Ngày nay nhờ sự phát triển kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phát triển đặc biệt là siêu âm, bạn có thể theo dõi sự phát triển của đứa bé của mình từ rất sớm. Vậy, siêu âm có tác động tới sự phát triển của trẻ hay không, siêu âm vào những giai đoạn nào, thời gian nào là thích hợp, khoa học, hợp lý và đúng chỉ định.
Thai 11-13 tuần 6 ngày, 21-25 tuần, 32-36 tuần là những thời điểm quan trọng cần siêu âm nhằm phát hiện dị tật thai nhi, tình trạng phát triển của thai nhi…
Trong suốt thai kỳ, tối thiểu cần siêu âm ở những thời điểm sau:
– Khi phát hiện trễ kinh: Siêu âm lúc này để xem có thai hay không, thai nằm trong hay ngoài tử cung, thai bình thường hay bệnh lý, số lượng thai. Đặc biệt, đối với những chị em quên ngày kinh chót hoặc ngày kinh không đều, bác sĩ có thể dựa vào siêu âm 3 tháng đầu để tính tuổi thai, từ đó, biết được ngày sinh với sai số là +- 3 ngày.
– Tuổi thai từ 11-13 tuần 6 ngày: Siêu âm đo độ mờ gáy thai nhi. Dựa vào đó, bác sĩ tiên lượng được nguy cơ hội chứng Down của thai kỳ. Nếu độ mờ gáy >3mm thì 30% là thai bị hội chứng Down.
– Tuổi thai 21-25 tuần: Siêu âm khảo sát hình thái thai nhi. Thời điểm này có thể quan sát kỹ các phần của thai nhi. Từ đó, phát hiện được những dị tật bẩm sinh nếu có. Bên cạnh đó, khảo sát về bánh nhau, nước ối…
– Tuổi thai 32-36 tuần: Siêu âm đánh giá sự phát triển thai nhi có phù hợp với tuổi thai hay không, xác định ngôi thai, vị trí bánh nhau, lượng nước ối.
– Đến ngày sinh: Một lần nữa xác định tình trạng thai, ngôi thai, ước lượng cân nặng thai nhi, lượng nước ối, vị trí nhau, từ đó tiên lượng cho cuộc sinh dễ hay khó.
Có nên siêu âm nhiều lần khi mang thai?
Hiện nay, ngành y tế ngày càng phát triển và hiện đại nên việc khám thai trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Chính vì thế mà nhiều sản phụ khi mang thai vì mong muốn được nhìn thấy hình ảnh con nên đã không ngần ngại tốn kém đi siêu âm nhiều lần. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, việc siêu âm nhiều lần khi mang thai là điều không cần thiết.
Cần siêu âm bao nhiêu lần khi mang thai?
PGS-TS-BS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khi tham dự chương trình hội thảo “Hành trình làm mẹ” dành cho phụ nữ đang mang thai tại Hà Nội cho biết: “Siêu âm là cách ghi lại hình ảnh của thai nhi ở trong bụng mẹ. Nhờ đó mà mẹ không chỉ được nhìn thấy sự phát triển của thai nhi mà còn sớm biết được liệu bé có mắc các dị tật bẩm sinh hay không. Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay có nhiều bà mẹ mang thai nghiện đi siêu âm, điều này ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của thai nhi”.
Cũng theo PGS-TS-BS Nguyễn Đức Hinh, trong suốt quá trình mang thai có 2 thời điểm quan trọng bắt buộc các bà mẹ mang bầu phải đi siêu âm và thăm khám thai, đó là tuần 12 và tuần 22 của thai kỳ.
Khi thai kỳ ở tuần thứ 12, các bác sĩ siêu âm có thể xác định tuổi thai một cách chính xác nhất. Và điều quan trọng hơn là bác sĩ có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành…). Nếu các bà mẹ mang thai đơn hay đôi thì giai đoạn này cũng là thời điểm để bác sĩ siêu âm có thể cho bạn kết quả chính xác nhất.
Thời điểm quan trọng thứ hai nên siêu âm khi thăm khám thai là tuần thứ 22 của thai kỳ. Đây là thời điểm mà các cơ quan bên trong thai nhi đã hình thành đầy đủ và khi được siêu âm, các bác sĩ sẽ xem xét xem các cơ quan đó có phát triển bình thường hay không. Các cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, các bà mẹ nên siêu âm thai ở tuần thứ 32. Các bác sĩ sẽ phát hiện những bất thường xuất hiện muộn ở động mạch, tim và vùng cấu trúc não. Họ cũng sẽ kiểm tra dây rốn có đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít).
Những tác hại của việc lạm dụng siêu âm thai
Hiện nay, các tác hại lâu dài của siêu âm trong tiền sản đối với thai nhi chưa được chứng minh nhưng không ai dám khẳng định rằng siêu âm là hoàn toàn vô hại đối với thai nhi, nhất là đối với những thai nhi dưới 8 tuần tuổi – thời điểm thai đang hình thành.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy siêu âm không gây ra ảnh hưởng gì đáng kể đối với cả cơ thể người mẹ và thai nhi. Khi các bà mẹ mang thai, việc siêu âm không hề khiến họ đau hay có cảm giác khó chịu gì đặc biệt.
Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai không nên quá lạm dụng siêu âm. Việc siêu âm thai quá nhiều không chỉ tốn kém về mặt kinh tế mà còn rất mất thời gian bởi những lần chờ đợi được thăm khám và siêu âm.
Nguồn dotcardglenndoman.com