Đối với các trường hợp có các nguyên nhân vô sinh phối hợp, hướng xử trí sẽ tùy từng trường hợp cụ thể. Đối với nhóm người bệnh mong muốn có thai, điều trị chủ yếu là gây phóng noãn sao cho càng gần với tình trạng sinh lý càng tốt, nghĩa là gây phóng đơn noãn để tránh các nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng và đa thai.
1. Gây phóng noãn không dùng thuốc bằng cách giảm cân
Chế độ ăn giảm năng lượng (giảm chất béo, tăng chất xơ) và tăng hoạt động cơ thể được khuyến cáo ở những người bệnh béo phì với hi vọng cải thiện tình trạng phóng noãn tự nhiên. Giảm cân 5 % trọng lượng cơ thể có thể có ý nghĩa lâm sàng.
2. Clomiphene citrate (CC)
Clomiphene citrate là lựa chọn đầu tay cho những phụ nữ hội chứng buồng trứng đa nang hiếm muộn, không có các yếu tố đi kèm khác như bất thường tinh trùng hay tổn thương, tắc ống dẫn trứng. Các yếu tố chính tiên lượng kết quả điều trị với CC là béo phì, cường androgen và tuổi của người phụ nữ. Đề kháng CC xảy ra trong 30% người bệnh hội chứng buồng trứng đa nang.
Thời gian điều trị nên giới hạn tới 6 chu kì gây phóng noãn, không bao giờ vượt quá 12 chu kì trong suốt cuộc đời sinh sản và cần có thời gian nghỉ giữa 3 chu kì kích thích buồng trứng liên tục. Nếu vẫn không có kết quả, nên cân nhắc sử dụng phương pháp khác gây phóng noãn như gonadotrophin hay nội soi đốt điểm buồng trứng đa nang.
3. Thuốc tăng nhạy cảm insulin – metformin
Thuốc nhạy cảm insulin – metformin được sử dụng với mục đích phục hồi phóng noãn tự nhiên do tình trạng kháng insulin được cho là có vai trò trong việc gây không phóng noãn ở những người bệnh này. Tuy nhiên các phân tích gộp, tỉ lệ phóng noãn và có thai của nhóm người bệnh sử dụng metformin không khác biệt so với nhóm dùng giả dược (Lord và cs, 2003; Tang và cs.,2010). Metformin dùng trước và trong chu kì hỗ trợ sinh sản không làm tăng tỉ lệ có thai và tỉ lệ trẻ sinh sống (Tso và cs., 2010). Kháng insulin và rối loạn dung nạp thường xảy ra ở các người bệnh béo phì. Do đó, metformin được khuyến cáo sử dụng cho các người bệnh hội chứng buồng trứng đa nang béo phì và có kết quả test dung nạp đường bất thường. Metformin có tác dụng hỗ trợ giảm cân thông qua cơ chế tăng nhạy cảm insulin và giảm cường androgen.
4. Chất ức chế men thơm hóa:
Chất ức chế men thơm hóa, chủ yếu là Letrozole, chưa được công nhận là một loại thuốc sử dụng cho kích thích rụng trứng và cho những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Do đó loại thuốc này không nên được sử dụng như lựa chọn đầu tay cho những người bệnh vô sinh có hội chứng buồng trứng đa nang. Sự an toàn của thuốc chưa được chứng minh
5. Gây phóng noãn bằng gonadotrophin
Gây phóng noãn với gonadotrophin được xem là lựa chọn thứ hai sau CC ở những người bệnh thất bại với CC.
Phác đồ gây phóng noãn sử dụng gonadotrophin: Phác đồ tăng liều dần (Step-up protocol): Nguyên lý của phác đồ này là sử dụng liều đầu FSH rất thấp, sau đó tăng dần để đạt được nồng độ ngưỡng FSH vừa đủ gây sự phát triển đơn noãn.
6. Nội soi đốt điểm buồng trứng đa nang
Nội soi đốt điểm buồng trứng đa nang cũng là chọn lựa hàng thứ hai cho những người bệnh kháng CC. Các kĩ thuật mổ nội soi khác như xẻ dọc buồng trứng hay cắt góc buồng trứng không được khuyến cáo sử dụng cho người mắc hội chứng buồng trứng đa nang do nguy cơ suy buồng trứng và dính sau mổ cao. Do đó, chỉ có một chỉ định chính của đốt điểm buồng trứng đa nang là những người bệnh vô sinh kháng CC.
Đốt điểm buồng trứng đa nang không được chỉ định cho các người bệnh không đáp ứng hay đáp ứng quá nhiều với gonadotrophin. Ngoài ra đốt điểm buồng trứng đa nang cũng không được chỉ định cho các nguyên nhân ngoài vô sinh ví dụ như để điều trị rối loạn kinh nguyệt hay cường androgen vì hiệu quả chưa rõ ràng và các nguy cơ của phẫu thuật này như dính hay suy buồng trứng sau mổ.
Thời gian theo dõi đáp ứng của buồng trứng đa nang sau mổ nội soi đốt điểm buồng trứng là 3-6 tháng. Không có bằng chứng để khuyến cáo lặp lại đốt điểm buồng trứng đa nang, nếu thực hiện lần đầu không hiệu quả. Hiệu quả và biến chứng của đốt điểm buồng trứng đa nang phụ thuộc rất nhiều vào kĩ năng của phẫu thuật viên.
7. Thụ tinh trong ống nghiệm (In-Vitro Fertilization-IVF) và trưởng thành trứng trong ống nghiệm (In-Vitro Maturation of Oocytea-IVM)
– Thụ tinh trong ống nghiệm là lựa chọn hàng thứ ba sau khi thất bại với CC, gonadotrophin hay đốt điểm buồng trứng đa nang. Biến chứng quan trọng nhất của thụ tinh trong ống nghiệm ở người mắc hội chứng buồng trứng đa nang là hội chứng quá kích buồng trứng.
– Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) là kĩ thuật chọc hút lấy noãn non từ buồng trứng không kích thích buồng trứng, nuôi cấy bên ngoài cơ thể tạo noãn trưởng thành, sau đó cho thụ tinh với tinh trùng tạo phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung. Kĩ thuật này tránh được bất lợi của kích thích buồng trứng trong thụ tinh trong ống nghiệm ở người bị hội chứng buồng trứng đa nang và loại trừ nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng.
Mọi thắc mắc về vấn đề sức khỏe bạn có thể gọi điện trực tiếp đến tổng đài 19006191 để được tư vấn.