Tình hình mưa bão mấy ngày nay rất khắc nghiệt. Ngày 17/7/2017 vừa qua tại xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường,Vĩnh Phúc) đã có một người đi xe máy không may bị sét đánh trúng. Vậy làm thế nào để phòng tránh sét cũng như cách sơ cứu nạn nhân khi bị sét đánh ,hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Để phòng tránh sét cần phải làm gì?
Để đề phòng sét đánh,mọi người cần:
-Trú mưa tại nơi an toàn :
+Khi thấy trời chuyển mưa, mọi người cần nhanh chóng trú mưa dưới mái hiên,nơi có mái che…Tuyệt đối không đứng một mình ở nơi quang đãng dưới trời mưa và tuyệt đối không tránh mưa dưới gốc cây to,nhất là những cây to đơn độc trong vùng trống trải . Cũng như không nên đứng, ngồi cạnh cột điện, hoặc đường dây tải điện.
+Nếu không tìm được chỗ trú an toàn thì phải tránh xa các vật dụng kim loại như cày bừa, cuốc xẻng, máy bơm nước, xe máy, xe đạp…Hoặc nếu nghe thấy tiếng sét,không tìm được chỗ trú và đang ở nơi quang đãng,nguy hiểm, mọi người hãy ngồi thụp xuống,cúi đầu giữa hai chân,thu mình nhỏ lại hết mức có thể , tuyệt đối không nằm thẳng dưới đất.
-Khi đã ở trong nhà:
+Cần đóng hết các cửa ra vào và cửa sổ, ngoài việc tránh mưa lạnh hắt vào nhà,còn hạn chế gió lùa mang hơi ẩm có thể kéo theo sét vào nhà.
+Mang guốc dép khô khi đi lại . Tạm ngừng xem tivi, tháo dây điện ra khỏi ổ cắm, tháo dây ăng ten ra khỏi tivi… để phòng dòng xung điện của sét có thể gây hỏng đồ vật và đe dọa tính mạng người.
+Nếu có điều kiện thì có thể xây dựng các cột thu lôi chống sét, nhưng cần bảo đảm đúng kỹ thuật.
Sơ cứu nạn nhân bị sét đánh
Sét là luồng điện cực mạnh, vì vậy ngoài các vết thương bỏng, cháy da, hệ thần kinh của nạn nhân bị sét đánh còn có thể bị tổn hại nghiêm trọng,thậm chí có thể tử vong ngay tại chỗ. Do đó, việc sơ cứu nạn nhân khi bị sét đánh rất cần thiết và cực kì nhanh chóng :
-Đưa nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để nạn nhân thở được dễ dàng.
-Khẩn trương tiến hành các biện pháp sơ cứu:
+ Hồi sức hô hấp miệng – miệng: lấy tay bịt mũi nạn nhân lại, hít một hơi thật sâu sau đó ngập kín miệng của nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.
+ Ép tim ngoài lồng ngực; xác định 1/3 dưới xương ức, đặt 2 tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút.
+ Luân phiên thổi ngạt – ép tim như vậy với tỷ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.
-Khi nạn nhân đã tỉnh lại, cần đưa ngay tới bệnh viện để tiếp tục theo dõi phòng ngừa những diễn biến xấu sau đó.
-Nếu phát hiện nạn nhận bị gãy xương, cần cố định xương chắc chắn trước khi di chuyển.Tuy nhiên nếu nạn nhân bị gãy cột sống, chỉ khi có cán bộ y tế mới được phép di chuyển.
-Những vị trí bỏng cần để khô tự nhiên và đưa đến nhân viên y tế. Không được sờ mó hoặc bôi các loại thuốc mỡ, lá cũng như tránh để các vật cứng cọ xát vào vết thương ,hạn chế nhiễm trùng cho nạn nhân.