Mặc dù bệnh động kinh đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài, song trên 60 % các trường hợp động kinh ở trẻ em có thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị bệnh động kinh ở trẻ em có thể bao gồm việc điều trị thuốc lâu dài, kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng để hạn chế việc xảy ra các cơn động kinh liên tiếp.
Điều trị động kinh ở trẻ em là điều trị lâu dài
1. Nguyên tắc điều trị
- Lựa chọn thuốc kháng động kinh theo thể co giật.
- Điều trị sớm, bắt đầu bằng một loại kháng động kinh, bắt đầu từ liều thấp sau tăng lên đến tối đa.
- Kết hợp thuốc khi một loại kháng động kinh không có hiệu quả.
- Duy trì liều đã cắt cơn trong 2 năm.
- Không ngừng thuốc đột ngột, giảm liều từ từ. Ngừng điều trị thuốc ít nhất là sau 2 năm kể từ cơn co giật cuối cùng, giảm liều từ từ trong 3 – 6 tháng trước khi ngừng thuốc.
2. Một số thuốc kháng động kinh
Việc điều trị động kinh chủ yếu thông qua mục tiêu ổn định lại điện thế màng tế bào, ức chế tính hưng phấn của thần kinh trung ương thông qua 4 cơ chế chính là ức chế kênh Na+, kênh Ca+, tăng hoạt tính GABA, giảm hoạt tính Glutamat.
-Động kinh cục bộ: Carbamazepin, Oxcarbazepin, Levetiracetam, Topiramat
-Động kinh toàn thể: Valproat, Phenytoin, Phenobarbital, Sabril (với hội chứng West).
3. Khi nào động kinh cần phẫu thuật?
Động kinh cục bộ không cắt cơn, động kinh cục bộ căn nguyên ẩn kháng thuốc. Trên MRI có ổ tổn thương khu trú như xơ hóa hồi hải mã thùy thái dương, vỏ não lạc chỗ, phì đại nửa não.
Phẫu thuật có thể cắt thùy não, cắt hạnh nhân – hồi hải mã của thùy thái dương, cắt đa thùy não, cắt vùng vỏ não lạc chỗ, cắt bán cầu. Với động kinh toàn thể không cắt cơn, có thể phẫu thuật cắt thể trai, cắt bán cầu não.
4. Phục hồi chức năng có vai trò quan trọng đối với trẻ động kinh
- Xoa bóp và tập các kỹ thuật vận động lẫy, ngồi, bò, đứng đi…
- Huấn luyện kỹ năng vận động bàn tay và huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.
- Kích thích kỹ năng giao tiếp sớm và huấn luyện kỹ năng hiểu và diễn đạt ngôn ngữ ở trẻ.
- Kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ.
5. Xử trí cơn động kinh
- Đưa trẻ vào một nơi an toàn. Đặt trẻ nằm nghiêng đầu tránh nuốt phải đờm dãi trong cơn co giật. Nới rộng quần áo của trẻ.
- Không giữ chân tay khi trẻ đang bị co giật.
- Đặt một cái thìa hay khăn cuộn tròn ngang miệng trẻ để trẻ không cắn vào lưỡi của mình.
- Loại bỏ các đồ vật xung quanh khiến trẻ có thể bị thương.
- Sau cơn co giật trẻ thường ngủ. Để trẻ ngủ yên.
- Chỉ cho trẻ uống thuốc nếu trẻ bị đau đầu hoặc có thể có cơn tiếp theo.
Điều trị động kinh là điều trị lâu dài và bền bỉ. Để điều trị bệnh động kinh ở trẻ em có kết quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở y tế, gia đình, nhà trường và môi trường xã hội.