Khi sinh thường, một số sản phụ sẽ gặp phải những tình huống khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, như không biết rặn, bé quá to so với âm đạo của mẹ, …. Thủ thuật rạch tầng sinh môn sẽ giúp làm giảm sự đau đớn cho sản phụ trong quá trình chuyển dạ, giúp việc sinh thường diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về thủ thuật rạch tầng sinh môn này nhé.
Rạch tầng sinh môn là gì?
Rạch tầng sinh môn là một thao tác dạng cắt (rạch) vùng da từ âm đạo hướng xuống dưới hậu môn – còn gọi là vùng đáy chậu (vùng giữa hậu môn và cơ quan sinh dục) để tạo đường rộng cho em bé chui ra.
Rạch tầng sinh môn giúp quá trình chuyển dạ nhanh hơn và hạn chế rách âm đạo do rặn đẻ, nhất là trong lần sinh nở đầu tiên. Nhiều chuyên gia cho rằng, thủ thuật này giúp người mẹ tránh những rắc rối về sau như tình trạng tiểu không kiểm soát.
Rạch tầng sinh môn tốt hơn để rách tự nhiên
Dù thủ thuật rạch có thể gây chảy máu khi chuyển dạ, kéo dài thời gian đau khi phục hồi nhưng phương pháp này giúp vùng kín sẽ ít rách hơn ở lần sinh sau. Ngoài ra, thai phụ được rạch sẽ tránh được những vết rách nghiêm trọng (có thể là rách trực tràng). Không những thế, khi bị rách tự nhiên, vùng kín sẽ phục hồi chậm, bị đau nhiều hơn và khả năng đàn hồi ở các cơ xương chậu cũng kém hơn. Vết rách có thể ảnh hưởng đến cơ vòng ở hậu môn, gây khó khăn khi đi đại tiện hoặc “xì hơi”.
Những trường hợp cần rạch?
– Người mẹ không biết cách rặn đẻ.
– Đầu của bé quá to so với âm đạo của mẹ.
– Thai trong tình trạng nguy hiểm.
– Trường hợp phải nhờ kẹp forcep (dùng để kẹp vào đầu bé, giúp lôi bé ra ngoài dễ hơn)…
Mối nguy với sức khỏe
Rạch tầng sinh môn là thủ thuật không còn xa lạ với thai phụ hiện nay. Nó có thể kèm theo một số nguy cơ như sau cho người mẹ:
– Nhiễm khuẩn.
– Ra máu.
– Sưng phù.
– Thâm tím.
– Đau ở chỗ rạch trong một khoảng thời gian.
Những mũi khâu
Sau khi hoàn thành công cuộc sinh nở, người mẹ sẽ được bác sĩ khâu lại chỗ vừa bị rạch. Tất nhiên là cần một khoảng thời gian nữa thì vết thương mới lành hẳn. Khi khâu, bác sĩ thường dùng chỉ tự tiêu nên sau đó, chỉ sẽ tự biến mất chứ không phải mất công đi tháo chỉ.
Nhiều người mẹ cảm thấy cơn đau còn kéo dài 1-2 tuần sau đó. Trong khi một số khác bị đau hàng tháng, hoặc lâu hơn.
Thời điểm lành vết khâu
Đáy chậu hoàn toàn hồi phục khoảng 6 tuần sau sinh. Một số người mẹ có cảm giác hơi căng tức ở vết khâu nhưng nếu bác sĩ nói rằng không vấn đề gì thì bạn không cần lo lắng. Trong lần quan hệ đầu tiên sau sinh, cần chú ý tắm nước ấm và thêm nhiều thời gian cho khúc dạo đầu. Có thể chọn tư thế “phụ nữ bên trên” để dễ dàng điều chỉnh sự xâm nhập và cảm giác thoải mái. Cũng có thể dùng dầu bôi trơn dạng nước để cuộc “giao ban” suôn sẻ hơn. Dầu trơn là công cụ hiệu quả trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ vì khi ấy, âm đạo thường khô đi do estrogen giảm.