Trang chủSỨC KHỎE TỔNG QUÁTBệnh hô hấpBệnh bạch hầu và cách phòng tránh

Bệnh bạch hầu và cách phòng tránh

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận rải rác các ca bệnh bạch hầu và đã có bệnh nhân tử vong. Bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu quay trở lại sau một thời gian vắng bóng, bệnh dễ lây lan thành dịch và nguy cơ tử vong cao. Vậy các dấu hiệu của bệnh bạch hầu là gì? Cách phòng tránh bệnh bạch hầu như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Vi khuẩn này thường khu trú ở họng, amiđan, mũi, thanh quản và thường tạo thành màng giả màu trắng.

hình ảnh VK bạch hầu.jpg

Hình ảnh vi khuẩn bạch hầu

Bệnh hay xảy ra ở trẻ 2-7 tuổi (hoặc lứa tuổi lớn hơn nếu không được tiêm phòng). Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ có nhiều biến chứng, khả năng tử vong cao.

2. Bệnh bạch hầu lây lan như thế nào?

Bệnh bạch hầu lây lan trực tiếp qua các giọt dịch tiết đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh bắn ra khi ho hoặc hắt hơi hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thể phát tán nguồn bệnh trong thời gian lên đến 4 tuần. Một số người khác bị nhiễm virus bạch hầu nhưng không xuất hiện triệu chứng gì được gọi là người lành mang trùng. Người lành mang trùng cũng có khả năng phát tán nguồn bệnh trong thời gian trên 4 tuần.

3. Dấu hiệu của bệnh bạch hầu là gì?

Những dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị bệnh bạch hầu bao gồm:

-Sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu, trẻ thường có thời gian ủ bệnh từ 2–5 ngày hoặc có thể lâu hơn (đây là thời kỳ không triệu chứng).

-Sau đó là thời kỳ khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ (38-38,5 độ C), sổ mũi 1 hoặc 2 lần, niêm mạc họng đỏ, kém sáng hơn. Xuất hiện những chấm trắng mờ và mỏng, hạch dưới hàm sưng to và đau.

-2-3 ngày sau là thời kỳ toàn phát, trẻ cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng, đau cổ họng, người mệt mỏi xanh xao. Trong họng xuất hiện màng trắng ngà, dính chặt vào lớp thượng bì bên dưới, khi bong tróc rất dễ chảy máu. Màng giả này lan tràn rất nhanh ở 1 hoặc 2 bên amiđan.

bệnh bạch hầu.jpg

Hình ảnh bệnh nhân bị bệnh bạch hầu

Nếu không được điều trị, bệnh có thể diễn biến nặng với biểu hiện nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

4. Các biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả và an toàn nhất.

Thuốc phòng bệnh Bạch Hầu? Đã có vacxin bạch hầu chưa?

Hiện nay tại Việt Nam đã có chương trình tiêm chủng mở rộng với bệnh bạch hầu và nhiều bệnh khác. Trẻ từ 2 tháng tuổi được tiêm 4 mũi lúc 2-3-4 tháng tuổi, nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Một liệu trình tiêm phòng đầy đủ gồm 4 mũi. Khoảng cách giữa các mũi tối thiểu 1 tháng. Mũi thứ 4 cách mũi thứ 3 tối thiểu 6 tháng.

Sau khi đã có miễn dịch với bạch hầu lúc nhỏ, cần tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Vì khả năng miễn dịch với bạch hầu sẽ giảm theo thời gian. Trẻ đã tiêm đủ trước 7 tuổi sẽ được tiêm nhắc lại lúc 11 – 12 tuổi và mỗi 10 năm. Tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng khi đi du lịch đến nơi có tần suất bạch hầu cao.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT