Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm. Trong điều trị rối loạn nhịp tim thì bên cạnh việc sử dụng các thuốc Tây y cùng với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý thì việc kết hợp sử dụng các vị thuốc Đông y cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Vậy những vị thuốc Đông y nào giúp ổn định nhịp tim? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Các vị thuốc giúp ổn định nhịp tim bao gồm:
- Long nhãn
Theo Đông y, long nhãn vị ngọt, tính hơi ôn, quy kinh tâm và tỳ. Long nhãn có tác dụng ích tâm kiện tỳ, tư bổ khí huyết, ích trí an thần. Do vậy, sử dụng long nhãn rất tốt cho người có chứng lo âu, mất ngủ, ngủ mê, giảm trí nhớ, quên lẫn, loạn nhịp tim, sau đẻ mất sức, thiếu máu.
2. Tâm sen
Tâm sen có vị đắng tính hàn, có tác dụng thanh tâm khứ nhiệt, chỉ huyết, sáp tinh. Khi người bệnh mắc các chứng bệnh mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực,..các bác sỹ đông y thường khuyên người bệnh sử dụng trà tâm sen thay cho trà hàng ngày.
Theo kết quả nghiên cứu của y học hiện đại, tâm sen có tác dụng hạ huyết áp, chống oxy hóa, phòng chống rối loạn nhịp tim thông qua cơ chế làm giảm trở lực huyết quản và cơ trơn thành mạch máu. Tâm sen cũng giúp cải thiện tình trạng thiếu máu ở cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ oxy của cơ tim, cải thiện lưu lượng tuần hoàn của động mạch vành.
3. Khổ sâm
Khổ sâm có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, sát khuẩn, lợi niệu, thường được sử dụng để điều trị: nhiệt lỵ, tiện huyết, xích bạch đới, thấp chẩn (eczema), mụn nhọt, lở ngứa…
Ngoài ra, khổ sâm còn có tác dụng ổn định nhịp tim rất tốt. Trong Khổ sâm có tác dụng làm giảm tính kích thích cơ tim, đồng thời ức chế phóng thích các hormon có tác dụng gây tăng nhịp tim (như adrenalin) vào trong máu, nên giúp chống rối loạn nhịp tim, bảo vệ cơ tim và ngăn ngừa suy tim. Một hoạt chất khác là oxymatrine có trong rễ Khổ sâm có khả năng ức chế đáng kể kênh ion Canxi và Natri, điều hòa nồng độ các ion (chất điện giải) ở cơ tim nên giúp ổn định điện thế trong tim, làm giảm tần suất xuất hiện và mức độ của các cơn rối loạn nhịp, giảm tỷ lệ tử vong.
4. Phục thần
Phục thần là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, vị ngọt nhạt, tính bình, không độc, quy vào kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị. Phục thần có tác dụng giúp dưỡng tâm, kiện tỳ, lợi tiểu, giúp nhanh liền viết thương, chữa suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, di mộng tinh, định tâm an thần, giảm đau đầu, chóng mặt. Vì vậy, phục thần rất hay dùng để sắc uống hoặc nấu canh giúp bồi bổ cơ thể cũng như giúp ổn định nhịp tim.
5. Lạc tiên
Lạc tiên có vị ngọt, hơi đắng, tính bình đắng, quy vào kinh tâm, can. Có tác dụng tốt trong việc an thần, lợi tiểu, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Đây là một vị thuốc nam quý, từ xưa đã được dân gian tin dùng. Không chỉ có thể dùng chế biến thành các món ăn, làm nước giải khát, mà lạc tiên còn có chứa các chất phytochemical, alkaloids, quercetin và kaempferol có khả năng cải thiện tâm trạng, giảm tiết hormone gây ra sự căng thẳng trong cơ thể, đồng thời còn làm dịu thần kinh, từ đó làm giảm và ổn định nhịp tim. Dùng lạc tiên thường xuyên sẽ không chỉ giúp bạn tràn đầy năng lượng, giảm lo âu mà còn giúp cân bằng nhịp tim.
6. Viễn chí
Viễn chí có vị đắng, tính ôn, quy kinh vào 2 kinh tâm, can, thận, có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích chí, tiêu đờm, để điều trị các chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh, hay quên, làm việc trí óc quá sức dẫn đến tổn hao trí lực, thất tình uất kết lâu ngày.
Nghiên cứu từ những chiết xuất gốc Tenuigenin của Viễn Chí thấy rằng nó cải thiện đáng kể việc học tập, khả năng tập trung và ghi nhớ, giúp chống oxy hóa, tăng cường chức năng hệ thần kinh, lưu thông tuần hoàn máu và ổn định nhịp tim rất tốt.