Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.Nếu chăm sóc không đúng cách diễn biến bệnh có thể xấu đi.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Nếu đang có dịch sốt xuất huyết xảy ra, khi người bệnh bắt đầu có biểu hiện sốt cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi. Trong giai đoạn này về chăm sóc cần lưu ý:
Hạ nhiệt
Khi bệnh nhân sốt cao trên 38º5C: cần dùng thuốc hạ sốt. Nên dùng thuốc paracetamol, theo chỉ định của thầy thuốc( 10-15mg/kg). Cứ mỗi 4-6 giờ cần cặp lại nhiệt độ một lần, nếu còn sốt cao lại tiếp tục cho người bệnh uống thuốc hạ nhiệt, nhưng trong một ngày không uống quá 4 lần vì có thể gây độc với gan. Đặc biệt chú ý không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết. Ngoài ra, cần cho người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật gây cản trở cho việc hạ sốt và chườm mát cho người bệnh nhân.
Bồi phụ nước và điện giải
Cho người bệnh uống đủ nước: do tình trạng sốt và nôn nhiều thường dẫn đến thiếu nước và chất điện giải. Cần khuyến khích người bệnh uống nhiều nước có chất điện giải như oresol, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc nước cháo loãng với muối. Gói oresol có bán sẵn trên thị trường và cần chú ý đọc kỹ về hướng dẫn cách pha dung dịch trên mỗi gói thuốc. Nếu bệnh nhân có nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ và nhiều lần.
Trong suốt giai đoạn có sốt, đặc biệt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt, cần theo dõi sát người bệnh và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy cơ bệnh diễn biến nặng như đã đề cập ở phần trên, để đưa người bệnh nhập viện điều trị kịp thời.
Chế độ ăn và nghỉ ngơi
– Về chế độ ăn: Cần cho bệnh nhân ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa nhỏ.
– Nghỉ ngơi: Trong giai đoạn có sốt người bệnh cần được nghỉ nghơi hoàn toàn, hạn chế đi lại. Tốt nhất nên tạo điều kiện cho người bệnh nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến khi hết sốt 1 – 2 ngày.
Trong trường hợp nào thì đưa đến viện?
Cần cho người bệnh nhập viện để được chăm sóc chặt chẽ những trường hợp có cơ địa đặc biệt, ví dụ như phụ nữ mang thai, trẻ dưới 1 tuổi, người béo phì, người cao tuổi; có các bệnh mạn tính kèm theo như tiểu đường, các bệnh về phổi, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận. Những trường hợp người bệnh không uống được, hoặc nôn quá nhiều trong nhiều giờ liền, cũng cần nhập viện để được sự hỗ trợ của y tế. Những trường hợp sống độc thân, hoặc nhà quá xa cơ sở y tế thì việc nhập viện để được sự hỗ trợ của cán bộ y tế cũng là cần thiết.
Phòng bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Vì tầm quan trọng của bệnh, như nguy cơ mắc bệnh và tử vong, đặc biệt hiện nay chưa có vaccin tiêm phòng thì việc phòng bị muỗi đốt truyền bệnh là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc phòng bệnh cần có ý thức chung của mọi cá nhân và các hộ gia đình. Cần lưu ý:
Không tạo điều kiện cho muỗi tồn tại và phát triển: cần huy động mọi nguồn lực để tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phát quang các bụi rậm gần nhà, không để nước tù đọng, đặc biệt lưu ý sau cơn mưa, các chum vại chứa nước cần phải đậy kín để muỗi không có chỗ sinh sản. Trong nhà cần để thoáng, không có chỗ cho muỗi cư trú.
Không để muỗi đốt: Ngoài hai biện pháp trên cần tránh để muỗi đốt bằng cách nằm màn, dùng hương muỗi. Cần lưu ý là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày.
-Thu Hương(TH)-
Chú ý: trên đây là một số thông tin tham khảo về chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, hãy gọi đến tổng đài 19006237 để được tư vấn cụ thể.