Đọc thêm: 10 Thực phẩm bà bầu nhất định không được ăn
Tác dụng của canxi đối với mẹ bầu và thai nhi
Canxi là một trong số những khoáng chất đóng vai trò quan trọng nhất đối với cơ thể, nhất là phụ nữ mang bầu. Canxi là thành phần chính cấu thành nên xương và hàm răng (99% canxi tập trung ở xương và răng).
Canxi có tác dụng làm đông máu, ngăn ngừa băng huyết khi mạch máu bị tổn thương, giúp hấp thụ vitamin B12 trong ruột, sản xuất một số kích thích tố như insulin.
Canxi giúp thai nhi phát triển hệ tim mạch và cơ quan thần kinh. Canxi điều hòa sự co bóp của bắp thịt (đặc biệt là tế bào tim), tác động lên cấu trúc của tế bào cơ, hỗ trợ sự phân phát, thu nhận và dẫn truyền tín hiệu thần kinh, giúp duy trì huyết áp và nhịp tim đập bình thường.
Thiếu canxi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ bầu: Mẹ thường đau nhức cơ bắp, tê chân, ra mồ hôi trộm, khó ngủ, mệt mỏi trong người, xương và khớp đều gặp vấn đề, thậm chí cả răng cũng cảm thấy không khỏe.
Khi mẹ bầu bị thiếu canxi thai có thể chậm phát triển, dễ gặp phải các vấn đề về xương khớp như: xương dị hình, không phát triển đầy đủ được bộ khung xương sau sinh có thể bị lùn thấp, còi xương bẩm sinh…Ngoài ra thai nhi bị thiếu canxi khi sinh ra có thể đa bị mềm hộp sọ, có các cơn co giật do hạ canxi máu hoặc gặp chứng khò khè bẩm sinh…
Nếu thiếu canxi trầm trọng có thể bị co giật hay co rút các cơ do hạ đường huyết canxi, huyết áp thai kỳ. Thiếu canxi trường diễn là tiền đề gây loãng xương khi bước vào tuổi mãn kinh.
Bổ sung canxi đúng và đủ
Bổ sung canxi đúng
Theo khuyến cáo, mẹ bầu nên bổ sung canxi trong suốt quá trình thai nghén, hàm lượng canxi tùy theo từng giai đoạn thai kỳ. Cụ thể:
- Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu cần 800mg canxi/ngày;
- 3 tháng giữa là 1.200mg/ngày;
- 3 tháng cuối và khi nuôi con bú là 1.500mg/ngày. Mức tối đa cơ thể có thể hấp thụ được canxi mỗi lần là 500mg, do đó các mẹ nên chia nhỏ liều lượng canxi để cơ thể có thể hấp thu hết.
Bổ sung canxi đủ
Mẹ bầu không nên bổ sung thừa canxi, chỉ nên bổ sung đủ hàm lượng theo khuyến cáo.
Thừa canxi trong thai kỳ dễ khiến mẹ bị sỏi thận, táo bón, mệt mỏi, đau đầu, khát nước, rối loạn thần kinh và có thể tử vong. Với thai nhi, lượng canxi dư thừa dễ khiến trẻ bị biến dạng xương, nhất là xương quai hàm và kém phát triển…
Để biết thiếu hay thừa canxi không mẹ bầu nên đi làm xét nghiệm để được bác sĩ khám, tư vấn và biết cần bổ sung bao nhiêu canxi là đủ.
Bổ sung canxi thông qua thực phẩm và thuốc
Bổ sung canxi phải đi kèm với bổ sung vitamin D. Nếu thiếu vitamin D thì khi uống canxi vào sẽ bị thải ra theo nước tiểu.
Một vài loại thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa (sữa bò, sữa dê, sữa đậu nành, phô mai…), các loại động vật có vỏ cứng (tôm, cua, cá…), trái cây (cam, quýt, chuối…), rau xanh (cải chíp, súp lơ xanh, rau chân vịt, rau dền…), các loại hạt (hạt dẻ, óc chó, hạnh nhân…)…
Các loại thuốc bổ sung canxi hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, nếu mẹ sử dụng cần tham khảo chỉ định của bác sĩ.
Đọc thêm: 10 Thực phẩm bà bầu nhất định không được ăn
Ghi nhớ khi bổ sung canxi
Khi bổ sung canxi, nên uống vào buổi sáng là tốt nhất và uống sau bữa sáng 1 tiếng. Không nên uống vào buổi tối vì cơ thể ít vận động, có thể gây cặn thận, sỏi thận.
Nếu phải bổ sung đồng thời canxi và sắt, mẹ bầu nên uống cách xa hai loại này để chúng không kìm hãm tác dụng của nhau.
Nếu mẹ bầu bị tiểu đường, cần tránh uống các loại thuốc bổ sung canxi có chứa đường, mẹ bầu bị huyết áp cao, tiền sản giật, cần cẩn thận khi dùng thuốc bổ sung canxi có chứa muối natri.