Huyết áp là số đo sức co bóp của tim đẩy máu đi trong động mạch để nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Đối với người bình thường, chỉ số huyết áp lý tưởng là 80/120mHg. Khi thấp hơn hoặc cao hơn con số này nghĩa là bạn đang có vấn đề về huyết áp, có thể huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Đặc biệt với phụ nữ mang thai thì huyết áp cao hay thấp đều có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Sự thay đổi huyết áp khi mang thai
Ở tháng thứ 6 thai kỳ, cơ thể sẽ sản xuất thêm hơn 1 lít máu, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để vận chuyển lượng máu lớn hơn đi khắp cơ thể. Tất cả những sự “thêm” này chính là nguyên nhân khiến thai phụ cảm thấy nóng bức hơn bình thường. Lượng máu tăng thêm được dùng để vận chuyển dưỡng chất và ôxy cho thai nhi cũng như lọc thải các chất mà thai nhi sản sinh ra.
Hormone thai nghén progesterone sẽ làm giãn thành mạch máu và đó là lý do tại sao huyết áp thường giảm trong giai đoạn giữa thai kỳ.
Huyết áp thấp có thể khiến một số chị em bị ngất nếu đứng quá lâu hay ngồi dậy quá nhanh. Huyết áp sẽ trở lại bình thường trong vài tuầnsau đó.
Huyết áp thấp ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thai phụ?
Huyết áp thấp làm cho cơ thể thai phụ mệt mỏi, chán ăn, mất nước… ảnh hưởng tới việc cung cấp dưỡng chất, dẫn tới tình trạng thai nhi bị thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển. Huyết áp thấp gây nguy cơ bị mất nước. Nếu lượng nước trong cơ thể mẹ không được bổ sung kịp thời, nó sẽ làm nghẽn sự vận chuyển máu vào bào thai. Thời tiết nóng bức sẽ làm tăng nguy cơ hạ huyết áp và bị mất nước cho thai phụ. Ngoài ra, nếu phải đứng lâu, thai phụ cũng dễ bị chóng mặt do tụt huyết áp.
Trong thời gian mang thai, máu có xu hướng dồn xuống phía chân, ít lưu thông lên não. Nếu đột ngột nằm xuống hay đứng dậy, thai phụ sẽ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Huyết áp thấp còn liên quan đến những trục trặc ở thị giác như nhìn mờ.
Bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Đối với người bình thường, tăng huyết áp là nguyên nhân của nhiều bệnh như: đái tháo đường, bệnh thận và các chứng tim mạch… Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn bởi vì khi xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp sẽ kèm theo các biến chứng như phù thũng, đẻ non…
Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai: Tuổi của người phụ nữ mang thai quá cao (trên 35 tuổi); chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt, kèm theo đó là chứng thiếu máu trầm trọng; chửa sinh đôi; thai phụ có nước ối quá nhiều; thời tiết thay đổi đột ngột,… Các biểu hiện của chứng tăng huyết áp: Muốn biết chính xác số đo huyết áp phải sử dụng máy đo huyết áp, tuy nhiên thai phụ có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng.
Khi xuất hiện triệu chứng trên thì phải nghĩ ngay đến tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Bệnh này thường xảy ra sau tuần mang thai thứ 24.
Ảnh hưởng của chứng tăng huyết áp
Đối với thai phụ: tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai còn dẫn đến bệnh tim, suy tim, cản trở chức năng cầm máu, chức năng của thận cũng bị suy giảm dẫn đến hiện tượng chảy máu não, gan tạng bị tổn thương, tiểu cầu cạn kiệt, máu không đông… Ảnh hưởng lớn nhất là việc tác động của nó lên hệ tim mạch dẫn đến hiện tượng tiền sản giật và tăng nguy cơ tử vong.
Về phía thai nhi: tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Thai có thể bị chết lưu trong tử cung, bị ngạt thở và chết do thiếu máu cục bộ hoặc đẻ thiếu tháng…
Điều trị huyết áp khi mang thai thế nào?
Tùy tình trạng huyết áp thấp hay cao nặng hay nhẹ mà có thể cần dùng thuốc hay chỉ dùng các biện pháp khắc phục. Đối với huyết áp thấp trong thai kỳ có thể (hoặc không cần) điều trị bằng thuốc. Biện pháp khắc phục huyết áp thấp còn tùy thuộc vào nguy cơ sức khỏe của nó với thai phụ; chẳng hạn, nếu thai phụ bị mất nước thì sẽ được chỉ định bổ sung nước (bằng đường uống hoặc truyền).
Trường hợp tăng huyết áp cần được kiểm soát huyết áp tốt và được theo dõi chặt chẽ, vì thế khi phụ nữ mang thai cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị để loại trừ những nguyên nhân gây bệnh. Điều cần chú ý là một số thuốc điều trị huyết áp có thể không được sử dụng khi mang bầu nên lựa chọn phù hợp vì vậy chỉ dùng thuốc hạ huyết áp theo đơn của bác sĩ.
Ngăn ngừa cách nào?
Khám thai thường xuyên và ăn uống điều độ kết hợp vận động thể dục đều đặn (đi bộ) sẽ giúp phòng ngừa bệnh cũng như hậu quả xấu với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Với người huyết áp thấp nên nằm nghiêng về một bên thay vì nằm ngửa. Nằm nghiêng sẽ khiến dây thần kinh hông và vùng lưng dưới không bị đau. Nếu bị chóng mặt, nên nhanh chóng ngồi xuống cho đến khi ngừng cảm giác hoa mắt. Nên đứng dậy một cách từ từ; Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là nước lọc; Duy trì chế độ luyện tập hàng ngày. Các nghiên cứu chứng minh, luyện tập thường xuyên có tác dụng duy trì huyết áp ổn định.
Mọi thắc mắc về vấn đề sức khỏe bạn có thể gọi điện đến tổng đài 19006191 để được tư vấn trực tiếp.