Những dấu hiệu cảnh báo sớm bước vào sốc sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết do virus Dengue đang có xu hướng lây lan nhanh và có dấu hiệu bùng phát dịch trên khắp cả nước. Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nếu không có hướng điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu dấu hiệu cảnh báo sớm bước vào sốc sốt xuất huyết.
1.Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Trong đó, muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Sinh lý bệnh sốt xuất huyết Dengue
Sinh lý bệnh trong sốt xuất huyết Dengue gồm có 2 rối loạn cơ bản đó là:
Tăng tính thấm thành mạch trong sốt xuất huyết do phản ứng kháng nguyên – kháng thể, bổ thể, do virus Dengue sinh sản trong bạch cầu đơn nhân dẫn đến:
- Giải phóng các chất trung gian vận mạch như Histamin, Kinin, Serotonin, Anaphylatoxin,…
- Kích hoạt bổ thể
- Giải phóng Thromboplastin tổ chức
- Tăng tính thấm thành mạch, dịch từ trong lòng mạch sẽ thoát ra ngoài gian bào, dẫn tới hậu quả làm giảm khối lượng máu lưu hành trong mạch máu, máu bị cô đặc dẫn đến sốc.
- Khi thể tích tuần hoàn mất đi 10 – 15% thì cơ thể con người có thể bù lại được. Nếu mất 20 – 30% sẽ xảy ra tình trạng sốc. Nếu mất 35 – 40% thì huyết áp bằng 0.
Rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết Dengue là do một số nguyên nhân sau gây ra:
- Tổn thương thành mạch và tăng tính thấm thành mạch
- Giảm tiểu cầu
- Các yếu tố đông máu giảm
- Suy chức năng gan dẫn đến giảm tổng hợp các yếu tố đông máu. Tuy nhiên cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ vấn đề này.
Hai rối loạn này có thể xảy ra ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue, chúng tác động lẫn nhau dẫn đến các triệu chứng lâm sàng nặng như xuất huyết và sốc.
Tăng tính thấm thành mạch cùng với rối loạn đông máu, rối loạn chức năng cơ tim và mất nước góp phần vào sự phát triển của sốc, dẫn đến suy đa tạng. Sự khởi đầu của sốc trong bệnh sốt xuất huyết có thể rất kịch tính và tiến triển không ngừng.
3.Dấu hiệu cảnh báo sớm bước vào sốc sốt xuất huyết
Đây là giai đoạn rất nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 4-7 kể từ khi bị sốt. Lúc này, sốt thường sẽ giảm còn 37.5 – 38 độ C, có khi còn 36 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ giảm không có nghĩa là người bệnh đã khỏi bệnh, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi để phát hiện những dấu hiệu cảnh báo sớm bước vào sốc sốt xuất huyết, bao gồm:
-Vật vã, li bì, lừ đừ
-Nôn ói nhiều
-Đau bụng vùng gan, gan to >2cm
-Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ): Tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt.
-Xuất huyết:
+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
+ Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu cam.
+ Xuất huyết nội tạng: Đại tiện phân đen hoặc đại tiện ra máu, tiểu ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh…
– Xét nghiệm máu:
+ Hematocrit tăng cao.
+ Tiểu cầu giảm nhanh chóng.
Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi chặt chẽ mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.
Nếu những dấu hiệu sớm bước vào sốc sốt xuất huyết Dengue không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng chuyển sang sốc sốt xuất huyết nặng với dấu hiệu sốc nặng như li bì, tay chân lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp kẹt hoặc không đo được huyết áp có thể dẫn đến tử vong.