Khi cơ thể bị nhiễm virus cấp tính như: cúm, virus gây bệnh đường hô hấp…, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng nhiệt độ cơ thể tăng cao (gọi là sốt). Khi bị sốt virus, nhiều người muốn mau khỏi bệnh nên đòi được truyền dịch mà không biết những nguy cơ cận kề.
Thông thường, sốt virus diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cũng có những trường hợp sốt đến cả tuần. Người bệnh bị sốt đột ngột, sốt rất cao từ 39-40 độ C nhưng cũng có thể chỉ bị sốt nhẹ, đầu hơi hâm hấp nóng. Với người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não…
Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt virus ở người lớn
Hầu hết các cơn bệnh cảm cúm, sốt virus đều sẽ có những triệu chứng điển hình sau:
Sốt: Tùy theo sức đề kháng của mỗi người mà tình trạng sốt của bệnh nhân nhẹ hay nặng. Khi sức đề kháng kém hoặc mật độ tấn công từ virus quá mạnh mẽ, cơ thể bị nhiễm trùng nặng sẽ sốt rất cao. Nếu không xử trí kịp thời, có thể sẽ tử vong.
Mệt mỏi: Là dấu hiệu đặc trưng của sốt virus ở người lớn vì khi bị bệnh, virus sẽ làm cân bằng sinh học trong cơ thể bị rối loạn, gây mệt mỏi.
Đau nhức người: Khi mệt mỏi
và thân nhiệt tăng cao, cơ thể sẽ xuất hiện đau nhức, đặc biệt là các cơ, kéo dài trong suốt thời gian bệnh khiến bệnh nhân khó chịu.
Ngạt mũi/chảy nước mũi: Khi nhiễm trùng, virus sẽ gây cảm giác lạnh từ bên trong dẫn đến việc chảy nước mũi, ngạt mũi và ho rất nhiều. Nếu như không hạn chế tiếp xúc, mỗi cơn ho của bạn sẽ cho ra hàng triệu virus cúm và gây bệnh cho người xung quanh.
Nhức đầu: Sốt và đau nhức cơ thể sẽ dẫn đến nhức đầu.
Mắt thấy khó chịu: Cảm giác nóng rát, đau nhức nhãn cầu cũng sẽ xảy ra khiến bệnh nhân khó chịu. Mắt sẽ có màu đỏ và rát rất sâu.
Phát ban trên da: Một số loại virus gây cúm cũng sẽ tác động và làm da phát ban đỏ. Một số trường hợp bị phát ban không do virus mà do kích ứng.
Người lớn bị sốt virus, có nên truyền dịch?
Rất nhiều người cho rằng khi bị sốt do virus cúm, phải truyền dịch mới nhanh hết sốt. Đây là quan niệm sai lầm. Truyền dịch có nhiều tác dụng nhưng cũng có thể xảy ra nhiều tai biến nguy hiểm cho người bệnh.
Các loại dịch truyền phổ biến là dung dịch đường glucose (5%, 10%), nước muối (nước biển với tỷ lệ natriclorua là 9/1.000), dung dịch tổng hợp nhiều chất điện giải. Thông thường, nếu truyền 1 lít glucose 5% thì hấp thu vào cơ thể cũng chỉ được 50ml. Bù lại, lượng glucose có thể được hấp thụ nhiều hơn qua đường uống, chẳng hạn bằng nước chanh, nước cam. Đặc biệt, khi người bệnh đang sốt cao, khả năng hấp thụ lượng nước, muối và các chất điện giải này không nhiều. Vì vậy, nguyên tắc là không được truyền muối, đường khi bị sốt virus vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não khiến bệnh nặng thêm. Hơn nữa, hiện vẫn chưa ai chứng minh được truyền dịch vào là hết sốt. Cũng có những trường hợp bị sốt, được truyền dịch đỡ ngay. Nhưng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, người bệnh hết sốt có thể là nhờ tác dụng của thuốc hạ sốt.
Không những vậy, tất cả các thuốc đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ và nguy cơ này càng gia tăng khi cơ thể hấp thu trực tiếp. Truyền dịch có thể gây nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan… Do vậy, nếu bị sốt virus mà vẫn ăn uống tốt thì không nên truyền dịch mà hãy bồi bổ qua đường ăn uống.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để đề phòng nhiễm virus, mọi người nên thực hiện nếp sống lành mạnh, có chế độ làm việc, sinh hoạt nề nếp, rèn luyện cơ thể khoa học. Bên cạnh đó, xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng chống lại virus gây bệnh. Nên tăng cường uống nhiều nước, nhất là các loại nước trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, ổi…). Ngoài ra, nên súc miệng bằng nước muối pha loãng vài lần mỗi ngày để ngăn ngừa các loại virus và vi khuẩn xâm nhập cơ thể; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, nơi tập trung đông người, đồng thời rửa tay sạch sẽ trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh lây nhiễm bệnh.