, nhưng cũng dễ khiến cho vi khuẩn ứ đọng tại các vùng da lân cận, gây ngứa ngáy,khó chịu. Do đó, kể cả trong ngày ra kinh,cũng cần thay đồ lót ít nhất 1 lần/ngày, đồ lốt cần được giặt giũ sạch sẽ, phơi khô cẩn thận trước khi mặc vào người.Đặc biệt, với những người có thói quen dùng khăn xô để thấm hút dịch kinh lại càng cần chú ý.Chị em cũng nên sử dụng các loại đồ lót bằng chất liệu cotton giúp thấm hút mồ hôi tốt.
Ngoài ra, khi có kinh nguyệt, chị em phụ nữ cũng cần kiêng quan hệ tình dục,tránh lao động nặng ,không sử dụng các đồ nóng,chứa chất kích thích,cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ,vận động nhẹ nhàng.
Việc ra kinh nguyệt gây nên rất nhiều mệt mỏi,phiền toái cho chị em,tuy nhiên nếu biết cách chăm sóc cơ thể thì vẫn có thể thoải mái ,khỏe mạnh tham gia mọi hoạt động xung quanh,cũng như phòng tránh tối đa mọi viêm nhiễm,các bệnh lí phụ khoa.