Trang chủSức khỏe Mẹ-BéMối nguy hiểm khi thai phụ nhiễm CMV (kỳ 1)

Mối nguy hiểm khi thai phụ nhiễm CMV (kỳ 1)

Virut CMV ( cytomegalo virus ) khi gây bệnh ít có biểu hiện triệu chứng. Phụ nữ mang thai nhiễm CMV có thể gây dị tật cho thai hoặc lây bệnh cho thai nhi. Bác sĩ tư vấn mang thai khẳng định trẻ bị nhiễm CMV bẩm sinh có tỉ lệ tử vong khá cao, hoặc không tử vong thì thường để lại các di chứng : chậm phát triển trí tuệ, não nhỏ, điếc, ….

Nhiễm CMV khi mang thai
Nhiễm CMV khi mang thai

–   Loại virut này ít lây nhiễm nhưng đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ. Vì thế, những  phụ nữ làm công việc tiếp xúc nhiều với trẻ cần rất thận trọng. Nếu như thực hành vệ sinh đối với mọi người là cần thiết để phòng ngừa nhiễm khuẩn, trước tiên là cúm và viêm đường ruột thì đối với phụ nữ mang thai lại càng khẩn thiết. Khi mang thai, một số nhiễm khuẩn có thể nghiêm trọng không chỉ cho người mẹ mà cho cả thai và nhiễm CMV là một trong số nhiễm khuẩn cần đặc biệt quan tâm.

–  CMV thuộc họ virus Herpes, gần với Herpes simplex (gây chốc mép, mụn giộp sinh dục), virus Epstein-Barr và virus gây thuỷ đậu/zona. Đó là những virut có khả năng phát ra những đợt nhiễm khuẩn nhưng thường không bộc lộ mà tồn tại dai dẳng, mai phục bên trong các tế bào. Thông thường, người nhiễm CMV cảm thấy có sốt, nhức đầu, mỏi mệt… những triệu chứng này không có gì đặc hiệu cho nên dễ bị bỏ qua.

–  Tuy nhiễm CMV không nghiêm trọng lắm đối với người trưởng thành có sức khoẻ tốt nhưng với phụ nữ mang thai lại có thể là một tai hoạ, nhất là khi bị nhiễm lần đầu ở 3 tháng đầu của thai nghén, khi đó thai phơi nhiễm với nhiều nguy cơ tổn thương nặng cho não, chậm phát triển tâm trí, điếc, một loạt những bệnh do nhiễm CMV…

–  Khi mẹ bị bệnh lại không bộc lộ bất cứ triệu chứng gì, đôi khi chỉ có vài triệu chứng như sốt, viêm gan, sưng hạch. 80% người trưởng thành được kháng thể bảo vệ nhưng sự miễn dịch từ người mẹ truyền cho trước đây không tạo ra được sự bảo vệ hoàn toàn, 5% phụ nữ không được bảo vệ có nguy cơ bị nhiễm virut này khi mang thai.

1. Đối tượng nào dễ bị nhiễm CMV?

Virut lây nhiễm qua dịch cơ thể (nước mũi, nước bọt, nước mắt, tinh dịch, nước tiểu, máu…) nhưng không mấy lây lan, chỉ có nguy cơ cao khi tiếp xúc lặp đi lặp lại với virut. Vì thế, phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với trẻ (làm việc tại các nhà trẻ, các bảo mẫu…) và lại đang mong có con rất dễ bị phơi nhiễm CMV nên cần được tư vấn mang thai trước khi có ý định mang thai.

 2. Triệu chứng khi nhiễm CMV

Tư vấn, chăm sóc sức khỏe khi mang thai
Tư vấn, chăm sóc sức khỏe khi mang thai

*  Nhiễm CMV bẩm sinh

Biểu hiện lâm sàng

+  Thai nhi nhiễm CMV có thể có nhiều dạng biểu hiện lâm sàng: từ không có triệu chứng đến những thể nặng và lan rộng toàn thân.

+ Gần như chỉ những thai nhi có mẹ bị nhiễm CMV lần đầu trong khi mang thai mới có triệu chứng lâm sàng:

– Đốm xuất huyết, gan lách to, vàng da: 60 – 80%.

– Sọ nhỏ và não teo +/- vôi hóa nhu mô não, chậm phát triển trong tử cung: 30 – 50%.

– Thoát vị bẹn và viêm võng mạc ít thấy hơn.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Men gan tăng, giảm tiểu cầu, bilirubine cao, tán huyết, protein trong dịch não tủy cao.

Tiên lượng

Rất xấu đối với các bé nhiễm CMV bẩm sinh thể nặng: tử vong khoảng 20 – 30% và nếu có sống sót thì cũng hiếm khi không bị chậm phát triển trí tuệ hoặc điếc khi lớn lên sau này. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp CMV bẩm sinh không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt và sau này, 5 – 25% sẽ bị chậm phát triển tâm thần, điếc, mù, răng hỏng bất thường.

Chẩn đoán phân biệt

Nhiễm bẩm sinh rubella, giang mai, ToxoplasmosisHerpes simplex, enterovirus và nhiễm khuẩn huyết.

*   Nhiễm CMV chu sinh

– Bé sơ sinh có thể bị nhiễm CMV khi đi ngang qua âm đạo để sổ thai hoặc nhiễm sau sinh khi bú mẹ hay do tiếp xúc với các dịch tiết khác của mẹ.

40 – 60% bé sơ sinh bú mẹ hơn một tháng mà mẹ có huyết thanh dương tính với CMV sẽ bị lây nhiễm.

–  Bé sơ sinh còn có thể bị lây truyền CMV khi truyền máu, cho nên cần sàng lọc máu kỹ trước khi truyền cho bé.

–  Hầu hết các bé nhiễm CMV trong khi sinh hay sau sinh đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số bé sơ sinh non tháng nhiễm CMV trong hay sau sinh có thể có triệu chứng viêm phổi kẽ kéo dài; tác nhân gây bệnh có thể là Chlamydia trachomatisPneumocystis hay Ureaplasma urealyticum.

–  Triệu chứng thường gặp nữa là: cân nặng lúc sinh thấp, viêm hạch, nổi mẫn, viêm gan, thiếu máu và tế bào lym-phô tăng cao, không điển hình. CMV có thể được thải ra bằng đường ruột hay nước miếng kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

*  Nhiễm CMV ở người lớn và trẻ em lớn

Mặc dù nhiễm CMV có thể thấy ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở thanh niên có hoạt động tình dục nhiều hơn.

Thời gian ủ bệnh: 20 – 60 ngày,

Thời gian có thể có triệu chứng bệnh: 2 – 6 tuần.

 Triệu chứng

– Sốt cao kéo dài, đôi khi lạnh run, mệt mỏi nhiều, khó chịu;

– Nặng hơn thì bệnh nhân thường bị đau cơ, nhức đầu, lách to;

Ít khi bạch cầu đơn nhân tăng, viêm họng xuất tiết và viêm hạch bạch huyết ở cổ.

Đôi khi bệnh nhân nổi mẩn giống như rubella, viêm phổi kẽ, viêm màng tim, viêm màng phổi, viêm khớp và viêm não.

Xét nghiệm: tế bào lym-phô trong máu ngoại vi tăng, khoảng 10% là tế bào không điển hình, men gan tăng; đôi khi có thể có tán huyết, tiểu cầu và bạch cầu giảm trong giai đoạn bình phục.

Hầu hết bệnh nhân hồi phục không di chứng tuy vẫn bị mệt mỏi kéo dài.

Rất hiếm khi nhiễm CMV đưa đến tử vong, ngoại trừ các trường hợp bệnh nhân đã có sẵn suy giảm miễn dịch. Vì vậy với các bà bầu cần được tư vấn mang thai để biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và thăm khám kịp thời nếu có triệu chứng bệnh.

Mọi vấn đề về sức khỏe, tâm lý vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

RELATED ARTICLES

3 BÌNH LUẬN

  1. Con trai lấy vợ được gần 2 năm,sau 2 lần không giữ được thai,các cháu đi khám thì bác sỹ kết luận là bị vi trùng CMV,nên phải uống thuốc sau 2 tháng mới có thể có con.Vậy xin hỏi:
    1-Bệnh này có chữa khỏi hẳn được không?
    2-Có những rủi ro tiềm ẩn gì lien quan đến vô sinh hoặc cháu bé sau này?
    Cám ơn nhiều.
    DĐ:0913924308.

    • Chào Vũ Văn Ly,
      Cytomegalovirus (từ tiếng Hy Lạp cyto-“tế bào”, và-megalo-, “lớn”) là một virus thuộc nhóm Herpesviruses.
      Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người nhiễm CMV. Các điều trị chủ yếu là nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và chống các rối loạn nước, điện giải. Các biện pháp cụ thể như sau:
      + Tăng cường dinh dưỡng
      + Phòng chống bội nhiễm, tiêu chảy, rối loạn nước điện giải
      + Tăng cường miễn dịch bằng biện pháp thay thế để dự phòng nhiễm khuẩn cho những người bị các bệnh thiếu hụt IgG và các kháng thể khác.
      + Sử dụng thuốc Ganciclovir.
      Hiện vẫn chưa có vaccine dự phòng CMV.
      Con sinh ra từ mẹ bị nhiễm CMV có thể lây CMV từ mẹ, nhưng biểu hiện bệnh hay không, điều trị hay không phụ thuộc vào lâm sàng và tải lượng virus trong cơ thể.
      Chúc bạn sức khỏe!
      Hãy gọi điện đến tổng đài 19006237 để được tư vấn trực tiếp.
      BS tổng đài 19006237.

  2. Kính chào Bác sỹ;

    Em sinh cháu vào tháng 4 năm 2016 (mổ đẻ), đến ngày 03/7/2016 cháu xuất hiện những chấm xuất huyết trên da, bé nhập viện nhi TW và được xét nghiệm dương tính với virus CMV dẫn đến giảm tiểu cầu. Bé điều trị ở viện 10 ngày thì được xuất viện khi tiểu cầu lên mức 157. Các bác sỹ có kê thuốc medrol 4mg cho cháu uống (7 ngày liên tục, mỗi ngày 1,5 viên và 1 tháng uống cách nhật 1 viên/ngày = 15 viên trong 1 tháng). Hôm 22/8 bé được xét nghiệm lại thì tiểu cầu lên 234 và tạm thời không dùng thuốc nữa.
    Với tư cách là một người mẹ, em rất lo lắng khi biết cháu bị nhiễm virus CMV sau khi đọc các thông tin liên quan đến virus này. Em có một số câu hỏi muốn bác sỹ tư vấn:
    1. Sau khi sinh gần 90 ngày bé mới xuất hiện triệu chứng lâm sàng, như vậy là bé bị nhiễm CMV bẩm sinh có phải không ạ? Vợ chồng em chưa đi làm xét nghiệm vì chúng em đoán 99% vợ chồng có virus này trong người. Em hoang mang không biết mình bị nhiễm trước hay trong khi mang thai ạ? Bác sỹ tư vấn giúp em ạ.
    2. Kết quả xét nghiệm CMV của bé vào đầu tháng 7/2016: CMV (+), 9340/ml, IgM (+), IgG (+). Với tải lượng như thế này thì mức độ nguy hiểm như thế nào ạ?
    3. Hiện tại sức khỏe bé ổn định, phát triển bình thường (hơn 2 tháng cháu đã biết hóng chuyện, 3,5 tháng biết lẫy …) nhưng em nuôi con trong tâm trạng bồn chồn, căng thẳng không biết khi nào sẽ lại xuất hiện triệu chứng. Em rất mong bác sỹ tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về trường hợp nhiễm bệnh của con em cùng các nguy cơ và các biện pháp giảm, hạn chế xuất hiện triệu chứng.
    Rất mong nhận được phản hồi sớm của các bác sỹ.
    Chân thành cảm ơn.
    Thanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT