Virus bệnh CMV là gì? Con đường lây truyền, triệu chứng và điều trị bệnh CMV? Tất cả sẽ được Bác sĩ Hoàng Thị Ly giải đáp trong bài viết dưới đây.
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Ly
1. Bệnh CMV là gì?
Bệnh CMV do virus Cytomegalo (CMV) thuộc nhóm Herpes gây nên. Đây là bệnh lý rất phổ biến, có thể gặp ở mọi nhóm tuổi, ở mọi hoàn cảnh sống, từ những bất thường bẩm sinh đến các rối loạn bệnh lý, đặc biệt hay ở người suy giảm miễn dịch.
Bệnh CMV lây truyền như thế nào?
Nhiễm trùng cytomegalovirus có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh, bao gồm: trong sữa mẹ, trong máu, nước bọt, phân và nước tiểu sữa, dịch tiết sinh dục như tinh dịch hoặc dịch âm đạo…
Bệnh CMV chỉ có thể lây truyền trong giai đoạn virus đang hoạt động. Nếu tiếp xúc với người mang virus trong thời gian virus ngủ thì sẽ không bị lây.
Các đường lây truyền bệnh CMV bao gồm:
- Chạm vào mắt, miệng, lỗ mũi của mình sau khi tiếp xúc với dịch của người nhiễm virus. Đây là con đường lây nhiễm CMV phổ biến nhất.
- Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm virus CMV.
- Lây từ mẹ sang con thông qua nhau thai hoặc sữa mẹ.
- Lây qua việc truyền máu hoặc cấy ghép các cơ quan trong cơ thể.
2. Triệu chứng của bệnh CMV là gì?
Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm bệnh CMV không có biểu hiện lâm sàng do vậy bệnh chủ yếu được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe hoặc khi bệnh có các biểu hiện nặng. Một khi đã bị nhiễm thì người bệnh sẽ mang CMV suốt đời kể cả không có triệu chứng.
Nhiễm bệnh CMV trong giai đoạn bẩm sinh:
Trong giai đoạn bẩm sinh, virus xâm nhập qua bánh rau vào trong bào thai. Khi một trẻ bị nhiễm cytomegalovirus (CMV) ở nhiều cơ quan cũng có thể dẫn đến bất thường bẩm sinh.
Hầu như chỉ những thai nhi có mẹ bị nhiễm bệnh CMV lần đầu trong khi mang thai mới có triệu chứng lâm sàng.
Thai nhi có thể có nhiều dạng biểu hiện lâm sàng, từ thể không có triệu chứng đến thể nặng và lan rộng toàn thân như đốm mảng xuất huyết, gan, lách to, vàng da (60-80%), teo não và đầu nhỏ, nhu mô não bị vôi hóa, chậm phát triển trong tử cung(30-50%) – suy dinh dưỡng bào thai, thoát vị bẹn và viêm võng mạc…
Nhiễm bệnh CMV chu sinh:
Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm cytomegalovirus rong lúc sinh khi ngang qua âm đạo hoặc nhiễm sau sinh khi bú sữa mẹ hay do tiếp xúc với các dịch tiết khác của mẹ ( 40 – 60 % trẻ sơ sinh bú mẹ hơn một tháng mà mẹ có huyết thanh dương tính với CMV sẽ bị lây nhiễm)
Đa số các trường hợp nhiễm bệnh cytomegalovirus (CMV) chu sinh đều không có triệu chứng, một vài triệu chứng có thể gặp như cân nặng lúc sinh thấp, viêm hạch, viêm phổi kẽ kéo dài,nổi mẩn, viêm gan, tế bào lympho tăng và thiếu máu.
Nhiễm bệnh CMV ở trẻ em lớn và người lớn:
Nhiễm bệnh cytomegalovirus (CMV) ở trẻ em lớn và người lớn gây ra hội chứng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
Thời gian ủ bệnh 20 – 60 ngày, xuất hiện triệu chứng bệnh sau 2 – 6 tuần với các triệu chứng: sốt kéo dài, đôi khi lạnh run, suy yếu, khó chịu; đau cơ, lách to, viêm họng xuất tiết và viêm hạch ở cổ;…bất thường chức năng gan và bệnh lý lympho bào.
Bệnh thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân hồi phục không di chứng. Rất hiếm khi nhiễm bệnh CMV đưa đến tử vong, trừ các trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Đặc biệt ở bệnh nhân được ghép thận, ghép tủy có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để lại biến chứng viêm phổi mô kẽ với tỷ lệ cao.
3. Điều trị bệnh CMV như thế nào?
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh CMV, do đó việc điều trị chủ yếu là :
- Tăng cường đảm bảo dinh dưỡng, chế độ ăn đa dạng phong phú, an toàn thực phẩm tránh rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy,nôn mửa…
- Phòng chống bội nhiễm bằng chế độ vệ sinh hàng ngày. Đề phòng rối loạn nước điện giải.
- Tăng cường miễn dịch bằng biện pháp thay thế để dự phòng nhiễm khuẩn cho những người bị các bệnh thiếu hụt IgG và các kháng thể khác.
- Sử dụng thuốc Ganciclovir nhằm làm giảm mức độ suy giảm miễn dịch theo chỉ định của bác sĩ.
4. Phòng bệnh CMV như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có vacxin dự phòng bệnh CMV. Tuy nhiên bệnh CMV vẫn có thể phòng ngừa bằng những cách sau:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị mắc bệnh CMV.
- Sàng lọc kỹ máu trước khi truyền máu, sàng lọc tủy xương, tạng ghép trước khi đưa vào người nhận.
- Trẻ bị bệnh thể vùi tế bào khổng lồ thải virus qua nước tiểu phải cách ly với những trẻ khác.
- Có thể sử dụng CMV-globulin miễn dịch tiêm để hạn chế bớt các trường hợp nhiễm khi ghép tạng hoặc dự phòng nhiễm cho các bé có mẹ nhiễm tiên phát CMV trong lúc mang thai.
- Acyclovir hay valacyclovir có thể hạn chế bớt sự lây nhiễm CMV cho người nhận tạng ghép.
Trên đây là những thông tin về Virus bệnh CMV là gì? Triệu chứng & điều trị. Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.