Trang chủSức khỏe trẻ emChăm sóc khi trẻ bị sốt

Chăm sóc khi trẻ bị sốt

Sốt  là phản ứng tự vệ của cơ thể, chống lại các tác nhân gây nhiễm, sốt là một dấu hiệu tốt chứng tỏ cơ thể có khả năng tự vệ, đối với trẻ sơ sinh đôi khi có tình trạng nhiễm trùng nhưng không sốt, hoặc trẻ suy giảm miễn dịch,trẻ bị lao nặng cũng không sốt.

Nguyên nhân gây sốt:

Có nhiều nguyên nhân gây sốt, đa số là do nhiễm siêu vi. Sốt có thể do bị trúng nắng, trúng nóng. Sốt có thể do cơ thể bị nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm ruột, bị nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng da, sốt do nhiễm lao,..hoặc chỉ  đơn thuần là bé sốt sau khi chích ngừa hoặc mọc răng, đó là phản ứng tốt của cơ thể,  tuy nhiên trong những  trường hợp này thì sốt không kéo dài quá 2 ngày. Và có những trường hợp sốt do sử dụng kháng sinh kéo dài và liên tục.

Sốt  là một  triệu chứng thường hay gặp nhất ở trẻ em và là một  trong những nguyên nhân hàng đầu làm phụ huynh lo lắng và  đưa con đến khám bệnh. Bình thường thân nhiệt ở trẻ dao động từ 36,8 độ C đến 37,3 độ C. Nhiệt độ buổi chiều thường tăng hơn buổi sáng khoảng nửa độ. Gọi là sốt khi trẻ có nhiệt độ trên 38 độ C (đo nhiệt độ hậu môn hoặc ở tai là chính xác , ở nách thì cộng thêm 0,5 độ nữa) .

Sốt cao có thể từ 39 đến 40 độ C. Trên 40,5 độ thì xem như một cấp cứu đối với trẻ vì dễ đưa đến co giật. Tuy nhiên ở nhiều trẻ có tiền căn co giật thì ngưỡng sốt gây co giật có thể thấp hơn , có thể chỉ cần sốt dưới 38 độ C là có nguy cơ gây co giật.

Tuổi nào thì thường bị sốt?

– Tuổi nào cũng có thể sốt, càng nhỏ càng dễ sốt. Sốt ở trẻ nhỏ thường dễ hạ nếu tìm ra nguyên nhân và xử lý nguyên nhân.

– Khi nào thì sốt đáng lo? Đó là những trường hợp sau:

·         Sốt cao khó hạ , cho dù đã lau mát , uống thuốc hạ nhiệt.

·         Có những trường hợp sốt kèm theo các triệu chứng nguy hiểm khác như nôn ói , thở khò khè, thở mệt, giựt mình hoảng hốt , lạnh tay lạnh chân v.v…

·         Sốt cao liên tục 2, 3 ngày hoặc sốt tái đi tái lại kéo dài hơn 1 tuần.

·         Riêng trẻ  nhỏ dưới 3 tháng tuổi  khi bị sốt, nhất thiết phải đi khám và cần nhập viện để tìm nguyên nhân nhất là trẻ còn trong tháng mà sốt.

Làm gì khi thấy  bé  sốt:

– Khi trẻ sốt phải cởi quần áo bé ra, lau bằng nước ấm, nhất là vị trí ở nách, bẹn, đầu. Lau nước khoảng 5- 15 phút và mặc quần áo thoáng nhẹ bằng cotton cho bé. Sau nửa giờ  cặp nhiệt  lại, nếu nhiệt độ chưa xuống thì nên cho bé uống hạ sốt hoặc nhét thuốc ở hậu môn cho bé.

– Không nên ủ ấm bé và cũng  không nên chườm lạnh khi bé đang sốt. Khi gặp lạnh mạch sẽ bị co lại, khó thoát nhiệt hơn.

– Không dùng rượu hay chanh để chà sát , lau cho bé, dễ gây  ngộ độc và dễ tổn thương da .

– Không tự ý dùng thuốc kháng sinh.

– Khi sốt cao , tạm ngưng ăn, đề phòng bé sốt cao có thể gây co giật.

 – Cho bé uống nước nhiều vì sốt thường mất nhiều nước qua mồ hôi và hô hấp, nêu uống nước ít sốt sẽ khó hạ.

– Khi đã qua cơn sốt cho bé ăn nhẹ , thức ăn dễ tiêu, và tăng lên từ từ.

– Trẻ còn bú mẹ thì vẫn cho bú theo nhu cầu.

– Theo dõi các dấu hiệu đi kèm sốt là việc quan trọng, vì sẽ tìm ra nguyên nhân gây sốt và lưu ý những dâu hiệu nặng của trẻ .

TH

Lưu ý: Khi có thắc mắc về  sức khỏe trẻ em,  bạn hãy gọi đến tổng đài tư vấn 19006237 để nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT