Ăn dặm là hình thức cho trẻ ăn thêm các thức ăn khác ngoài sữa mẹ . Các loại đồ ăn này chỉ bổ sung cho sữa mẹ chứ không thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ để cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Thời điểm ăn bổ sung hợp lý
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO) trẻ nên bắt đầu được cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi ( 180 ngày sau sinh). Đây là thời điểm cần bổ sung ăn dặm cho trẻ bởi:
+ Hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ
+ Tốc độ tăng trưởng của trẻ tăng lên, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu cho bé
Ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi giúp trẻ phát triển, hoạt động tốt và khỏe mạnh. Nhưng nhiều mẹ cho rằng sau 6 tháng sữa mẹ đã giảm dinh dưỡng và cần bổ sung cho ăn dặm. Đây là suy nghĩ chưa đúng, sữa mẹ vẫn giữ nguyên dưỡng chất tuy nhiên không đáp ứng đủ do nhu cầu phát triển của bé ngày càng cao
Giai đoạn này mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ cung cấp hơn 1 nửa nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Từ 12-14 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 1/3 nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra sữa mẹ còn cung cấp các yếu tố miễn dịch giúp trẻ phòng tránh các loại bệnh gắn kết mẹ con giúp trẻ phát triển tâm lí
-Nguy cơ khi cho trẻ ăn dặm quá sớm
Vì có tâm lí sữa mẹ không đủ dưỡng chất khiến bé nhẹ cân, hoặc nghĩ rằng ăn dặm sớm giúp con mình cứng cáp hơn nên nhiều mẹ đã vội vàng cho trẻ ăn dặm sớm. Hay nhiều gia đình thấy trẻ 4-6 tháng tuổi thấy có sự thích thú với đồ ăn nên đã cho trẻ ăn dặm khi có biểu hiện đó. Điều này rất không nên, nếu cho trẻ ăn dặm sớm thì sẽ gây ra những hậu quả không đáng có:
+ Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chỉ chấp nhận được dạng thức ăn lỏng như sữa mẹ và hệ thống men chưa đầy đủ để tiêu hóa các thực phẩm ăn dặm, từ đó dễ xuất hiện rối loạn tiêu hóa.
+ Làm trẻ bú ít sữa mẹ, bỏ lỡ nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ, không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh vì thiếu yếu tố bảo vệ từ sữa mẹ.
+ Giảm bú mẹ dẫn tới giảm phản xạ tiết sữa, mẹ có nguy cơ mất sữa sớm
+ Tăng nguy cơ dị ứng
+ Tăng nguy cơ mang thai sớm của người mẹ nếu không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn
- Nguy cơ khi chi trẻ ăn dặm muộn :
Một số mẹ lại quá cuồng sữa mẹ, cho rằng đó là nguồn thực phẩm tốt nhất và hoàn thiện nhất cho con hoặc một số mẹ có thể gặp khó khăn khi cho trẻ ăn dặm nên trì hoãn việc ăn dặm cho bé. Tuy nhiên điều này là không nên. Những trẻ sinh non tháng có thể cho ăn dặm muộn hơn, nhưng những trẻ bình thường thì không nên cho trẻ ăn dặm quá muộn sẽ khiến trẻ không nhận đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển , từ đó dẫn tới suy dinh dưỡng.