Trước mỗi lần tiến hành phẫu thuật, bác sĩ thường cho bệnh nhân tiến hành xét nghiệm chỉ số INR, nếu trong giới hạn bình thường thì mới tiến hành thủ thuật. Vậy xét nghiệm này giúp đánh giá về vấn đề gì? Có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phẫu thuật? Hay khi nào cần quan tâm chỉ số INR? Sau đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Bác sĩ Nguyễn Hòa
Xét nghiệm INR là gì?
Xét nghiệm INR (International Normalized Ratio) là xét nghiệm máu giúp đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông, theo dõi nguy cơ chảy máu hay huyết khối khi đang sử dụng thuốc chống đông kháng Vitamin K. Nói cách khác , INR là một cách biểu thị thời gian đông máu.
Giá trị bình thường của xét nghiệm INR là bao nhiêu?
Ở người bình thường, theo giá trị quốc tế chỉ số INR nằm trong giới hạn từ 0,8 – 1,2. Khi giá trị INR nhỏ hơn 0.8 làm tăng nguy cơ huyết khối, còn INR lớn hơn 1,2 làm tăng nguy cơ chảy máu.
Các trường hợp nào cần làm xét nghiệm theo dõi chỉ số INR
- Tất cả trường hợp đang sử dụng thuốc kháng Vitamin K chống huyết khối
- Rung nhĩ trên bệnh nhân suy tim.
- Bệnh lí van hai lá
- Phẫu thuật thay van tim nhân tạo
- Bệnh nhân đang dùng thuốc kháng vitamin K cần phẫu thuật cần đánh giá INR trước đó 7- 10 ngày
- Đánh giá INR 1 ngày trước tất cả các phẫu thuật đánh giá nguy cơ chảy máu.
- Bệnh nhân có khối u cũng làm tăng nguy cơ huyết khối,vì vậy với bệnh nhân cần sử dụng chống đông trong quá trình hóa trị liệu cần theo dõi chỉ số INR.
Đọc thêm:
- Hở van 2 lá – Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- Bệnh suy tim? Dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng & phòng ngừa
Giá trị của chỉ số INR mục tiêu là bao nhiêu?
INR trong khoảng từ 2 đến 3 (mục tiêu 2,5) trong các trường hợp:
- Điều trị tiếp nối heparin trong huyết khối tĩnh mạch và tắc nghẽn tĩnh mạch phổi.
- Phòng ngừa tiên phát huyết khối tĩnh mạch (phẫu thuật khớp háng).
- Phòng ngừa tắc mạch hệ thống trong rung nhĩ hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
INR trong khoảng 3- 4,5 ( mục tiêu 3,7) trong những trường hợp:
- Bệnh lý van hai lá.
- Sau phẫu thuật thay van cơ học.
- Tắc mạch hệ thống tái phát.
- Hội chứng kháng phospholipid.
INR ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng vitamin K cần đạt từ 2- 3 nếu nhỏ hơn 2 là tăng nguy cơ huyết khối, nếu INR >5 tăng nguy cơ chảy máu.
Các nguyên nhân làm thay đổi xét nghiệm INR:
- Sử dụng rượu bia kéo dài, thuốc lá chất kích thích trước khi làm xét nghiệm
- Dùng kháng sinh, các thuốc tránh thai, thuốc hormone
- Cimetidin, barbiturate, sử dụng vitamin K
- Chế độ hoạt động thể lực quá mức
- Ăn nhiều thức ăn bông cải xanh, rau cải bina, cải xoăn.
- Không tuân thủ chế độ sử dụng thuốc.
- Tiêu chảy kéo dài.
Khi dùng thuốc chống đông cần có nhịp kiểm tra INR như sau:
- Kiểm tra lần 1: Sau khi sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K từ 36 đến 60 giờ cần làm xét nghiệm INR. Tùy thuộc vào sự nhạy cảm của mỗi bệnh nhân. Nếu kiểm tra cho kết quả INR > 2 thì phải giảm thuốc do mức độ nhạy cảm cao.
- Kiểm tra lần 2: thực hiện sau 3 đến 6 ngày sau khi kiểm tra lần đầu. Tuỳ thuộc vào kết quả lần kiểm tra đầu tiên mà thời gian kiểm tra lần 2 có thể thay đổi nhằm xác định hiệu lực chống đông của thuốc.
- Kiểm tra các lần sau: thực hiện mỗi 2 đến 4 ngày đến khi chỉ số INR được ổn định và đạt mục tiêu. Sau khi INR ổn định thì tiến hành kiểm tra hàng tuần, hoặc hai tuần một lần, tối đa là mỗi tháng một lần để đạt được chỉ số INR cân bằng.
Tham gia nhóm Hỏi Đáp Bác Sĩ để nhận được sự tư vấn miễn phí từ các Bác sĩ Chuyên Khoa tại đây, hoặc gọi điện theo Số máy 19006237 – Tổng đài tư vấn sức khỏe & tâm lý 24/7.