Trang chủBệnh truyền nhiễmViêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em các nước châu Á. Tại sao gọi là viêm não “Nhật Bản”? Bởi vì chính tại nước Nhật người ta đã phát hiện ra trường hợp viêm não đầu tiên do tác nhân này vào năm 1935. Theo thời gian, bệnh phát triển, lưu hành và gây dịch ở các đảo Tây Thái Bình Dương, các nước ở phía Bắc và Đông Nam châu Á… trong đó có Việt Nam

1. Viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là bệnh do một loại vi rút thuộc họ Togaviridae ở trong nhóm B của các Flavivirus gây ra. Vi rút viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể con người qua vết đốt của muỗi truyền bệnh.

2. Trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Vi rút viêm não Nhật Bản được nhân lên trong một chu kì giữa muỗi và vật chủ khuếch đại, chủ yếu là lợn (heo) và chim cao cẳng. Số lượng vi rút phát triển tăng lên đủ số lượng cần thiết trong vật chủ. Tiếp theo sẽ truyền từ vật chủ này sang vật chủ kia qua trung gian muỗi đốt.

Người là vật chủ ngẫu nhiên, và vi rút này sẽ không phát triển đến các giai đoạn mong muốn. Do đó, muỗi không truyền vi rút trực tiếp từ người này sang người khác.

Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Có hơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh vi rút viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex tritaeniorhynchus. C. tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Đây là muỗi cắn vào buổi tối và ban đêm.

Nguy cơ nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản thì cao nhất ở các vùng nông thôn, nông nghiệp. Một số trường hợp viêm não Nhật Bản đôi khi được báo cáo từ các khu vực thành thị.

3.Điều trị viêm não Nhật Bản

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản và hiện nay chỉ điều trị hỗ trợ. Chính vì vậy khi bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản thì tỉ lệ tử vong cao và di chứng về thần kinh sau này.

4. Tiên lượng bệnh viêm não Nhật Bản

Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân thể viêm não nhập viện là khoảng 20 – 30%, thường xảy ra sau một thời gian hôn mê kéo dài. Trong số những người sống sót, di chứng thần kinh xảy ra trong ít nhất 30 – 50%.

Các di chứng phổ biến nhất bao gồm:

– Các vấn đề tâm thần và co giật tái phát.

– Suy giảm nghiêm trọng về nhận thức hoặc ngôn ngữ.

– Khó khăn trong vấn đề học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội, trở lại với cuộc sống trước khi mắc bệnh.

5.  Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Virus lây qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Vì vậy, để phòng bệnh, mọi người cần:

– Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín.

– Nên ngủ màn cả ban ngày và ban đêm đề phòng muỗi đốt.

– Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

– Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Các biện pháp bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa muỗi đốt rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Việc tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt nhất.

Theo thống kê và nghiên cứu, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao nhất. Để phòng ngừa một cách tốt nhất, trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại theo định kỳ 3 năm/lần cho đến khi đủ 15 tuổi. 

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nặng, nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa chủ động được bằng cách tiêm vắc-xin. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT