Tăng huyết áp là bệnh lý mang tính toàn cầu. Theo thống kê của WHO toàn thế giới có khoảng 1 tỷ người mắc tăng huyết áp và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng nhất. Vậy tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp là gì, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được vấn đề này.
Tăng huyết áp là gì?
Theo hướng dẫn điều trị tăng huyết áp của Bộ Y tế ban hành năm 2010, tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg.
Tuy nhiên, cần lưu ý ngưỡng huyết áp định nghĩa này chỉ áp dụng đối với đo huyết áp theo đúng quy trình tại bệnh viện/phòng khám. Còn nếu đo huyết áp tại nhà hay đo huyết áp lưu động, chẩn đoán tăng huyết áp sẽ sử dụng các ngưỡng huyết áp khác nhau)
Theo Hội tim mạch học Việt Nam, chẩn đoán tăng huyết áp cần xét đến:
- Trị số huyết áp;
- Đánh giá cao nguy cơ tim mạch toàn thể thông qua tìm kiếm các yếu tố nguy cơ, tổn thương cơ quan đích, bệnh lý hoặc dấu chứng lâm sàng kèm theo;
- Xác định nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp
Quá trình chẩn đoán bao gồm các bước chính như sau:
- Đo HA nhiều lần;
- Khai thác tiền sử;
- Khám thực thể/ trạng thái cơ thể
- Thực hiện các khám nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
Huyết áp lưu động cung cấp thông tin nhiều hơn huyết áp (HA) đo tại nhà hoặc phòng khám; ví dụ, HA 24 giờ gồm cả HA trung bình ban ngày (thường từ 7-22 giờ) và giá trị ban đêm và mức dao động HA.
Cách đo huyết áp:
Các bước tiến hành đo huyết áp tại phòng khám:
- Để bệnh nhân ngồi nghỉ 3-5 phút trước khi đo huyết áp.
- Đo ít nhất 2 lần ở tư thế ngồi, cách nhau 1-2 phút, và đo thêm nếu hai lần đo đầu tiên này cho các trị số huyết áp khác nhau quá nhiều. Đo cả 2 tay khác nhau. Có thể tính trung bình trị số huyết áp giữa các lần đo. Đo huyết áp nhiều lần giúp tăng độ chính xác ở các bệnh nhân có rối loạn nhịp như bị rung nhĩ.
- Nếu bệnh nhân đến khám lần đầu tiên, nên đo huyết áp sau 1 và 3 phút ở tư thế đứng ở những đối tượng lớn tuổi, đái tháo đường và những tình trạng khác có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng.
- Sử dụng băng cuốn đo huyết áp chuẩn (rộng 12-13 cm và dài 35 cm) hoặc băng cuốn đo huyết áp lớn hơn hoặc nhỏ hơn cho những người có cánh tay to (chu vi > 32 cm) hoặc nhỏ hơn. Để băng cuốn ngang vị trí của tim, cho dù bệnh nhân ở tư thế nào.
- Sử dụng pha I và IV (không nghe thấy tiếng đập nữa) tiếng Korotkoff để xác định huyết áp tâm thu và tâm trương.
- Đo huyết áp ở cả hai tay khi thăm khám lần đầu tiên để xem có sự khác biệt hay không. Lấy trị số huyết áp ở bên tay có trị số cao hơn.
Đếm tần số tim sau lần đo huyết áp thứ hai ở tư thế ngồi:
HATT (mmHg) | HATTr (mmHg) | |
Đo huyết áp tại cơ sở y tế | >= 140 | >= 90 |
Đo Holter huyết áp 24h: | ||
– Ban ngày (hoặc lúc ngủ dậy) | >= 135 | >= 85 |
– Ban đêm (hoặc lúc đi ngủ) | >= 120 | >= 70 |
– 24 giờ | >= 130 | >= 80 |
Đo huyết áp tại nhà (tự do) | >= 135 | >= 85 |
Bảng phân loại tăng huyết áp:
Huyết áp | Tâm thu | Tâm trương | |
Tối ưu | < 120 | Và | < 80 |
Bình thường | 120-129 | Và/hoặc | 80-84 |
Bình thường cao | 130-139 | Và/hoặc | 85-89 |
THA độ 1 | 140-159 | Và/hoặc | 90-99 |
THA độ 2 | 160-179 | Và/hoặc | 100-109 |
THA độ 3 | ≥ 180 | Và/hoặc | ≥ 110 |
Ngoài ra còn một số tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp trong các trường hợp đặc biệt như sau:
1. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc
- Là khi HA tâm thu ≥ 140mmHg và HA tâm trương =< 90 mmHg.
- Hay gặp ở người cao tuổi
- Sự gia tăng trị số HA tâm thu và HA hiệu số là 1 yếu tố tiên lượng các biến cố tim mạch.
2. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc
- Là khi HA tâm thu < 140mmHg và HA tâm trương ≥ 90 mmHg.
- Thường gặp ở người trung niên.
- Tăng huyết áp “áo choàng trắng” và hiệu ứng “áo choàng trắng”
- Là tình trạng HA tăng cao khi đo ở cơ sở y tế nhưng HA hàng ngày hoặc đo 24h lại bình thường.
- Chẩn đoán Tăng huyết áp “áo choàng trắng”: Khi đo HA nhiều lần đi khám ≥ 140/90 mmHg, trong khi đó HA 24h trung bình <125/80 mmHg.
- Đây có thể là khởi đầu của Tăng huyết áp thực sự và có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
- Chỉ điều trị thuốc khi có bằng chứng tổn thương cơ quan đích hoặc nguy cơ tim mạch cao.
3. Tăng huyết áp ẩn dấu
- Là tình trạng HA bình thường khi đo tại cơ sở y tế,nhưng đo tại nơi khác lại cao.
- Phát hiện bằng theo dõi HA liên tục 24h
- Chẩn đoán khi HA trung bình 24h ≥125/80 mmHg.
4. Tăng huyết áp giả tạo
- Đo HA bằng băng quấn tay cao
- Nguyên nhân do ở người lớn tuổi các ĐM ngoại biên rất cứng, nên khi đo HA cần phải bơm áp lực cao hơn để nén lại.
- Chẩn đoán xác định: Đo HA thực tế trong lòng động mạch không cao
Trên đây là một số tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp, để có đánh giá rõ rành và chính xác nhất, bạn hãy đến các cơ sở y tế hoặc gọi đến số 1900 6237 để được nhận tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.