Lạnh kèm mưa và ẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhiều người,đặc biệt là trẻ nhỏ khiến các bệnh viện nhi đông nghẹt bệnh nhân khám điều trị.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện trong mấy ngày gần đây tăng mạnh. Trung bình một ngày có 2.000-2.300 trẻ đến khám, chủ yếu là bệnh do thời tiết lạnh gây ra như sốt, cảm cúm, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi Đặc biệt, hiện nay cũng là thời điểm gia tăng của tiêu chảy mùa đông – tiêu chảy do vi rút rota. 50 phòng khám của BV Nhi T.Ư luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất.
Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng Khoa khám bệnh, BV Nhi T.Ư, phần lớn trẻ bị các bệnh về đường hô hấp. Trung bình mỗi ngày BV vẫn tiếp nhận từ 1.600-2.000 trẻ khám, khoảng 10% trong số này phải nhập viện điều trị. Đa số là trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện với các triệu chứng nóng, sốt. Trẻ thường mệt mỏi, đau đầu, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, nôn…
Để tránh mắc các bệnh này, điều quan trọng là giữ ấm khi thời tiết lạnh, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Bạn nên chú ý những điều sau:
- Không tránh ánh sáng mặt trời. Bạn không nên chỉ giữ trẻ ở nhà suốt ngày trong mùa lạnh, khi trời có nắng bạn nên đưa trẻ ra ngoài để hấp thụ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên khi ra ngoài trong mùa lạnh bạn nên đội mũ và che tai cho bé cẩn thận.
- Giữ cho trẻ thật ấm, nhưng không làm cản ngại mọi hoạt động, dịch chuyển của bé. Đặc biệt là đối với giày. Nếu bạn mang giày và tất cho bé quá chật, máu sẽ khó lưu thông, làm cho đôi bàn chân bé trở nên lạnh lẽo hơn.
- Khi bạn mặc áo ấm cho bé để đi học hay ra ngoài, chú ý chọn loại áo giúp bé thông thoáng, dễ thở và đặc biệt không thấm nước, vì hơi sương sẽ thấm vào áo làm bé lạnh hơn. Không sử dụng chất liệu cotton mà nên sử dụng len vì cotton dễ bị thấm nước.
- Trẻ được hấp thụ đầy đủ dưỡng chất sẽ dễ dàng đánh bại những cơn ho và cảm cúm, sổ mũi, tiêu chảy… các căn bệnh thường niên trong mùa lạnh. Bạn nên chú ý bổ sung cho trẻ nhiều vitamin C, ăn nhiều trái cây tươi và rau, phômai và sữa chua.
- Khi thời tiết lạnh, bạn nên kiểm tra lại các thiết bị sưởi ấm trong nhà, máy nước nóng, chăn điện, quạt sưởi… để đảm bảo các thiết bị không bị rò rỉ, chập điện, nguy hiểm đến tính mạng. Các thiết bị sưởi ấm phải để xa tầm tay trẻ em và được che chắn cẩn thận, đảm bảo trẻ sẽ không nghịch hoặc với tới được.
- Nên bỏ thêm vài đôi tất, găng tay, mũ len… cho trẻ trong cặp sách để đảm bảo trẻ luôn có đầy đủ các thiết bị bảo hộ khi ra ngoài.
- Tránh những gió lùa: Không đặt bé gần cửa sổ, cửa chính đang mở hoặc những khe cửa nhiều gió.
- Giữ ấm khi ra đường: Khi trẻ ra đường, bạn nên đeo khẩu trang bảo vệ mũi miệng cho trẻ, đeo khăn quàng cổ cho trẻ, và dặn trẻ tránh hoạt động quá nhiều để gây ra mồ hôi.
- Tắm phải đúng cách: Tắm trong phòng kín gió, bật máy sưởi lên cho ấm phòng trước khi cho bé tắm. Hoặc mở vòi nước nóng để hơi nóng lan tỏa khắp phòng rồi hãy tắm cho bé. Cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để phòng nhiễm lạnh. Đối với trẻ đang ốm, cũng nên áp dụng cách này khi trời rét, vì không tắm cũng góp phần làm bệnh trở nặng hơn.
- Khi bạn bị cảm cúm hoặc bé bị cảm, bạn phải tránh hôn ở vùng mặt hoặc quanh miệng bé.
- Khi bị sổ mũi, bạn nên hắt hơi vào khăn giấy và vứt bỏ khăn giấy ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn lau mặt để chùi mũi
Đưa trẻ đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu
– Trẻ từ 1 tuần đến 2 tháng: trẻ bỏ bú, hay bú kém, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rên, ngủ li bì, thóp phồng, chảy mủ tai, sốt, nhiều mụn ở da, cử động ít hơn bình thường.
– Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: trẻ có sốt hay sốt cao, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, thở nhanh, chảy nước ở lỗ tai, không ăn uống được.
-Trẻ đi đại tiện nhiều lần (trên 3 lần một ngày) và tính chất phân thay đổi: phân loãng, nhiều nước, nôn, sốt hay sốt cao, mệt mỏi
– Không nên tự điều trị bệnh cho trẻ ở nhà. Không nên tự động cho trẻ uống thuốc, vì có thể bạn sẽ cho trẻ uống thuốc dành cho người lớn hoặc với liều lượng như của người lớn, như thế sẽ gây ngộ độc thuốc nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra nếu chữa không đúng, bệnh trẻ trở nặng hơn, khi vào bệnh viện sẽ khó điều trị.
Chú ý: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ, hãy gọi đến tổng đài tư vấn sức khỏe, tâm lý 19006237 để được tư vấn cụ thể.