Trang chủSỨC KHỎE TỔNG QUÁTBệnh tiêu hóaTrào ngược dạ dày thực quản chớ nên xem thường

Trào ngược dạ dày thực quản chớ nên xem thường

Bình thường thì khi ta nuốt, thức ăn theo thực quản đi xuống dạ dày và sau khi dạ dày hoàn thành nhiệm vụ của mình thì thức ăn tiếp tục đi xuống ruột non và các phần tiếp theo của hệ tiêu hóa. Trong bệnh trào ngược thực quản dạ dày, thức ăn cùng với các chất dịch tiêu hóa trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân và lâu ngày sẽ gây ra các biến chứng.

1.  Những biểu hiện và biến chứng trào ngược dạ dày thực quản

Các triệu chứng quan trọng của bệnh  trào ngược dạ dày thực quản ( BTNDD-TQ) là ợ nóng, trớ nuốt khó. Các triệu chứng không điển hình thường do các biến chứng của BTNDD-TQ.

–   Ợ nóng:Là cảm giác gây ra do trào ngược dịch dạ dày lên TQ. Niêm mạc TQ bị kích thích bởi HCI hoặc dịch mật trong dịch dạ dày làm bệnh nhân có cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên dọc sau xương ức, có khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai. Trường hợp điển hình, chứng ợ nóng xuất hiện sau bữa ăn và theo tư thế cúi gập người về trước, hoặc những cơn ho ban đêm do tư thế nằm. Các triệu chứng trên tăng khi uống rượu, uống nước chua.

–  Trớ:là sự ựa ngược dịch đọng trong TQ, ngay trên phần bị nghẽn tắc. Trớ thường xảy ra do thay đổi tư thế hay 1 sự gắng sức. Dịch trớ thường không mùi vị, không chua và có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hóa.

–  Nuốt khó:là cảm giác dừng đứng của thức ăn hay thức uống trong thực quản ngay sau khi nuốt. Cần phân biệt với nuốt khó do nguyên nhân hầu miệng là thức ăn không đến được vùng hạ họng mà trào ngược lên mũi hoặc bị lạc vào khí quản thường có kèm theo sặc. Trước bệnh nhân bị nuốt nghẹn, dù rất nhẹ hay thoáng qua, cũng phải cảnh giác một ung thư TQ và phải làm một số thăm dò như X quang hoặc nội soi TQ để xác minh hoặc loại trừ nguyên nhân này.

–  Các triệu chứng không điển hình:thường dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán với các bệnh khác như đau ngực, cảm giác cục nghẹn, ứa nước bọt trong họng, ho mạn tính, hen suyễn, khàn giọng, viêm xoang, viêm hầu họng, đắng miệng và đau họng, hôi miệng, nấc cục, ói…

–  Diễn tiến và các biến chứng của BTNDD-TQ:Điểm cần lưu ý là không có sự song hành giữa triệu chứng lâm sàng và tổn thương thực thể của các biến chứng: Đau nhiều chưa chắc đã có tổn thương viêm thực quản nặng; ngược lại viêm thực quản nặng có thể diễn tiến âm thầm cho đến khi xuất hiện các biến chứng loét, hẹp, xuất huyết. Biến chứng thường xảy ra nhất là viêm thực quản do trào ngược (VTQTN) với các hệ quả loét, teo hẹp. Xơ hóa do viêm có thể làm co rút thực quản (Bracheesophage). Niêm mạc thực quản bị ngắn (Emdobrachyesophage) do niêm mạc thực quản bị thay thế dần bởi niêm mạc dạ dày (chuyển sản niêm mạc Barrett) với nguy cơ hóa ung thư đoạn niêm mạc bị chuyển sản. Loét thực quản có thể gây XHTH. Hiếm gặp hơn là các biến chứng viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi do hít do trào ngược xảy ra vào ban đêm.

2.  Nguyên nhân của BTNDD-TQ

–  Ở trạng thái sinh lý bình thường thỉnh thoảng cũng có hiện tượng trào ngược dịch dạ dày lên thực quản nhưng rất thoáng qua và không gây hệ quả gì. Có một cơ chế bảo vệ chống trào ngược gồm nhiều yếu tố

+  Hoạt động của cơ thắt dưới thực quản (CTDTQ) là yếu tố rất quyết định trong hiện tượng TNDD-TQ. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc thực quản đối với HCI của dịch dạ dày. Bình thường CTDTQ chỉ dãn mở ra khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín ngăn không cho dịch DD trào ngược lên TQ. Tuy nhiên, vẫn có lúc trương lực cơ bị giảm và dịch DD trào ngược lên TQ.

+  Khi có sự trào ngược của dịch DD lên TQ, dịch nhày thực quản với bi-carbonat và nước bọt do có tính kềm sẽ trung hòa HCI của dịch vị làm giảm hoặc mất sự kích thích của dịch vị lên niêm mạc TQ.

+   Nhu động của TQ sẽ đẩy dịch trào ngược trở xuống DD.

–  Khi CTDTQ hoạt động không tốt sẽ dẫn đến BTNDD-TQ. Các yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn hoạt động của CTDTQ và cơ chế bảo vệ chống trào ngược có thể do

+ Sự dãn CTDTQ xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn,

+  Thoái vị hoành,

+  Rối loạn nhu động thực quản,

+  Giảm tiết nước bọt (thuốc lá) và

+  Các tác nhân làm giảm áp lực CTDTQ như các thuốc secretin, cholécystokinine, glucagon; các thuốc kích thích β thụ cảm, ức chế α, kháng tiết choline, theophylline; các chất cafein, rượu, thuốc lá, chocolate, hay bữa ăn nhiều mỡ…

4. Điều trị

Các mục tiêu của việc điều trị một bệnh nhân bị trào ngược dạ dày – thực quản là: làm mất triệu chứng của bệnh nhân; chữa lành tình trạng viêm thực quản nếu có; ngăn ngừa chít hẹp, xước chợt niêm mạc và loét tái phát; duy trì hiệu quả điều trị. Do đó cho đến nay có rất nhiều thuốc được đưa vào sử dụng để điều trị.

Nhóm thuốc điều hoà vận động

– Metoclopramid: Tác dụng trung ương vào vùng lẩy cò, có tác dụng lên các lớp cơ ống tiêu hoá. Nó làm gia tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị, dẫn đến làm vơi dạ dày từ đó làm giảm trào ngược dạ dày – thực quản. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.

– Domperidon: Đây là thuốc kháng dopaminergic ngoại biên, nó cố định vào thụ thể D2 ngoại biên và không qua hàng rào máu não. Có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản do đó làm tăng sự vơi dạ dày dẫn đến làm giảm trào ngược. Thuốc chống chỉ định với chảy máu dạ dày ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hoá.

– Sulpirid: có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, giúp giữ cho thức ăn không trào ngược lên thực quản, nó cũng có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực…

– Metopimazin: Đây là thuốc chống nôn kháng tiết dopamin có tác dụng chọn lọc trên khu vực lẩy cò hoá học của não thất IV. Thuốc có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hoá nhưng không làm tăng sự vơi dạ dày do đó nó không làm cản trở sự hấp thu tiêu hoá cao của các thuốc phối hợp.

– Ngoài ra trong một số trường hợp đặc biệt, tùy theo tình trạng bệnh cảnh lâm sàng mà có thể dùng một số thuốc khác như alizaprid, anzemet, zelmac.

Nhóm thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược

Các thuốc tạo màng ngăn dạ dày -thực quản:

+ Alginat: acid alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày.

+ Dimeticol: là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như trên.

Nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc: sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày – thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thường chỉ định sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng. Tránh dùng antacid hoặc kháng histamin H2 nửa giờ trước hoặc sau khi uống sucralfat.

Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng acid (maalox, phosphalugel..), thuốc kháng thụ thể H2  ( như cimetidin, ranitidin, nizatidin, famotidin) hoặc thuốc ức chế bơm proton (như omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol) tuỳ theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Hiện nay việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton cách ngày hoặc dùng một loại kháng thụ thể H2. Đặc biệt, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên ăn làm nhiều bữa, 4 – 5 bữa mỗi ngày, mỗi bữa ăn ít một; không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô; sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư  thế cúi ra phía trước… nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao; bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng: socola, thuốc lá, cà phê, chất mỡ, nước khoáng có hơi; ăn chậm, nhai kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày; không được dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như estrogen, progesteron, anticholinergic, barbituric, ức chế calci, diazepam, theophylin. Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề.

S&T

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT