Trong cuộc sống hàng ngày, lời chào đóng một vai trò rất quan trọng, thể hiện nét cư xử lịch sự của bản thân và tôn trọng với người đối diện. Chẳng thế mà xa xưa,cha ông ta đã nhắc nhở bảo nhau : “Lời chào cao hơn mâm cỗ”,nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của lời chào trong ứng xử, giao tiếp mỗi ngày.
Tại sao cha ông lại ví von lời chào với mâm cỗ, mà không sử dụng hình ảnh so sánh khác? Bởi lẽ trong xã hội khi xưa cho tới ngày nay, chỉ có những dịp đặc biệt và quan trọng thì chúng ta mới làm cỗ mời mọi người. Nhắc đến “mâm cỗ” cũng là nhắc đến sự quý giá, cao sang. Do đó, việc so sánh lời chào với mâm cỗ mang hàm ý : mâm cỗ đã cao sang, quý giá nhưng lời chào còn cao sang, quý giá gấp bội.
Vì vậy, khi bạn mở lời chào một ai đó, có thể chỉ là người mới gặp một hai lần, việc bạn nhớ tên và cất lời chào sẽ khiến cho họ cảm thấy bản thân được nhớ đến, và vui vẻ trong cả một ngày làm việc.Bên cạnh đó, nhân dân ta vốn dĩ luôn trọng chữ tình, nói “Lời chào cao hơn mâm cỗ” cũng nhằm hướng tới những tình cảm tốt đẹp mà chỉ cần thể hiện bằng lời nói chứ không phải là có mâm cao, cộ đầy mới vui. Chúng ta cũng nên chủ động chào hỏi trong cả các mối quan hệ dưới cấp, các mối quan hệ ít tuổi hơn mình…,không nhất thiết phải đợi họ chào mình trước.
Lời chào thân thiện được hình thành từ lối tư duy thân thiện, lối sống và nếp suy nghĩ ,nói năng được mài dũa theo năm tháng. Khi bạn không phải người khéo ăn khéo nói, nhưng bạn biết cư xử đúng mực, biết chào hỏi thì bạn vẫn có được những tình cảm tốt đẹp giữa người với người.
Ngoài việc chủ động chào hỏi người khác, thì bản thân chúng ta cũng cần biết cách đáp lại lời chào từ mọi người. Ví dụ một thầy giáo khi gặp học sinh, học sinh chào thầy : “Em chào thầy ạ!”, kèm theo hành động cúi người. Dĩ nhiên thầy giáo nên chào lại một cách đầy đủ ,có thể kèm theo một tiếng cảm ơn : “Thầy chào em, cảm ơn em,chúc em luôn mạnh giỏi!”. Như vậy vừa thể hiện sự trân trọng, vừa là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thầy giáo không nên nói những câu như : “Ừ” , “Ok e” , thậm chí là không nhìn học sinh…Điều này sẽ khiến em học sinh đó cảm thấy bất mãn, lâu dần mất đi cái nhìn tôn trọng với người thầy.
Với chúng ta trong các hoàn cảnh khác tương tự như vậy, nếu chúng ta nhận được lời chào trịnh trọng,đầy đủ thì chúng ta nên đáp lại cũng trịnh trọng và đầy đủ như vậy, thậm chí dù người đó có qua loa trong lời chào, chúng ta cũng không nên so đo, hãy cứ chào hỏi thân thiện và niềm nở.
Hãy luôn khiêm tốn nhã nhặn, yêu thương và tôn trọng những người xung quanh mình bởi vì bạn không thể biết được sự tình gì sẽ xuất hiện vào ngày mai.
Mọi vấn đề về sức khỏe, tâm lý vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.