Bệnh viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B là một loại virut hướng gan, gây ra bệnh viêm gan. Theo ước tính của Tổ chức Y Tế Thế Giới, hiện có khoảng 350 triệu người mang siêu vi B, tập trung chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Ðông Nam Á.

Bệnh viêm gan siêu vi B
Bệnh viêm gan siêu vi B

1.  Cấu trúc virus viêm gan siêu vi B

HBV bao gồm phần lõi ở trung tâm và lớp vỏ bao phủ bên ngoài. Lớp vỏ chứa một protein mang tên kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg = hepatitis B surface antigen). Phần lõi chứa HbcAg (hepatitis B core antigen), HBeAg (hepatitis B e antigen), HBV DNA và DNA polymerase.

2. Đường lây nhiễm

HBV được tìm thấy số lượng lớn trong máu. Ngoài ra còn hiện diện trong tinh dịch, dịch tiết âm đạo, sữa mẹ, và nước bọt, nhưng rất ít trong nước tiểu và không có trong phân.

Lây truyền qua 04 đường, do tiếp xúc với máu hay dịch tiết của người có chứa siêu vi viêm gan B :
– Mẹ truyền sang con: trẻ sơ sinh, con của bà mẹ bị nhiễm siêu vi B. Ðây là đường lây quan trọng nhất.
– Ðường tình dục: hoạt động tình dục cùng giới đồng tính nam hoặc khác giới với người nhiễm siêu vi B.
– Truyền máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi B, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay với người bị nhiễm siêu vi B, kim chích xăm mình hay xỏ lỗ tai không đảm bảo vô trùng. Nhân viên y tế bị tai nạn chạm phải kim tiêm nhiễm siêu vi B.
– Tiêm chích ma túy: dùng chung kim tiêm có nhiễm siêu vi B

Không lây qua đường tiếp xúc thông thường  như dùng chung đồ dùng ăn uống như bát đũa…

3. Biểu hiện của bệnh viêm gan siêu vi B

  • Viêm gan siêu vi B có thể chia làm nhiều loại: cấp, mãn hay thể kéo dài. Tuy mỗi dạng có những đặc trưng riêng, nhưng đều có chung một số triệu chứng sau:
    Người mới bị viêm gan virus B cấp, thường bị sốt nhẹ trong những ngày đầu của bệnh. Tuy nhiên, những người bị viêm virus B mãn cũng có thể sốt nhẹ nhưng bệnh nhân thường bị sốt thất thường vào chiều.
  • Bệnh nhân có cảm giác người rất mệt mỏi, không muốn ăn uống, không  muốn đi lại. Triệu chứng này tồn tại ở đa số bệnh nhân với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân viêm gan virus B chỉ có triệu chứng mệt mỏi là duy nhất.
  • Bệnh nhân có thể có rối loạn tiêu hoá, thể hiện: khi ăn vào ậm ạch khó tiêu, đi ngoài phân lỏng, nát… Đặc biệt, với những trường hợp viêm gan B có ứ mật nặng thì phân bị bạc màu.
  • Bệnh nhân có nước tiểu vàng. Có nhiều bệnh nhân bị viêm gan B không thể hiện những triệu chứng trên mà chỉ có hai triệu chứng là mệt mỏi và đi tiểu vàng.

Một số bệnh nhân có biểu hiện đau tức vùng gan.

  • Triệu chứng vàng da. Điều này rất có ý nghĩa thúc đẩy người bệnh nghĩ đến việc mình bị viêm gan và đi khám bệnh. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân bị viêm gan B mà không hề bị vàng da. Lúc này, cần để ý tới các triệu chứng khác để nghĩ đến khả năng bị viêm gan B.
  • Khi bệnh nhân có các triệu chứng nêu trên mà xét HBsAg (+) dương tính và men gan tăng thì khả năng chắc chắn là bị viêm gan do virus viêm gan B
  • Các triệu chứng thường xuất hiện 4-6 tuần sau khi nhiễm HBV và có thể từ nhẹ đến nặng,  gồm một số hoặc đủ các triệu chứng sau đây: chán ăn, buồn nôn và nôn, ốm yếu và mệt mỏi, đau bụng vùng gan, vàng da và vàng mắt, đau khớp, nước tiểu sẫm màu. Viêm gan siêu vi  B mạn tính: 90% trường hợp nhiễm HBV ở tuổi trưởng thành sẽ hồi phục hoàn toàn, còn 10% chuyển thành nhiễm khuẩn mạn tính.
  • Trong khi nếu trẻ em bị nhiễm HBV sau khi sinh thì khoảng 90% số trẻ này sẽ bị nhiễm khuẩn mạn tính. Thời kỳ này kéo dài nhiều năm, thường không có triệu chứng gì, nhưng sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề như xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, ung thư gan…
Bệnh viêm gan siêu vi B
Bệnh viêm gan siêu vi B

4. Chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi B

4.1. Thử máu

Thử máu là phương pháp duy nhất để định bệnh viêm gan siêu vi B. Khi thử máu tổng quát, khả năng làm việc của gan có thể được suy đoán qua những chất hóa học như ALT, AST, Albumin, PT/PTT, v.v. Nhưng để định bệnh viêm gan B, người y sĩ sẽ phải thử một số test máu rất đặc biệt. Vì những cuộc thử nghiệm này rất chuyên môn và việc chuẩn đoán bệnh lý dựa trên những kết quả khảo sát này rất rắc rối và phức tạp, nên phần trình bầy sau đây chỉ dành cho những đọc giả với một trình độ hiểu biết rộng rãi về y khoa.

a) HBsAg (thay thế cho danh từ Australian Antigen):

Ðây là cuộc thử nghiệm máu quan trọng và chính yếu nhất để khám phá ra bệnh viêm gan B. HBsAg là kháng nguyên mặt ngoài của vi khuẩn viêm gan B viết tắt từ Hepatitis B surface Antigen. Nếu dương tính, cơ thể đang bị nhiễm trùng. Chất HBsAg sẽ tăng nhanh từ 1 đến 10 tuần lễ sau khi bị lây bệnh. Nếu cơ thể có khả năng tự chữa bệnh, HBsAg sẽ từ từ giảm dần và hoàn toàn biến mất trong vòng 4 đến 6 tháng. Nếu chất HBsAg không biến đi và tiếp tục kéo dài hơn 6 tháng, bệnh không hết và bước sang giai đoạn nguy hiểm hơn: viêm gan B kinh niên (chronic hepatitis).

b) HBsAb (cũng được gọi là Anti-HBs)

Ðây là kháng thể chống lại kháng nguyên mặt ngoài, viết tắt từ chữ Hepatitis B surface Antibody. Với kháng thể này, cơ thể đã có vũ khí chống lại vi khuẩn viêm gan B. Nói một cách khoa học, chúng ta đã được miễn nhiễm (immune). Tiếc thay, điều này không hoàn toàn giản dị như vậy. Trong thiên nhiên, có nhiều loại vi khuẩn viêm gan B khác nhau. Tùy theo mẫu tín hiệu (codon) trên nhiễm thể DNA, vi khuẩn viêm gan B sẽ được phân chia thành 6 di truyền hình (genotypes) và 4 tiểu loại (subtypes) chính.

Ðể tiêu diệt mỗi một loại vi khuẩn, cơ thể chúng ta cần một loại vũ khí khác nhau. May mắn thay, đa số bệnh nhân một khi đã được miễn nhiễm, chất HBsAb của họ sẽ có khả năng tiêu diệt tất cả các loại viêm gan B kể trên. Chỉ trong 25% bệnh nhân còn lại, chất kháng thể của họ chỉ đủ sức hóa giải một vài loại vi khuẩn viêm gan B trong cơ thể mà thôi. Vì thế, những người này tuy là có vào trong người, nhưng vẫn bị đánh đau bởi các “anh em” viêm gan B.  Trong trường hợp này, máu của bệnh nhân sẽ có cả kháng thể lẫn kháng nguyên mặt ngoài của vi khuẩn viêm gan B (HBsAb và HBsAg đều dương tính cùng một lúc). Những người này được xem là đang bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn viêm gan B, và có thể cần phải chữa trị.

c) HBcAb (cũng được gọi là Anti-HBc)

Ðây là kháng thể chống lại kháng nguyên của nhân vi khuẩn viêm gan siêu vi B, viết tắt từ chữ Hepatitis B core Antibody. Người ta phân biệt 2 loại kháng thể khác nhau: IgM và IgG. HBcAb IgM tăng cao trong một thời gian ngắn khi gan bị viêm cấp tính, và được xem là kháng thể nhất thời, dương tính trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, Sau một thời gian ngắn, chất IgM này sẽ từ từ giảm dần, nhường chỗ cho kháng thể kinh niên: HBcAb IgG. IgG được xem là kinh niên vì chúng sẽ dương tính trong một thời gian lâu dài.

Ðôi khi, chất kháng thể nhất thời HBcAb-IgM tăng cao trở lại trong máu của bệnh nhân viêm gan kinh niên, khi trạng thái của gan bỗng dưng “nóng bỏng” trở lại hoặc bệnh trở nên trầm trọng hơn xưa (exacerbations).

Nói một cách dễ hiểu, mỗi lần “nhà cháy lớn”, chất IgM của HBcAb sẽ tăng cao. Mỗi lần nắng lớn hơn, lá gan sẽ chóng khô hơn. Vì thế, sự thay đổi của chất IgM này có thể được dùng để theo dõi tiến triển của bệnh trong lúc chữa trị.

Tóm lại, HBcAb sẽ dương tính khi cơ thể chúng ta đã có dịp tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan B. Nếu vừa mới bị lây và bệnh còn đang “nóng hổi” chất IgM sẽ tăng cao. Nếu đã bị bệnh trong quá khứ xa xôi chất IgG sẽ dương tính. Vì thế, để thuyên giảm nguy cơ lây bệnh viêm gan B trong lúc nhận máu, hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ dùng phương pháp thử máu này cho tất cả những người đi hiến máu (blood donors). Các đơn vị máu có chứa chất HBcAb sẽ bị loại bỏ.

d) HBeAg và HBeAb (cũng được gọi là Anti-HBe):

Ðây là một trong những thử nghiệm máu rất quan trọng trong việc định và chữa bệnh viêm gan B. Kháng nguyên HBe nếu dương tính (HBeAg positive) có nghĩa là vi khuẩn viêm gan B đang sinh sôi nẩy nở trong cơ thể chúng ta một cách nhanh chóng (replication) và (có thể) chúng cũng đang tấn công và tàn phá tế bào gan một cách không ngừng (infectivity). Người có chất HBeAg có thể lây bệnh của mình qua người khác một cách dễ dàng. Và đây có thể là lý do chính yếu mà bé sơ sinh Việt Nam dễ bị lây bệnh khi vừa mới chào đời. Người ta ước đoán từ 40 đến 50% phụ nữ Á Châu trong lứa tuổi sanh đẻ bị nhiễm trùng vi khuẩn viêm gan A với chất HBeAg dương tính. Ngoài ra tại Hoa Kỳ, một số trường nha khoa từ chối không thâu nhận những sinh viên vào trường nếu kháng nguyên này dương tính.

Trong một số trường hợp may mắn, cơ thể từ từ tiêu diệt kháng nguyên này bằng một kháng thể đặc biệt với tên là HBeAb (Seroconversion). Sự hiện diện của HBeAb có thể là một dấu hiệu cho biết gan đang trên đường phục hồi và từ từ hết bệnh.

Trong thiên nhiên, đa số vi khuẩn viêm gan B có khả năng bài tiết kháng nguyên HBeAG, và vì thế được gọi là wild type. Các loại vi khuẩn này có thể thay đổi và biến thành một dạng khác khó chữa trị hơn. Tuy vẫn sinh sôi nẩy nở một cách rất nhanh chóng, chúng không hề bài tiết kháng nguyên HBeAG. Danh từ y khoa gọi là pre-core mutant. Người Việt chúng ta thường bị tấn công bởi một loại vi khuẩn này, gây ra khá nhiều rắc rối trong lúc chữa bệnh. Sự biến dạng của vi khuẩn wild type thành pre-core mutant có thể được xem là một thất bại của hệ thống miễn nhiễm trong việc bảo vệ cơ thể của chúng ta trước sự tàn phá của các loại vi khuẩn trong thiên nhiên.

e) Quantitate HBV DNA

Ðây là một thử nghiệm máu cầu kỳ và tốn kém. Trong phương pháp này, tổng số vi khuẩn viêm gan B di chuyển trong máu sẽ được xác định rõ ràng. Tuy số lượng vi khuẩn viêm gan B trong máu không nhất thiết phản ảnh trạng thái bệnh tật của tế bào gan, nhưng đây là một cách thức theo dõi tiến triển bệnh tương đối chính xác trong khi chữa trị.

f) ALT & AST

Ðây là 2 chất hóa học vẫn thường được mệnh danh là liver function test. Khi gan bị viêm, 2 chất hóa học này có khuynh hướng tăng rất cao. Ðể biết thêm chi tiết, xin quý vị đọc chương về Bệnh Viêm Gan C.

Bệnh viêm gan siêu vi B
Bệnh viêm gan siêu vi B

4.2. Siêu âm gan (Ultrasonography):

Phương pháp này sẽ giúp người y sĩ một khái niệm tổng quát về hình thù, kích thước và thể chất của gan. Ung thư hoặc bướu, chai gan, sạn trong túi mật v.v. có thể được khám phá một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên phương pháp này không cho biết tình trạng sưng viêm của gan.

4.3. CT Scan

Ðây là một lối chụp hình quang tuyến đặc biệt với ứng dụng của máy điện tử. Một số chi tiết như chai gan, ung thư gan, v.v., có thể được khám phá trong phương pháp này. Những chi tiết của hình CT scan có thể chính xác hơn nếu so với kết quả của siêu âm gan. Tuy nhiên phương pháp này cũng chỉ nhận diện được hình thù chứ không phát giác cường độ hoặc trạng thái viêm của lá gan.

4.4. LIVER-SPLEEN SCAN:

Ðây là một phương thức định bệnh tương đối cầu kỳ. Trong phương pháp này, một ít chất phóng xạ, điển hình là Technetium 99m-labeled sulfur colloid sẽ được tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Sự di chuyển và hấp thụ của chất phóng xạ này sẽ được khám phá bằng hệ thống điện toán đặc biệt. Với ứng dụng của thử nghiệm này, người ta có thể đoán được hình thù và thể tích của lá gan, cũng như khám phá ra những bệnh tật khác như ung thư, áp-xe, u nang (cyst) v.v. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không cho biết cường độ của viêm gan.

4.5. Sinh thiết gan (Liver Biopsy):

Ðây là một phương thức chính xác và độc nhất để nhận định sự tiến triển và trạng thái bệnh tật của gan. Khi nghiên cứu tế bào gan dưới kính hiển vi, người ta cũng có thể phân biệt và chuẩn đoán được một số bệnh tật khác nhau đưa đến viêm gan. Trong phương pháp này, một ít tế bào gan sẽ được lấy ra bằng một kim rất nhỏ, và sẽ được khám nghiệm dưới kính hiển vi. Phương pháp này đã được trình bầy một cách kỹ lưỡng trong chương Bệnh Viêm Gan C.

Mọi vấn đề về sức khỏe, vui lòng gọi đến tổng đài 19006237 để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

PHỔ BIẾN NHẤT